Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiến độ sản xuất vụ mùa năm 2019 đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Ðến hết ngày 24-6, toàn tỉnh đã lấy đủ nước cho trên 90% diện tích gieo cấy, cày lật đất được 63.960ha, bằng 84% diện tích; gieo mạ được 57% diện tích. Hiện nay, nguồn rầy lưng trắng tồn tại trên ký chủ phụ (lúa chét, mạ đặc sản) tương đương so với vụ mùa năm 2018, cùng với đó thời tiết nắng nóng gay gắt và sắp có mưa giông lớn là điều kiện thuận lợi để rầy tăng nhanh mật độ trong thời gian tới. Ðặc biệt nguồn bệnh lùn sọc đen vẫn đang sẵn có trên đồng ruộng tạo nguy cơ phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa 2019.
Ðể đảm bảo tổ chức tốt sản xuất, chủ động hạn chế thấp nhất nguy cơ phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen trên vụ lúa mùa 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tập trung hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa năm 2019 xong trước ngày 15-7; huy động mọi lực lượng, phương tiện lấy nước, làm đất; chú ý cày bừa kỹ, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn bệnh lùn sọc đen, thường xuyên giữ đủ nước trong ruộng để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy xác thực vật; xuống giống, gieo mạ, cấy lúa theo đúng lịch chỉ đạo nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, bệnh lùn sọc đen và bạc lá lúa. Chủ động phòng, chống dịch bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ: phun tiễn chân mạ trước khi nhổ mạ cấy từ 2-3 ngày bằng thuốc trừ rầy đặc hiệu để chống rầy xâm nhập, lây truyền bệnh lùn sọc đen cho cây mạ; sử dụng thuốc có hoạt chất Thiamethoxam (Amira 25WP, Onera 300WG, Impalasuper 25WG...) hoặc hoạt chất khác (Chess 50WG, Topchest 550WG, TV Pymeda 350WP, Cytoc 250WP, Gold Tress 10WP,...); đối với lúa gieo sạ phải xử lý hạt giống, phun thuốc sau khi xuống giống 15-20 ngày (khi trên ruộng có mật độ rầy và mẫu rầy phân tích có kết quả dương tính); tổ chức thu thập mẫu rầy, mẫu lúa giám định vi-rút lùn sọc đen theo đúng Kế hoạch số 442/KH-SNN ngày 28-5-2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tích cực diệt chuột, ốc bươu vàng, cỏ dại đồng loạt bằng nhiều hình thức, kết hợp nhiều biện pháp trong các đợt lấy nước. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh vật tư nông nghiệp ở huyện, thành phố, nhất là hoạt động quảng cáo ở cấp xã; chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật./.
Thành Trung