Lứa tuổi học sinh là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa đọc. Ngoài chương trình học tập trên lớp, việc đọc sách giúp các em bổ sung tri thức, mở mang trí tuệ, bồi đắp nhân cách, xây dựng nền tảng văn hóa cá nhân. Thời gian qua, nhiều trường học trong tỉnh đã đầu tư, bổ sung lượng sách các loại phong phú góp phần giúp tăng hứng thú, tạo thói quen đọc sách tại thư viện của học sinh.
“Ngày hội đọc sách” tại Trường Tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). |
Trường Tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) có khuôn viên rộng, xanh - sạch - đẹp, có hồ nước, sân cỏ, bồn hoa, cây cảnh... và nhiều khu vực đọc sách ngoài trời rất phù hợp. Phòng thư viện với diện tích 100m2. Cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị phòng thư viện được đầu tư mang tính chuẩn hóa và hiện đại. Thư viện ở tầng 1 gồm 2 phòng liền nhau, được nâng cấp, sửa chữa, trang trí khang trang, sạch đẹp với đầy đủ các thiết bị chiếu sáng, quạt mát và hệ thống cửa hợp lý nhằm tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên. Toàn bộ kho sách được thiết kế dưới dạng kho mở với những giá sách thấp vừa tầm với của học sinh tiểu học và sơn theo từng mã màu tương ứng. Trên các bức tường được trang trí bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu từ những câu chuyện cổ tích thân thuộc với học sinh, tạo cảm giác gần gũi và hấp dẫn các em ngay từ khi bước vào thư viện. Sách được phân loại theo 5 mã màu chủ đạo: đỏ, da cam, trắng, xanh dương và vàng. Thư viện còn được bố trí các góc hoạt động khác nhau như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo để khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách khác nhau và phát huy tính sáng tạo của các em. Hiện tại thư viện trường có 2.302 đầu sách với 7.365 bản sách với đầy đủ các chủng loại sách như: Truyện tranh, truyện đọc, sách tham khảo dùng chung, sách tham khảo các môn học, sách giáo khoa, sách nghiệp vụ giáo viên, từ điển, báo, tạp chí; trong đó, sách tham khảo và truyện đọc cho học sinh là 1.199 đầu sách với 3.157 bản sách/504 học sinh, đạt tỷ lệ trên 6 cuốn sách/học sinh. Các cuốn sách với nhiều hình ảnh sinh động, trình bày đẹp và nội dung hấp dẫn khiến các em học sinh rất yêu thích. Tại thư viện, học sinh được tự do lựa chọn sách theo trình độ, nhu cầu, sở thích của mình. Không chỉ đọc sách, các em học sinh còn có thể tham gia các hoạt động khác trên thư viện như: Vẽ tranh, viết cảm nhận về sách, chơi trò chơi… Ngoài ra, thầy cô và các em học sinh cũng có thể mượn sách về nhà theo lịch quy định.
Cô Đặng Thị Bắc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) cho biết: Để đa dạng các hoạt động của thư viện, trong những năm học vừa qua, nhà trường đã triển khai có hiệu quả Chương trình thư viện thân thiện Room to Read, lan tỏa niềm đam mê đọc sách bằng các hoạt động cụ thể: tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sách mới hàng tuần theo chương trình “Mỗi tuần một cuốn sách” nhằm kịp thời thông tin sách mới đến toàn thể giáo viên và học sinh trong trường; giới thiệu cho các em cách thức mượn sách về nhà; duy trì, tổ chức có hiệu quả tiết đọc thư viện; tổ chức hiệu quả mô hình “Thư viện xanh” thông qua việc tổ chức hoạt động thư viện ngoài trời; tổ chức tốt “Ngày hội đọc sách” hàng năm nhằm tạo cho học sinh có một sân chơi bổ ích, để các bậc phụ huynh thấy được vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc học, quan tâm ủng hộ các em trong hoạt động đọc và mượn sách. “Ngày hội đọc sách” được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như tuyên truyền giới thiệu sách; sân khấu hóa sách; hóa thân thành các nhân vật yêu thích trong sách; trưng bày sách. Trường còn phối hợp Thư viện tỉnh để học sinh được tiếp cận, khám phá thêm nhiều loại sách mới.
