Theo báo cáo của Sở NN và PTNT và qua thực tế kiểm tra đồng ruộng cho thấy, các trà lúa mùa trong tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, đang ở giai đoạn từ phân hóa đòng - trổ bông; dự kiến lúa trỗ bông tập trung từ ngày 5 đến 15-9. Tuy nhiên, trên trà lúa trỗ bông sớm (trước ngày 5-9), sâu đục thân 2 chấm đang phát sinh với mật độ rất cao, gấp 3-5 lần so với trung bình nhiều năm. Nếu không tổ chức phòng trừ kịp thời, sâu đục thân có nguy cơ gây hại làm giảm năng suất nghiêm trọng, nhất là những khu ruộng ven làng, ven sông, gần nguồn chiếu sáng, gần khu ruộng bỏ hoang... Sâu tập trung gây hại nặng cho trà lúa trỗ bông trước ngày 5-9 và trà lúa trỗ bông sau ngày 15-9 (trà mùa trung trỗ muộn), nhất là trà lúa đặc sản trỗ bông trong tháng 10.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu đục thân 2 chấm gây ra, UBND tỉnh vừa có Văn bản số 613/UBND-VP3 chỉ đạo tập trung phòng trừ sâu đục thân 2 chấm hại lúa mùa năm 2021. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phân loại các trà lúa, xác định thời điểm trỗ, mật độ trứng sâu đục thân 2 chấm và lựa chọn loại thuốc phun, thời điểm phun thuốc đạt hiệu quả tốt nhất. Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; chỉ đạo và định hướng cửa hàng cung ứng thuốc bảo vệ thực vật kinh doanh các loại thuốc trừ sâu đục thân 2 chấm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi chủ động đảm bảo đủ nước phục vụ phun trừ sâu đục thân 2 chấm để thuốc phát huy hiệu quả phòng trừ. Ngoài sâu đục thân 2 chấm còn các đối tượng như: Bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu cuối vụ... cần tiếp tục quan tâm quản lý theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT./.
Văn Đại