Sáng mai, 7-7, hơn 19.800 thí sinh toàn tỉnh cùng thí sinh cả nước bước vào ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2022.
Thí sinh xem tên, số báo danh, phòng thi tại điểm thi THPT Lê Hồng Phong. |
Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có 35 điểm thi với tổng số 846 phòng thi. Trong số 19.871 thí sinh đăng ký dự thi, có 19.104 thí sinh đang học lớp 12 và 767 thí sinh tự do; số thí sinh đăng ký dự thi bài tự chọn là 19.310 em (trong đó: 9.715 thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên (50,31%), 9.595 thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội (49,69%)). Ngoài 35 điểm thi chính thức, tỉnh bố trí 20 điểm thi dự phòng khu vực lân cận các điểm thi chính với tổng số 404 phòng thi để sẵn sàng phương án thay thế các điểm thi chính khi có tình huống bất thường xảy ra. Tại các điểm thi đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự tham gia. Chiều 6-7, các thí sinh đã có mặt tại điểm thi để học quy chế thi, làm thủ tục dự thi, nhận thẻ dự thi, đính chính các thông tin sai sót trong đăng ký dự thi.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định “tiếp sức mùa thi” cho thí sinh tại điểm thi THPT Lê Hồng Phong. |
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra trong các ngày 7 và 8-7. Ngày 7-7, buổi sáng các thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn (120 phút); chiều thi môn Toán (90 phút). Ngày 8-7, buổi sáng các thí sinh thi tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) hoặc tổ hợp các môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), thời gian 150 phút; chiều thi môn Ngoại ngữ (60 phút). Trước đó, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 và Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định... Hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác thi tiếp tục được thực hiện liên tục trước, trong và sau kỳ thi. Thông qua hoạt động kiểm tra, Ban Chỉ đạo thi và Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các hội đồng thi thực hiện nghiêm túc Quy chế, quy định; đảm bảo an toàn, bảo mật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng địa phương phục vụ kỳ thi hiệu quả; đảm bảo cho các thí sinh được tạo mọi điều kiện để tham gia kỳ thi đạt chất lượng cao nhất.
Thí sinh tại điểm thi THPT Phạm Văn Nghị (Ý Yên) rà soát thông tin trên thẻ dự thi và nghe phổ biến quy chế thi. |
Tại tất cả 10 huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, thành phố, có sự tham gia của các đơn vị liên quan. Các Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, thành phố đã phân công, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng đơn vị, cá nhân tham gia; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật tổ chức thi; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, bố trí các nguồn lực thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy chế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD và ĐT. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau kỳ thi được xây dựng để bảo đảm kỷ cương, tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng; có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19./.
Tin, ảnh: Minh Thuận