Theo ông Lê Thanh Hải, hiện mùa mưa bão 2015 đã cận kề. Tuy nhiên tình hình thời tiết năm nay có những biến đổi dị thường so với các năm trước. Các mô hình dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia từ thực tế cho thấy, thời tiết của chúng ta đang chịu ảnh hưởng của “pha nóng” ENSO gây hiện tượng El-Nino. Mỗi khi El-Nino quay trở lại đều gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ mạnh hoặc khô hạn nặng. Nhưng các số liệu quan trắc cho thấy, trong mùa mưa bão sắp tới, sẽ có số lượng cơn bão ít hơn so với trung bình nhiều năm - năm nay dự báo có khoảng 9-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta. Trong khi trung bình nhiều năm là khoảng 10-12 cơn bão.
Mặc dù bão và ATNĐ sẽ xuất hiện ít hơn nhưng không có nghĩa mưa lũ lụt sẽ giảm mà theo quy luật sẽ có những đợt thiên tai khốc liệt, xảy ra cục bộ. Điều đáng lo là hiện tượng El-Nino sẽ xuất hiện vào mùa mưa bão, thường kéo dài từ tháng 5-6 tới tháng 9-10. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân không chủ quan coi thường mà phải đề cao tinh thần chủ động phòng tránh bão lũ. Kinh nghiệm từ những năm gần đây cho thấy, nhờ việc chủ động dự báo và phòng, chống thiên tai mà các hậu quả rủi ro được giảm thiểu rõ rệt.
Hiện mùa nắng nóng đang bắt đầu đến đối với miền Bắc và đã xảy ra ở các tỉnh miền Nam kèm khô hạn. Tuy nhiên, đỉnh điểm của các đợt nắng nóng sẽ xuất hiện vào tháng 5-6-7. Mặc dù nhận định bão sẽ ít hơn nhưng năm 2015 sẽ có những đợt nắng nóng với nền nhiệt độ tăng khá cao. Số liệu quan trắc từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 3-2015 cho thấy, nền nhiệt ở các tỉnh miền Bắc đã cao hơn so với trung bình nhiều năm, còn ở các tỉnh phía Nam là xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10-2015, cả ba miền Bắc - Trung - Nam sẽ có nền nhiệt ở mức phổ biến là cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 0,5-10C. Tuy nhiên nắng nóng kèm nhiệt độ cao sẽ chỉ căng thẳng nhất ở miền Bắc và Trung bộ với nhiều đợt hơn, còn tại Nam bộ và Tây Nguyên đỡ bị ảnh hưởng hơn.
Cũng theo ông Lê Thanh Hải, tình hình hạn hán trên diện rộng hiện chỉ xảy ra ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên và đã kéo dài từ đầu năm 2015 tới nay. Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia cũng đã đưa ra cảnh báo - dự báo về hiện tượng này từ cuối năm 2014. Như trên đã nói, thời tiết đang có những dấu hiệu dị thường và cực đoan với các trạng thái đối lập rõ rệt. Theo quy luật thì càng khô hạn nặng càng xảy ra những đợt lũ dữ hoặc trái mùa. Song hiện vẫn chưa phải là cao điểm của tình trạng khô hạn ở các tỉnh từ Bắc Trung bộ tới Nam Trung bộ và Tây Nguyên, mà trong những tháng sắp tới hạn hán sẽ còn nặng nề hơn. Trong khi tại Nam bộ, năm nay mùa mưa sẽ đến muộn hơn đồng nghĩa với nguồn nước ngọt suy giảm, mực nước trên các sông đầu nguồn xuống thấp, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng thì tại miền Trung, khô hạn sẽ còn kéo dài ít nhất tới tháng 9-2015, trời ít mưa hơn xen kẽ các đợt bão và ATNĐ gây lũ. Ngược lại, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực ven biển Trung bộ sẽ có nhiều đợt lũ với cường độ mạnh hơn năm 2014.
Thế nhưng sau các đợt lũ khốc liệt như vậy thì ngay lập tức lại có khô hạn tại Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Tình hình hạn hán nặng sẽ xảy ra từ Nghệ An tới Bắc Bình Thuận.
Đây là vấn đề cần được quan tâm nhất để tránh lặp lại các khó khăn và thiệt hại do thiên tai, thời tiết gây ra. Tưởng như mâu thuẫn, nghịch lý nhưng đó cũng là hiện tượng đã xảy ra nhiều năm nay khi vừa mới dứt bão lũ đã xảy ra khô hạn nặng. Vì vậy, chúng ta cần phải điều tiết nguồn nước một cách hợp lý, nhịp nhàng thông qua các hồ thủy điện, thủy lợi. Các hồ thủy điện nên chủ động lịch tích nước và cắt lũ cho các địa phương mỗi khi có bão và dự báo bão lũ, đồng thời cần tích cực san sẻ nguồn nước, xả nước cho bà con ở hạ du để canh tác nông nghiệp. Về lâu dài, chúng ta cần xây dựng một quy trình vận hành mạng lưới liên hồ chứa đủ mạnh và hợp lý để tham gia phòng, chống thiên tai. Về phía Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cũng sẽ có các bản tin dự báo sớm để các địa phương, đơn vị theo dõi và chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, điều tiết nhịp nhàng hơn./.
Theo SGGP