Sáng 8-6, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Tọa đàm khoa học “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH- HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Tiến sĩ Cao Đức Phát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc và đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Quang Thuấn nêu rõ CNH-HĐH luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trung tâm xuyên suốt trong thời kỳ quá độ, chính vì vậy Tọa đàm khoa học sẽ góp phần đóng góp trực tiếp cho Bộ Chính trị về lý luận và thực tiễn chủ trương, chính sách về CNH-HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói chung; là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các cấp, các ngành và các địa phương xây dựng những chính sách cụ thể, triển khai thực hiện hiệu quả. Đồng thời thông qua buổi Tọa đàm khoa học là dịp để tỉnh và các ngành, các địa phương cùng trao đổi với các nhà khoa học “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách CNH-HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đánh giá những kết quả, hạn chế thực hiện CNH-HĐH của tỉnh Nam Định trong thời gian qua từ đó giúp tỉnh định hình đúng hướng để có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian ngắn nhất, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Các ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm tập trung làm rõ nội dung: Tỉnh Nam Định đã phát huy những tiềm năng, lợi thế, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của địa phương, đề ra nhiều chủ trương, cơ chế chính sách khá toàn diện trên mọi lĩnh vực tạo tiền đề và thúc đẩy quá trình CNH- HĐH trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, kinh tế tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được mở rộng. Sản xuất công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt được những thành tựu nổi bật, Nam Định là 1 trong 2 tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tham luận cũng đã làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện CNH - HĐH của tỉnh, định hướng thực hiện CNH – HĐH của tỉnh với những giải pháp đột phá, đồng bộ, hiệu quả: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát huy, sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng CNH - HĐH. Phân bổ nguồn lực hợp lý giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa gắn liền với phát triển bền vững bảo vệ môi trường. Huy động và phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với CNH – HĐH./.
Tin: Thu Thủy
Ảnh: Ngọc Ánh