Ngày 29-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch phát triển ngành năm 2022. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng.
Năm 2021, mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, sâu bệnh, thời tiết... song được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Nông nghiệp toàn quốc đã bám sát chỉ đạo, gắn với thực tiễn, nỗ lực vượt khó, vươn lên khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành khoảng 2,85-2,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD; trên 68,2% xã đạt chuẩn NTM và 213 huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,2%. Sản xuất nông nghiệp đã bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động trong bối cảnh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19… Năm 2022, ngành Nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 2,8-2,9%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,9-3%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM trên 73%. Thành lập mới 1.500 HTX nông nghiệp; cả nước có 21 nghìn HTX nông nghiệp, trong đó có trên 13.650 HTX nông nghiệp xếp loại khá, tốt.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả mà ngành Nông nghiệp cả nước đã đạt được trong năm qua; đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Thủ tướng yêu cầu: Bộ NN và PTNT, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực dự tính, dự báo và lựa chọn hình thức tổ chức thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao. Coi trọng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp có tầm nhìn xa, sát thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, có chiều sâu trên cơ sở khoa học công nghệ, chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng suất lao động và giá trị thu nhập; đồng thời rà soát phát hiện những “điểm nghẽn” về thể chế để kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn ngành, nâng cao năng lực, phẩm chất, trí tuệ, uy tín của đội ngũ cán bộ làm nông nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Chú trọng khai thác tốt các lợi thế từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước, các khu vực trên thế giới. Tập trung phát triển kinh tế biển, giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC trong khai thác thủy sản. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế xanh góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, giảm khí thải mê tan theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COOP 26 về môi trường./.
Tin, ảnh: Văn Đại