Ngày 7-9, Bộ NN và PTNT cho biết, sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước 8 tháng của năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do 7 tháng của năm nay, sản xuất và xuất khẩu đều tăng mạnh.
Sang tháng 8-2021, do dịch bùng phát ở nhiều địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã ảnh hưởng đến sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản... dẫn đến giá nhiều nông sản giảm khá mạnh. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8-2021 giảm sâu so với cùng kỳ và tháng 7-2021 (đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8-2020 và giảm 22% so với tháng 7-2021).
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN và PTNT), cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, toàn ngành tiếp tục đối mặt không ít khó khăn, vướng mắc, trước tiên là về sản xuất, chế biến. Thứ hai là vấn đề tín dụng. Doanh nghiệp xuất khẩu (rau quả, hồ tiêu...) đối mặt khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất cho vay khá cao (vay thế chấp có lãi suất từ 7-8% năm, vay tín chấp lãi suất 20-30% năm). Thứ ba là khó khăn ở khâu vận chuyển, logistics vì chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao; mảng logistics gặp khó khăn khi thực hiện hướng dẫn cấp giấy đi đường cho người lao động. Thứ tư là chi phí điện năng. Các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất, chế biến thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, ngoài việc duy trì sản xuất còn phải bảo đảm sinh hoạt cho công nhân. Các nhà máy, kho lạnh phải thu mua dự trữ hàng của nông dân để chế biến xuất khẩu khiến tăng chi phí điện năng gấp nhiều lần. Thứ năm là vấn đề vắc-xin cho công nhân sản xuất chế biến và thu mua nguyên liệu trong ngành rau quả, chăn nuôi, chế biến nông, lâm, thủy sản rất cao, nhưng hiện chỉ mới đáp ứng 10-15% cho mũi thứ nhất...
Trước những khó khăn trên, để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm, Bộ NN và PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn tại địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm vắc-xin.
Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm; xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành Nông nghiệp.
Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương - nơi có hoạt động của doanh nghiệp; xem xét hỗ trợ giảm ít nhất 1/2 chi phí điện năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất, chế biến phải duy trì “3 tại chỗ” (nhất là các nhà máy, kho lạnh)./.
PV