Mô hình “thư viện thân thiện, học sinh tích cực” của Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu) được duy trì từ nhiều năm nay. Thư viện nhà trường có 6.959 đầu sách với đủ các chủng loại: sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của giáo viên, sách tham khảo, sách thiếu nhi, báo, tạp chí và bố trí máy tính kết nối internet. Các lớp học đều được Hội Doanh nhân Hải Phương tại Hà Nội tặng một tủ sách gồm 40 quyển sách. Để làm phong phú hơn cho tủ sách tại các lớp học, bên cạnh sách được các đoàn thể, tổ chức trao tặng, nhà trường phát động học sinh ủng hộ thêm những quyển sách của gia đình với tinh thần tự nguyện và được học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Nhân viên thư viện còn hướng dẫn các em cách luân chuyển sách giữa các lớp để được tiếp cận với những quyển sách mới. Để tổ chức các hoạt động đọc sách có hiệu quả, Ban giám hiệu đã chỉ đạo Liên đội kết hợp các đoàn thể và giáo viên, nhân viên trong trường tích cực triển khai các hoạt động. Kế hoạch và các hoạt động về đọc sách được đăng tải trên website của nhà trường. Nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh tham gia đọc sách tại thư viện theo lịch cụ thể. Nhân viên thư viện kết hợp với đoàn viên trong chi đoàn tư vấn, hướng dẫn học sinh kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng sách điện tử và các thông tin trên mạng internet một cách hữu ích, an toàn, giúp học sinh biết, tránh các tác hại xấu từ internet. Học sinh có thể tham gia đọc sách trong các giờ giải lao, tại lớp học hoặc ở sân trường, vừa đọc các em có thể trao đổi cùng thầy cô và bạn bè trong và ngoài lớp. Trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, bên cạnh việc duy trì trả lời câu hỏi tình huống, rèn kỹ năng sống, giáo viên còn tổ chức cho học sinh giới thiệu sách với những hình thức phong phú như: Thi giới thiệu sách (tên sách, tên tác giả, nội dung chính của cuốn sách, bài học rút ra từ cuốn sách hoặc giới thiệu sách theo chủ đề như: chủ đề về lịch sử, doanh nhân, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ…); thi kể chuyện về Bác Hồ và các chủ đề về quê hương, đất nước, về tình cảm với thầy cô, gia đình, bạn bè; thi sáng tác truyện ngắn, thơ, vè, làm tập san... Mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên nhỏ về việc đọc sách. Liên đội có những phần quà nhỏ thưởng cho những học sinh có những tác phẩm, phần thi, phần trình bày tốt. Thầy Nguyễn Chí Cao, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Phương chia sẻ: Từ hoạt động đọc sách, học sinh được trang bị các kiến thức đa dạng, phong phú, biết vận dụng các kiến thức có được vào thực tiễn. Học sinh tự tin tham gia các cuộc thi do các cấp tổ chức và đạt hiệu quả cao như cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ, cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ với thiếu nhi, thiếu nhi với Bác Hồ”, cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”, cuộc thi “Rung chuông vàng” và các cuộc thi tìm hiểu khác.
Việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc đang là một trong những hoạt động trọng tâm của các nhà trường nhằm rèn luyện năng lực tự học, đọc chủ động giúp học sinh phát triển và mở rộng kiến thức. Đến nay, thư viện các trường trên toàn tỉnh có tới vài triệu bản sách, báo, tài liệu tham khảo; trong đó truyện đọc, sách báo dành cho học sinh chiếm từ 40-60%. Ngoài thư viện chung, các nhà trường cũng khuyến khích các lớp xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học giúp mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi. Nhà trường cũng khuyến khích thực hiện xoay vòng tủ sách giữa các lớp để học sinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều đầu sách hơn. Vì vậy, tủ sách lớp, thư viện trường được trang bị khá nhiều sách và tư liệu phù hợp lứa tuổi, phong phú về nội dung. Các trường còn tạo không gian thư viện, nơi đọc sách thuận tiện thân thiện, mở rộng không gian đọc ở các vị trí khác nhau như đọc tại thư viện lớp, thư viện trường, ngoài sân trường... để học sinh có vị trí đọc sách thuận lợi nhất. Từ việc phát động phong trào đọc sách, học sinh tham gia rất hào hứng. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô còn hướng dẫn cho các em cách chọn lựa đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích trang bị nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập. Để khuyến khích học sinh đọc sách, các nhà trường còn tổ chức tuyên dương, phát thưởng cho học sinh đọc được nhiều cuốn sách. Thay vì thưởng đồ dùng học tập, nhà trường chuyển sang thưởng sách, truyện cho học sinh đạt thành tích tốt trong các phong trào thi đua đọc sách ở trường, ở lớp.
Các hoạt động đọc sách trong thư viện trường học đã mang lại niềm vui, sự sáng tạo, nuôi dưỡng sự thân thiện giữa thầy và trò, giữa lớp với lớp. Đọc sách giúp các em được tiếp thu những kiến thức mới, vừa được học, vừa được chơi, vừa được thư giãn sau những bài học căng thẳng ngay tại trường học. Đặc biệt việc đọc sách chủ động còn giúp các em phát triển một cách toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ về năng lực, phẩm chất, tâm hồn và nhân cách, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục của Chương trình GDPT 2018./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin