Xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm ở Nghĩa Hưng

20:58, 11/07/2024

Thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ em làm trung tâm” gắn với việc nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”, các trường mầm non ở Nghĩa Hưng đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả, qua đó tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để trẻ cảm nhận được niềm vui, hứng khởi mỗi ngày đến trường.

Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn chú trọng xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm.
Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn chú trọng xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm.

Nhằm tạo môi trường học tập lý tưởng cho trẻ, Ban giám hiệu Trường Mầm non xã Nghĩa Đồng đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy của giáo viên, tạo hứng thú cho trẻ học tập, đồng thời thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến STEAM. Trường luôn chú trọng đảm bảo trường, lớp an toàn, sạch sẽ, thoáng mát, có đủ diện tích, ánh sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi. Các loại cây xanh, cây bóng mát, cây cảnh, bồn hoa được sắp đặt hợp lý, đảm bảo mỹ quan. Đồ dùng, đồ chơi được làm từ những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương, được xếp đặt ở các góc theo chủ đề. Trưng bày đồ dùng, đồ chơi, trang trí nhóm lớp được thực hiện theo hướng mở, tận dụng các mảng tường cho trẻ hoạt động. Thực hiện nhiệm vụ “giáo dục kỹ năng sống cho trẻ”, trường lựa chọn các nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh phù hợp độ tuổi như chỉ dẫn cho trẻ lời nói, thái độ, cử chỉ, việc làm đẹp trong ăn mặc, sinh hoạt, học tập, vui chơi, giao tiếp, ứng xử hàng ngày để trẻ dễ ghi nhớ và thực hành trong đời sống, tạo thói quen, hành vi văn hóa: chào hỏi xưng hô lễ phép, biết lắng nghe và xin phép khi có ý kiến; có kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng sống phù hợp độ tuổi... Chú trọng dạy cho trẻ có những tố chất căn bản như tự lập, tự tin, có ngôn ngữ giao tiếp lễ giáo mạch lạc, có hành vi thói quen văn minh.

Nhà trường phối hợp các ban, ngành địa phương và cha mẹ học sinh tích cực tổ chức các hoạt động như: Chương trình “Lễ hội mừng Xuân 2024”; chương trình “Bé tập làm chiến sĩ”; hội thi “Trạng nguyên nhí”; hội thi “Bé với an toàn giao thông” kết hợp với các hoạt động trải nghiệm như: Liên hoan tiệc ăn tự chọn, giao lưu văn nghệ, tham quan ngoại khóa... Đồng thời cho trẻ được thực hành trải nghiệm, tiếp xúc với thiên nhiên, tăng cường hoạt động múa hát, giao lưu tập thể nhằm phát triển toàn diện cho trẻ. Giáo viên, nhân viên nhà trường tích cực sưu tầm cây xanh, cây cảnh và các loại rau để trồng, cải tạo môi trường xanh, sạch, tạo môi trường học tập “lấy trẻ làm trung tâm”, đảm bảo an toàn cho trẻ. Tích cực sưu tầm các trò chơi dân gian phù hợp và các bài hát dân ca để đưa vào chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ, bồi dưỡng tâm hồn trẻ...

Cô Phạm Hiền Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nghĩa Sơn chia sẻ: “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm”, trường đã tích cực tạo môi trường trong và ngoài lớp phong phú, đa dạng, hấp dẫn trẻ. Môi trường trong lớp học được sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ, trang trí theo hướng tiếp cận phương pháp giáo dục STEAM. Các góc hoạt động được bố trí hợp lý, đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu, học liệu có giá đựng ngăn nắp, gọn gàng, để ở nơi trẻ dễ thấy, dễ lấy, dễ dùng, dễ cất. Đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu được thay đổi và bổ sung phù hợp với mục tiêu chủ đề/hoạt động và hứng thú của trẻ. Môi trường ngoài lớp học, ở đó trẻ được cùng nhau vui chơi, cùng nhau khám phá mọi lúc, mọi nơi, giúp trẻ tích lũy các kỹ năng và phát triển các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng hoạt động nhóm... Trẻ được hòa mình vào tập thể, đáp ứng nhu cầu hoạt động của trẻ đảm bảo mục tiêu giáo dục cho trẻ với phương châm “Học bằng chơi, chơi mà học”, từ đó góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Các hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống cho trẻ được nhà trường chú trọng thực hiện như: Tổ chức lớp học kỹ năng sống, rèn các kỹ năng tự vệ khi gặp người xấu, kỹ năng tham gia giao thông; kỹ năng nhận biết để tránh xa các vật dụng, yếu tố nguy hiểm như điện, lửa, củi, hồ, ao, sông, suối khi không có người lớn đi cùng. Các khu vực trong trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Môi trường tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm, phát triển vận động, phát triển thể chất phù hợp với điều kiện nhà trường, văn hóa của địa phương. Ngoài ra, môi trường ngoài lớp học cũng được nhà trường tận dụng tối đa để giáo dục và phát huy tính tích cực cho trẻ. Các bài tập vận động được bố trí dọc các lối đi, hành lang, sân chơi… vừa tạo được cảnh quan đẹp mắt vừa giúp trẻ phát triển vận động mọi lúc, mọi nơi...

Toàn huyện Nghĩa Hưng có 24 trường mầm non. Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm”, các trường mầm non trong huyện đang tạo ra một môi trường phát triển toàn diện và kích thích hứng thú học tập, vui chơi cho trẻ. Trong đó, trẻ được là “trung tâm”, được yêu thương, hạnh phúc; giáo viên được trân trọng, tin tưởng. Môi trường học tập “lấy trẻ làm trung tâm” cũng kích thích trẻ tư duy, giúp trẻ phát triển kỹ năng thể chất; phát triển kỹ năng tư duy nghệ thuật và sáng tạo; giáo viên là người hướng dẫn trẻ. Xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm, các trường đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, gắn với khai thác sử dụng hiệu quả môi trường vật chất trong lớp, ngoài trời hiện có theo hướng tận dụng tình huống thật cho trẻ hoạt động trải nghiệm, khám phá trong môi trường an toàn. Các lớp học được thiết kế theo cách tận dụng không gian để cho trẻ hoạt động đảm bảo phù hợp, linh hoạt, đa dạng và phong phú, các góc học tập mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng đồ dùng, đồ chơi cho thực hành, trải nghiệm, khám phá. Môi trường trường, lớp đảm bảo gần gũi, thân thiện, an toàn về mặt thể chất và tinh thần cho trẻ, trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh. Các khu vực trong trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, các nhà trường đảm bảo điều kiện tổ chức bữa ăn cho trẻ tại trường đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, cân đối và hợp lý về dinh dưỡng, thân thiện, phù hợp với trẻ. Đặc biệt, đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ thông qua tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình thông qua zalo, facebook...

Quá trình thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”, huyện đã mở rộng, bổ sung trên 12 nghìn m2 đất ở 4 trường mầm non: Hoàng Nam, Nghĩa Thái, Nghĩa Phú, Nghĩa Hải; xây dựng mới 30 phòng học kiên cố, 18 phòng chức năng, 3 bếp nuôi ăn bán trú; 3 sân chơi; 3 công trình nước sạch; 30 nhà vệ sinh; sắm mới, bổ sung các bộ thiết bị nhóm lớp và làm mới nhiều công trình phụ trợ khác như mái che đồ chơi ngoài trời, nhà để xe giáo viên, nhà vệ sinh giáo viên. Đồng thời, tu bổ, cải tạo, nâng cấp, bảo dưỡng 25 phòng học kiên cố và bán kiên cố, phòng chức năng, sân chơi, công trình điện, nước sạch, hệ thống phòng, chống cháy nổ, đồ chơi ngoài trời và các trang thiết bị khác phục vụ ăn, ngủ, sinh hoạt của trẻ ở nhiều trường. Một số trường mầm non: Nghĩa Minh, Nghĩa Sơn, Rạng Đông, Nghĩa Đồng, Hoàng Nam, Nghĩa Trung... đã tập trung quy hoạch làm mới từng khu vực trong trường như khu trải nghiệm, khu vui chơi vận động, góc thiên nhiên, khu vườn cổ tích, trang trí các mảng tường, khu sân chơi tập thể dục, làm vườn cây thuốc nam, vườn rau của bé, vườn cây ăn quả, vườn hoa, thảm cỏ, giàn cây dây leo, cây bóng mát, làm mới khu chơi với các chất liệu đất - cát - nước - đá - sỏi, tạo các lối đi trên sân, lối đi trong vườn... Bổ sung các đồ chơi tự sáng tạo, đồ chơi mua sắm, đồ dùng thiết bị phục vụ cho hoạt động của trẻ tại khu vực chơi như dụng cụ tập làm vườn, đồ dùng làm tranh cát, khám phá khoa học, thực hành thí nghiệm (pha màu, tìm hiểu vật chìm - nổi, đong đo nước, đồ chơi trải nghiệm theo phương pháp STEAM...). Đến nay, tất cả các trường mầm non trong huyện đều đang nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ chuyên đề, tạo cho trẻ đến trường được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp; có cơ hội được tham gia các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, có cơ hội hoạt động tích cực, phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân trẻ, cho trẻ được bộc lộ hết khả năng của mình, góp phần phát triển toàn diện cho trẻ.

Thực hiện “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm”, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hưng đã và đang tạo dựng môi trường giáo dục hạnh phúc - “nụ cười của bé, hạnh phúc của cô” - nơi trẻ được yêu thương, an toàn và tôn trọng, được “là trung tâm” trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục. Đây là tiền đề để các nhà trường trên địa bàn tiếp tục phát triển, sáng tạo hoạt động đa dạng trong tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, lấy trẻ làm trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com