Ngày 16-4-2013 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HN và GĐ) năm 2000. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hà Hùng Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lương Bằng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. |
Qua 13 năm thi hành Luật HN và GĐ năm 2000 có tác động tích cực đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ HN và GĐ tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Luật HN và GĐ đã có những đóng góp tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực, kinh tế - xã hội của từng địa phương và đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật HN và GĐ năm 2000 còn tồn tại một số hạn chế như: Một số quy định của luật chưa tạo ra cơ chế pháp lý hiệu quả trong điều chỉnh các quan hệ HN và GĐ vốn có nhiều đặc thù so với các quan hệ dân sự khác; chưa thực sự phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của các quan hệ dân sự - quan hệ tư. Tính khả thi trong một số quy định của luật thấp dẫn đến việc công nhận, thực hiện các quyền về HN và GĐ gặp nhiều khó khăn. Chưa quy định hoặc quy định không cụ thể một số quan hệ về HN và GĐ phát sinh trong thực tiễn như: Quan hệ nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; ly thân; mang thai hộ. Một số quy định của luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn quan hệ dân sự, hội nhập quốc tế như: Quy định về tài sản của vợ chồng tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh; quan hệ HN và GĐ có yếu tố nước ngoài…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Luật HN và GĐ có liên quan đến toàn dân, là vấn đề nhạy cảm trong xã hội, việc tổng kết Luật HN và GĐ để rút ra những kinh nghiệm và tìm ra bất cập trong quá trình thi hành luật để sửa đổi, bổ sung là cần thiết. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp xây dựng sửa đổi Luật HN và GĐ có chất lượng, phù hợp với sự phát triển của đất nước; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tính đặc thù trong quan hệ HN và GĐ, so với các mối quan hệ khác, trong đó tôn trọng bảo đảm thực hiện quyền con người, phù hợp với truyền thống của dân tộc và đáp ứng xu thế phát triển của thế giới. Đồng thời rà soát, kế thừa ưu điểm, những tinh hoa của đất nước trong quá trình thi hành luật và quan tâm đến phong tục, tập quán của từng dân tộc khi xây dựng sửa đổi luật./.
Văn Trọng