Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), 47 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), tối 26/4, Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Chung một dòng sông".
Chú thích ảnh Các đại biểu dự chương trình. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Chương trình là nén hương thơm thành kính dâng lên các Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời cũng là món quà nghệ thuật đặc biệt gửi đến những người dân đôi bờ Bến Hải, với mong muốn Quảng Trị năm xưa kiên cường trung dũng, ngày nay không ngừng phát triển, mạnh giàu.
Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành ở Trung ương và tỉnh Quảng Trị dự chương trình.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Hơn 50 năm trước, người dân ở bờ bắc sông Bến Hải khi trông sang bờ nam chỉ có thể "nhìn phương Nam con nước vơi đầy, thương nhớ" và "gửi lời tin theo gió qua mấy câu thiết tha hò ơi" như lời bài hát Xa khơi và Câu hò bên bờ Hiền Lương - những bài hát hay nhất thời chiến tranh chống Mỹ, nói về sự chia cắt, lòng thủy chung bền bỉ "không bao giờ phai" của người dân hai miền, cùng với niềm tin mãnh liệt vào ngày đoàn tụ. Bến Hải, Hiền Lương - những địa danh mang cái tên hiền hòa, thiện lành ấy đã phải trở thành biểu tượng sự chia cắt đất nước tới gần 20 năm, cho đến ngày huyện Gio Linh được giải phóng năm 1972 và chỉ vĩnh viễn là dòng sông chung, cây cầu chung của nhân dân hai miền Nam - Bắc khi nước nhà hoàn toàn thống nhất vào tháng 4/1975.
Đến nay, cuộc chiến đã lùi xa gần 50 năm, dấu vết của chiến tranh chỉ còn lưu lại qua những chứng tích lịch sử. Những địa danh như Thành cổ, Đường 9, Khe Sanh, Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Bến Hải, Thạch Hãn, Cửa Việt, Cửa Tùng… từng ghi dấu những chiến công lừng lẫy của quân và dân Quảng Trị, nhưng cùng với đó là sự đổ nát tàn khốc vì ngọn lửa chiến tranh. Những địa danh, vùng đất ấy, hôm nay đã hồi sinh. Cho dù gần 50 năm đã trôi qua, trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương vẫn là những vùng ký ức, nhắc nhở về những thập kỷ khắc nghiệt nhất của dân tộc, về sự chia cắt, phân ly, đồng thời cũng là biểu tượng của đức hy sinh, của tình yêu thương và lòng nhân ái, hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Theo ông Lê Quốc Minh, sông Bến Hải - Cầu Hiền Lương nhắc nhở về một dòng sông của tình nghĩa đồng bào, giữa những người con cùng mang dòng máu Lạc Hồng, cho dù trước kia từng ở hai bên bờ chiến tuyến. Giữa họ luôn có một dòng sông miên man, bền bỉ chảy, đó là tình yêu quê hương, xứ sở. Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn tắm chung một dòng sông ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt. Đến khi non sông đã liền một dải, như một lẽ tự nhiên, mỗi người dân Việt Nam lại có chung một dòng sông khát vọng gìn giữ, dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Cuối cùng, mỗi người có chung một dòng sông tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào thế hệ trẻ - những công dân toàn cầu, bằng tài năng, sức trẻ sẽ đưa đất nước đến những chân trời mới, hùng cường, thịnh vượng. Có chung những dòng sông ấy, có nghĩa là mọi người Việt dù ở trong nước hay ngoài nước sẽ cùng nhau nối vòng tay lớn vì một tương lai bình an, tươi sáng của Tổ quốc Việt Nam. Đó cũng chính là hình ảnh trọn vẹn của hòa hợp dân tộc.
Hoạt cảnh “Giai điệu Tổ quốc” trong chương trình. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Với 5 trục nội dung chính: Khát vọng, hạt giống hòa hợp vượt qua chia cắt - Tình yêu quê hương, xứ sở - Chung tay xây dựng, phát triển, giữ gìn đất nước - Cùng chung tiếng Việt yêu thương - Thế hệ mới, cội nguồn xưa, chương trình nhằm hướng tới thông điệp chung, đó là: "Hòa hợp, đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước".
