Quan tâm đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn

08:39, 13/03/2024

Với việc quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo, giúp nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo, làm giàu, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương.

Hội viên phụ nữ huyện Ý Yên tham quan mô hình kinh tế tiêu biểu của bà Trần Thị Kẹo, thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).
Hội viên phụ nữ huyện Ý Yên tham quan mô hình kinh tế tiêu biểu của bà Trần Thị Kẹo, thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Bà Trần Thị Kẹo, thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) hiện sở hữu mô hình trồng hoa cúc, cây cảnh cho doanh thu 700-800 triệu đồng/năm. Chia sẻ về thành công trong phát triển mô hình, bà Kẹo cho biết: “Trước đây tôi trồng hoa theo kinh nghiệm cá nhân nên hiệu quả chưa cao. Sau khi được tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi do các cấp Hội LHPN trong tỉnh mở, với kiến thức đã được học, tôi mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất hoa tăng lên”. Được biết, ngoài trồng hoa cúc, bà Kẹo còn mạnh dạn tìm hiểu thị trường, học thêm các kỹ thuật cắt tỉa, tạo dáng thế để phát triển nghề cây cảnh. Với gần 8 sào hoa, hàng nghìn cây cảnh các loại, trừ chi phí gia đình bà thu lãi trên 150 triệu đồng mỗi năm. Chị Phạm Thị Toan, xã Hải Xuân (Hải Hậu) tham gia lớp học may do Hội LHPN tỉnh tổ chức cho biết: “Năm 2019, tôi được tham gia khóa học may công nghiệp do Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh tổ chức. Trong khoá học tôi được hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ các công đoạn cắt may công nghiệp. Sau khi vững tay nghề, tôi đã mạnh dạn vay các nguồn vốn do Hội Phụ nữ quản lý, đầu tư mua các loại máy may hiện đại chuyên may hàng xuất khẩu. Hàng năm, doanh thu của cơ sở may chúng tôi đạt gần 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương”. Đó chỉ là 2 trong nhiều hội viên phụ nữ nông thôn được tham gia các lớp đào tạo nghề do Hội LHPN kết hợp với các ngành mở, qua đó vươn lên làm kinh tế giỏi. 

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, giúp chị em có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, hàng năm Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp mở lớp dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các cấp Hội còn phối hợp với các cấp, ngành tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ. Bên cạnh đó, Hội còn chủ động mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cho phụ nữ; xây dựng các mô hình liên kết, tổ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, HTX, kinh doanh dịch vụ… Hoạt động dạy nghề luôn hướng về cơ sở, hướng tới nhiều đối tượng phụ nữ khác nhau, như: lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật… Trong năm 2023, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp, liên kết với các ngành, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở 75 lớp học các nghề: may công nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, thêu ren, dệt thủ công, thu hút gần 3.000 lao động, trong đó có 1.895 phụ nữ có việc làm sau đào tạo. Cùng với đó, mở hơn 100 lớp tập huấn về kiến thức khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho hơn 10 nghìn hội viên. Kết hợp với các công ty may trên địa bàn tổ chức hơn 100 lớp may công nghiệp cho hơn 1.600 hội viên phụ nữ. Qua các lớp dạy nghề, học viên được tiếp cận với những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nắm vững các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cách tổ chức mô hình kinh tế hợp lý, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Từ việc đẩy mạnh thành lập các HTX, tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất, các cơ sở Hội đã hình thành được nhiều mô hình thiết thực như: tổ đan cói xuất khẩu của Hội Phụ nữ các xã: Mỹ Thuận (Mỹ Lộc), Xuân Tân, Xuân  Phong (Xuân Trường); nuôi trồng thủy sản và rau màu sạch xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); trồng cây dược liệu ở Hải Sơn, Hải Lộc (Hải Hậu); hoa và rau Long Hải, xã Nam Cường (Nam Trực); nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản Hải Đăng, xã Hải Lý (Hải Hậu); thủ công mỹ nghệ tại xã Trực Thanh (Trực Ninh) sản xuất rau an toàn tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường), Giao Hà (Giao Thủy)…

Cùng với dạy nghề, các cấp Hội Phụ nữ còn chú trọng khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay để phát triển kinh tế. Đến nay, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác từ các kênh ngân hàng với tổng dư nợ trên 3,1 nghìn tỷ đồng cho 91.194 hộ vay tại 3.564 tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, để hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất, các cấp Hội Phụ nữ còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hành tiết kiệm. Trong năm 2023, 100% cơ sở Hội đã duy trì triển khai và thực hiện hiệu quả hoạt động tiết kiệm tại chi, tổ thu hút trên 153 nghìn thành viên tham gia đạt trên 357 tỷ đồng, từ đó cho trên 122 nghìn lượt phụ nữ vay vốn. Từ các hoạt động hỗ trợ của Hội Phụ nữ các cấp, nhiều hội viên phụ nữ nông thôn đã vươn lên làm giàu, trở thành những nữ doanh nhân, chủ các xưởng sản xuất, tổ hợp tác…, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ khác. Có thể kể đến gương các chị: Nguyễn Thị Kim Tuyến, tổ 9 phường Trường Thi (thành phố Nam Định), tận dụng khuôn viên nhà, mở xưởng may gia công, tạo việc làm cho 10-15 lao động nữ với thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm trừ chi phí, chị Tuyến thu về 1,5 tỷ đồng. Chị Vũ Thị Mai, xóm 12, xã Hải Long (Hải Hậu) mở trang trại VAC nuôi cá, chim bồ câu, gà kết hợp trồng sen, cây ăn quả, cây cảnh, tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động địa phương, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Bà Đoàn Thị Rịu, đội 14, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch và mùn cưa để làm nguyên liệu trồng nấm sạch, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương, trong đó đa phần là nữ với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Thu, xóm 4, xã Xuân Châu (Xuân Trường) sau khi được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Hội Phụ nữ đã tận dụng lợi thế của địa phương phát triển mô hình nuôi cá chép giòn đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng…

Với nhiều hoạt động quan tâm đào tạo nghề thiết thực cho phụ nữ nông thôn, các cấp Hội Phụ nữ đã giúp hàng nghìn hội viên có cơ hội nâng cao mức sống, khả năng phát triển kinh tế; từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thu hút, tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt Hội, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com