Từ ngày 1-7, phí thu từ nước thải sẽ trích cho tổ chức cấp nước sạch

07:05, 07/05/2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020; trong đó quy định để lại phần trăm số tiền phí bảo vệ môi trường thu được cho tổ chức cung cấp nước sạch...

Theo Nghị định trên, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường là nước thải công nghiệp thải vào nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định pháp luật và nước thải sinh hoạt, trừ trường hợp miễn thu phí theo quy định.

Nghị định cũng nêu rõ mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quyết định mức phí cụ thể cao hơn đối với từng đối tượng chịu phí.

Đối với nước thải công nghiệp, Nghị định quy định cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) trong năm 2020 là 1,5 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1-1-2021 trở đi, đối với cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày trở lên thì phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tính cả số phí phải nộp và phí biến đổi.

Cụ thể, mức phí phải nộp là 4 triệu đồng/năm. Phí biến đổi, tính theo tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất, tương ứng với mức phí từ 2.000 đồng đến 2 triệu đồng/kg.

Theo Nghị định, đối với nước thải sinh hoạt sẽ để lại 10% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường thu được cho tổ chức cung cấp nước sạch và 25% cho UBND phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí.

Trường hợp chi phí tổ chức thu thấp hơn tỷ lệ để lại này, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức tỷ lệ để lại cụ thể phù hợp nhưng tối đa không quá 10% đối với tỷ lệ để lại cho tổ chức cung cấp nước sạch và tối đa không quá 25% đối với tỷ lệ để lại cho UBND phường, thị trấn.

Số tiền phí được để lại là doanh thu của tổ chức cung cấp nước sạch. Tổ chức cung cấp nước sạch kê khai, nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) theo quy định pháp luật về thuế và quyết định việc quản lý, sử dụng tiền phí để lại.

Đối với nước thải công nghiệp, tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí bảo vệ môi trường thu được vào ngân sách Nhà nước, ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động.

Trường hợp tổ chức thu phí thuộc diện khoán chi phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP thì được để lại 25% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường thu được cho tổ chức thu phí để trang trải cho hoạt động thu phí; trong đó có chi phí cho điều tra, thống kê, rà soát, phân loại, cập nhật, quản lý đối tượng chịu phí; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất cơ sở thải nước thải công nghiệp…

Phần còn lại, sau khi trừ số tiền phí được trích để lại theo quy định, tổ chức thu phí có trách nhiệm nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương.

Hàng năm, tổ chức thu phí có trách nhiệm thông tin công khai số phí bảo vệ môi trường thu được năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo địa phương, đài phát thanh địa phương, cổng thông tin điện tử của tổ chức thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân và doanh nghiệp được biết./.

Theo vietnamplus.vn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com