Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN tỉnh lần thứ 14 năm 2012, vừa qua các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm ATVSLĐ-PCCN, triển khai thực hiện Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN năm 2012 của huyện Trực Ninh, Thành phố Nam Định và một số doanh nghiệp: Cty CP Vĩnh Giang, Cty Xây dựng Hưng Thịnh (Thị trấn Cổ Lễ), Cty DV-KD và quản lý chợ, chợ Rồng, Cty TNHH Thắng Lợi, Cty CP Dệt lụa Nam Định, Cty CP Dược phẩm Trường Thọ (TP Nam Định).
Nhìn chung, các địa phương đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác ATVSLĐ-PCCN trong quá trình sản xuất, kinh doanh; kiện toàn ban chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động trước, trong và sau Tuần lễ tới các ngành chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn, BQL các CCN và các doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN, các quy định pháp luật về công tác này; chỉ đạo các đơn vị tiến hành tự kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tỉnh; chỉ đạo các đơn vị tổ chức mít tinh, phát động hưởng ứng tuần lễ tại đơn vị, địa bàn; tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra công tác ATVSLĐ-PCCN ở một số doanh nghiệp. Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở, doanh nghiệp, đoàn kiểm tra cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác ATVSLĐ-PCCN của doanh nghiệp, kiến nghị đề xuất để đơn vị thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ-PCCN. Năm 2012, Thành phố Nam Định và huyện Trực Ninh cần tập trung nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp về ATVSLĐ-PCCN, chấn chỉnh việc thực thi pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, tăng cường quan tâm tới các đơn vị tập trung đông lao động và có nguy cơ cháy nổ cao, nhất là các đơn vị trong CCN; đôn đốc các doanh nghiệp ký cam kết chấp hành pháp luật về ATVSLĐ-PCCN; rà soát các đơn vị có nhiều yếu tố nguy cơ tiềm ẩn để có phương án kiểm soát, hạn chế và ngăn chặn kịp thời; tăng cường giữ gìn vệ sinh công nghiệp trong các xưởng dệt, may, khắc phục nguy cơ cháy cao do bụi bông tồn đọng trong xưởng nhiều, nhất là trên hệ thống thiết bị điện (cầu dao, công tắc, quạt treo tường, dây điện…), ánh sáng chưa đảm bảo; trang bị nút tai chống ồn đúng quy cách cho công nhân trong các xưởng dệt may để phòng ngừa bệnh điếc nghề nghiệp. Phương án PCCC cần được rà soát, bổ sung hằng năm cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần quan tâm đến công tác khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động ở những bộ phận có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Đối với doanh nghiệp xây dựng có sử dụng thiết bị vận thăng là loại máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ cần phải kiểm định theo quy định. Các doanh nghiệp cần chú ý phân cấp trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ-PCCN cụ thể; xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các bộ phận, phân xưởng sản xuất, các công trường, đồng thời phải quan tâm huấn luyện ATVSLĐ-PCCN cho các lao động mới và lao động thời vụ./.
Vân Anh và Lam Hồng