Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch cúm gia cầm

08:02, 25/02/2012

Ngày 23-2-2012, Bộ NN và PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) với lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT và các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch CGC đến dự. Ở tỉnh ta, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh và các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm của tỉnh tham dự.

Từ năm 2007 đến nay, trên thế giới năm nào cũng có từ 7 đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch CGC; ở Việt Nam từ năm 2007 đến 2011, dịch CGC xuất hiện mỗi năm ở 17 đến 23 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm 2012 đến nay, dịch CGC đã xảy ra ở 30 xã, phường của 23 quận, huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố; hiện nay cả nước còn 10 tỉnh, thành phố có dịch CGC chưa qua 21 ngày. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu huỷ là 35.130 con. Dịch phát ra lẻ tẻ, rải rác, phần lớn các tỉnh có 1-2 hộ chăn nuôi có dịch và các ổ dịch đã được các địa phương phát hiện sớm, xử lý gọn nên dịch chưa có dấu hiệu lây lan rộng. Hiện nay, thời tiết bất lợi và diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm; các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm không được quản lý chặt chẽ, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc nuôi mới, chưa có vắc-xin phù hợp để tiêm phòng chủng vi rút đã biến đổi... nên dịch vẫn có thể tiếp tục xuất hiện rải rác ở các địa phương khác.

Để phòng chống dịch, trong thời gian tới yêu cầu các địa phương thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ NN và PTNT về triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống bệnh CGC, thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và nhân dân về phòng chống dịch CGC. Chủ động phát hiện sớm ổ dịch, xử lý quyết liệt và bao vây, giám sát ổ dịch; khuyến khích các hộ chăn nuôi đảm bảo an ninh sinh học. Khi xảy ra dịch phải lấy mẫu gửi xét nghiệm đồng thời tiêu huỷ ngay đàn gia cầm bị bệnh đúng quy định. Tổ chức tốt các chốt kiểm dịch. Đồng loạt triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trong toàn quốc. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm; quản lý chặt nơi có ổ CGC. Các cơ quan thú y, trạm kiểm dịch phải thông tin và phối hợp chặt chẽ để kiểm soát tốt việc vận chuyển gia cầm.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tình hình dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là dịch CGC vừa xảy ra ở thôn Phù Đô, xã Yên Thắng (Ý Yên). Do phát hiện sớm nên đã tiêu hủy ngay trong ngày khi phát hiện ra dịch. UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh đã triển khai các biện pháp: kế hoạch tiêm phòng vắc xin, đẩy mạnh tuyên truyền cả trên phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện khác; thành lập 4 chốt kiểm dịch và tổ chức kiểm dịch chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn. Đồng thời đề nghị với Bộ NN và PTNT chỉ đạo cơ quan khoa học sớm đánh giá tỷ lệ lưu hành giữa chủng vi rút mới và cũ để có giải pháp về vắc xin phù hợp; chỉ đạo các địa phương quản lý, giám sát đàn vịt giống bố mẹ cung cấp trứng để ấp nở vịt con và những cơ sở ấp trứng; kiên quyết loại bỏ những đàn thủy cầm giống mang trùng, những cơ sở ấp nở không đủ điều kiện; hỗ trợ vắc xin lở mồm long móng và 30 nghìn lít hóa chất để vệ sinh tiêu độc, khử trùng.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, đồng chí Thứ trưởng Bộ NN và PTNT khẳng định: Tuy các ổ dịch có giảm và chưa lây lan ra diện rộng song các địa phương không được chủ quan vì thời tiết cả miền Nam và miền Bắc diễn biến bất thường nên dịch CGC có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, vi rút biến đổi ở miền Bắc và Tây Nguyên làm vắc xin cũ không còn hiệu lực. Vì vậy 7 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch CGC Trung ương tiếp tục hoạt động đến ngày 15-3; các tỉnh, thành phố cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, nhắc nhở đến tận huyện, xã. Triển khai quyết liệt Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; tuyên truyền tích cực cho người dân nâng cao nhận thức bảo vệ đàn gia cầm và bản thân mình an toàn dịch bệnh; khi phát hiện ra ổ dịch phải tiêu hủy ngay và lấy mẫu gửi xét nghiệm. Giao cho Cục Thú y và các cơ quan có liên quan về Nam Định để lấy mẫu rộng hơn. Xác định các chủng vi rút, đồng thời phối hợp để nhanh nhất có vắc xin bổ sung, nhất là đối với chủng vi rút đã biến đổi để chủ động phòng chống dịch. Ngay sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, Cục Thú y đưa ngay báo cáo, nội dung hội nghị và các kinh nghiệm phòng chống dịch của các địa phương làm tốt lên trang điện tử của ngành để các địa phương khác trao đổi, học tập./.

Tất Thắc
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com