50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị cũng là chừng đó năm cây cầu Hiền Lương chứng kiến những thay đổi của lịch sử, của đất nước. Khát vọng "chung một dòng sông" nay đã thành hiện thực, còn khát vọng kết nối tình yêu quê hương, tinh thần dân tộc của những người con đất Việt từ khắp thế giới vẫn mãi chảy không ngừng. Chương trình đã kể về câu chuyện của những người con xa quê hương kể về tình yêu quê hương, cội nguồn dân tộc có vai trò quyết định như thế nào đối với cuộc đời họ; kể câu chuyện cảm động về hoàn cảnh ra đời của ca khúc "Câu hò trên bến Hiền Lương", do nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác.
Giao lưu cùng Thiếu tá Đào Chí Thành, cựu chiến binh. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Chương trình còn kể những câu chuyện về tình yêu bị chia cắt hai miền, câu chuyện về tình đồng bào giữa những người lính ở hai bên bờ chiến tuyến. Cuộc chiến đẩy những người lính ở thế một đối đầu nhau, một mất một còn, nhưng họ vẫn mang trong lòng cùng một tình yêu với quê hương và cùng có chung một khát vọng hòa bình.
Bên cạnh đó, chương trình còn kể về câu chuyện của một người con xa quê, có quá khứ gắn với cuộc chiến, kể về nỗi nhớ, sự day dứt với quê hương, cùng những suy nghĩ gác lại quá khứ, hướng đến tương lai; những doanh nhân người Quảng Trị từ nước ngoài trở về xây dựng, đầu tư tại quê hương, về những đoàn Việt kiều đi thăm Trường Sa, những thay đổi của mảnh đất Quảng Trị sau 50 năm xây dựng, phát triển, trong đó có cả những đóng góp của người Việt Nam từ nước ngoài...
Ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương” được biểu diễn trong chương trình. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Đan xen các câu chuyện đầy xúc động là các tiết mục nghệ thuật với những ca khúc đi cùng năm tháng về quê hương đất nước, về dòng sông Bến Hải huyền thoại do Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng; các ca sĩ Anh Thơ, Ánh Tuyết, Thanh Thanh, Bạch Trà, rapper Quốc Trung, nhóm Oplus, các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, vũ đoàn HT biểu diễn. Cũng tại chương trình, ca khúc "Xin chào Việt Nam" được thể hiện bởi ca sỹ Quỳnh Anh như một lời tâm tình từ những người con xa quê…
Đặc biệt, cũng là một câu chuyện âm nhạc, nhưng trong chương trình, lần đầu tiên, câu chuyện của hai ca khúc cùng mang tên "Tình ca" đã được cất lên. Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng hát "Tình ca" của nhạc sĩ Hoàng Việt và nhóm Oplus thể hiện ca khúc "Tình ca" của nhạc sĩ Phạm Duy.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh và Phó Tổng Biên tập Đinh Như Hoan tặng hoa cho đại diện các nhà tài trợ chương trình. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Là bản hòa tấu để ca ngợi tinh thần dân tộc, khát vọng hòa bình, cội nguồn quê hương, "Chung một dòng sông" không chỉ mang ý nghĩa nước non đã nối liền một dải, cây cầu đã xóa nhòa ranh giới, nối liền hai bờ sông Bến Hải, còn mang ý nghĩa nối liền trái tim, tình cảm của những người con đất Việt, dù ở trong hay ngoài nước, bằng cùng một tình yêu quê hương, cùng một tinh thần dân tộc.
Có thể nói, tinh thần dân tộc, cội nguồn quê hương là điều sâu thẳm nhất gắn kết những con người Việt Nam dù ở giai đoạn lịch sử nào, bối cảnh không gian nào. Nó góp phần làm cho con người: vượt qua nghịch cảnh - gắn bó yêu thương - khát khao hòa bình - cống hiến.
Theo baotintuc.vn