Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm

07:01, 20/01/2021

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số bệnh dịch nghiêm trọng trên đàn gia súc, gia cầm như: bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò tại các xã Hồng Quang (Nam Trực), Giao Thiện (Giao Thủy), Minh Tân (Vụ Bản); ổ dịch Cúm gia  cầm (CGC) A/H5N6 tại xã Yên Khánh (Ý Yên). Đặc biệt trong thời gian tới thời tiết diễn biến bất thường, nhu cầu đi lại, vận chuyển, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm cao nên nguy cơ các loại bệnh nguy hiểm trên vật nuôi phát sinh, lây lan là rất lớn. 

Để chủ động ngăn chặn các loại dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trên địa bàn; bảo vệ sản xuất và sức khỏe nhân dân, ngày 20-1, UBND tỉnh có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau: Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp theo chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, nhất là Công điện số 170/CĐ-BNN-TY ngày 11-1-2021 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm tra, phòng, chống bệnh CGC lây lan rộng; các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Sở NN và PTNT về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.  Địa phương nào chủ quan, lơ là trong phòng chống để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng, người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Đối với những nơi có dịch CGC, VDNC chưa qua 21 ngày, cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, nhất là các bệnh CGC, VDNC, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng... Hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Tăng cường công tác chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh động vật, nhất là ở địa phương có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm theo quy định của Luật Thú y; xử lý các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng. Triển khai đăng ký, kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. Rà soát, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng, nhất là đối với bệnh lở mồm long móng, CGC… Tổ chức  kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; thực hiện cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn với các đối tượng liên quan. Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về chăn nuôi - thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác giám sát, báo cáo tình hình chăn nuôi, dịch bệnh từ xã lên tuyến huyện, tuyến tỉnh. Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch cho các cấp; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tại cơ sở. Các sở, ngành: Công an, Giao thông - Vận tải, Cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với ngành NN và PTNT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm về vận chuyển, tiêu thụ, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vào địa bàn. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch./.

Nguyễn Hương

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com