Phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh tiểu học

09:14, 10/07/2024

Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên tỉnh Nam Định tổ chức dạy học thực hiện tích hợp liên môn (STEM) cấp tiểu học. Hoạt động này đã mang lại tác động tích cực cho học sinh, giúp các em khám phá khả năng của bản thân, hào hứng sáng tạo trong học tập.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Nam Giang (Nam Trực) trong giờ  sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Việt.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Nam Giang (Nam Trực) trong giờ sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Việt.

Trường Tiểu học xã Hải Xuân (Hải Hậu) là đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa thiết thực giúp học sinh hình thành nhân cách và phát triển toàn diện. Ngoài các tiết học ở trên lớp, các em được tham gia các CLB: tiếng Anh, Toán tuổi thơ, tiếng Việt, thể dục thể thao, nghệ thuật... Ở các CLB, các em vừa học, vừa chơi vừa phát triển năng khiếu và khám phá những trải nghiệm học đi đôi với hành. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức phong trào “Mỗi ngày một cuốn sách” để hình thành thói quen đọc sách chủ động, lành mạnh, bồi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh; tổ chức cho học sinh học kỹ năng sống theo chương trình POKI, với các buổi trải nghiệm ngoài không gian lớp học. Thông qua tiết học trải nghiệm, sáng tạo từ các đồ vật tái chế, các em thêm yêu những đồ vật quanh mình, biết trân trọng và tiết kiệm nhiên liệu, nguồn tài nguyên thiên nhiên, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Chỉ từ những chiếc vỏ chai xinh xắn, giấy màu và bút vẽ các em đã tạo ra hàng loạt các sản phẩm đồ chơi hấp dẫn như chiếc đèn học, các con vật gần gũi như chim cánh cụt, con voi, con thỏ… Với những trái bóng nhựa bỏ đi, ống hút,.. các em đã tạo ra các chú rùa xinh xắn, chiếc ấm chuyên, hay ngôi nhà với các vật dụng như chiếc xích đu, ống đựng bút… Từ những vật liệu quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi là những thứ tưởng chừng như bỏ đi nhưng qua bàn tay và trí tưởng tượng phong phú của các em mà nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo đã được ra đời, góp phần hiện thực hóa những ý tưởng độc đáo của các em học sinh. Thông qua việc tham gia các hoạt động giáo dục, học sinh toàn trường đã có nhiều thuận lợi để phát triển năng lực và phẩm chất, nên hầu hết các em được đánh giá đạt loại tốt về năng lực và phẩm chất. Trong năm học 2023-2024, tại các cuộc thi và giao lưu, nhà trường đã có 73 lượt học sinh đạt giải cá nhân cấp huyện; có 5 giáo viên đạt giải trong các cuộc thi bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh; 99% học sinh được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt môn học và các hoạt động giáo dục. Bình quân đánh giá các phẩm chất và các năng lực ở khối lớp 1, 2, 3, 4 đã có 93,7% học sinh đạt loại tốt, 6,3% đạt loại khá. Ở khối lớp 5 có 90,5% đạt loại tốt, 9,5% đạt loại khá. Tham gia Giao lưu Trạng nguyên tiếng Việt cấp tỉnh nhà trường đã có 1 em đạt giải Nhất, 1 em đạt giải Nhì, 2 em đạt giải khuyến khích; Cuộc thi viết chữ đẹp cấp huyện có 5 em đạt giải Nhất, 6 em đạt giải Nhì và 10 em đạt giải Ba; thi phẩm chất năng lực cấp huyện cụm miền 2 có 1 học sinh đạt giải Nhất.

Từ đầu năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) triển khai việc dạy học tích hợp liên môn ở các khối từ lớp 1 đến lớp 4 với tổng số 89 tiết dạy. Trường đã lựa chọn, xây dựng chủ đề bài học STEM, đảm bảo mỗi khối lớp có ít nhất 4 chủ đề trong năm, các hoạt động của các câu lạc bộ STEM, các sân chơi về giáo dục STEM cũng được tổ chức nhằm giúp học sinh được trải nghiệm, 
chia sẻ, phát huy tối đa năng lực sở trường của bản thân. Do đó, dù là năm đầu tổ chức dạy học theo phương pháp này nhưng những tiết học STEM đã cuốn hút cả giáo viên và học sinh. Cô giáo Trần Thị Phượng, giáo viên nhà trường chia sẻ: “Trước đây, những bài học về toán và tự nhiên các em phải nghe giảng một cách thụ động, rời rạc, nhưng với bài học STEM các em được làm việc nhóm, chủ động đề xuất ý tưởng và tự chuẩn bị làm sản phẩm mà mình yêu thích. Do đó, để chuẩn bị cho tiết học STEM, giáo viên xây dựng các chủ đề với thời lượng bài giảng phù hợp với tâm lý lứa tuổi, làm sao để khai thác triệt để nhất sự tò mò, thích thú của các em, giúp các em tiếp thu bài học và vận dụng bài học vào cuộc sống hiệu quả nhất. Chính các hoạt động thực tế này sẽ giúp học sinh nhớ kiến thức lâu hơn, sâu hơn. Học sinh sẽ được làm việc theo nhóm, tự thảo luận tìm tòi kiến thức, tự vận dụng kiến thức vào các hoạt động thực hành rồi sau đó có thể truyền đạt lại kiến thức cho người khác. Với cách học này, giáo viên không còn là người truyền đạt kiến thức nữa mà sẽ là người hướng dẫn để học sinh tự xây dựng kiến thức cho chính mình”. Hiện tại, phòng trưng bầy sản phẩm STEM của học sinh nhà trường đã kín chỗ để với khoảng 350 sản phẩm đủ các hình thức STEM tái chế; STEM công nghệ phục vụ học tập... Các sản phẩm được các em sáng tạo từ vỏ chai, bìa các-tông, túi ni-lông, giấy vụn thành những mô hình nhà ở, máy bay với những chi tiết tỉ mỉ, khéo léo. Những tiết học của CLB STEM đã góp phần hiện thực hóa những ý tưởng độc đáo của các em học sinh và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm, ủng hộ và hào hứng với hoạt động này.

Trong những năm qua, nhằm phát hiện và phát huy mọi khả năng riêng biệt, giúp học sinh định hướng, khám phá và phát triển tối đa năng lực của bản thân, tự lực giải quyết những vấn đề trong học tập và cuộc sống, ngành GD và ĐT đã tập trung đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà trường, tăng cường kiểm tra công tác giảng dạy, cải tiến phương pháp dạy học sao cho mỗi tiết học diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc sử dụng đồ dùng dạy học một cách linh hoạt và khoa học, tạo cho học sinh kỹ năng quan sát, tư duy hình ảnh, tích cực, chủ động trong các hoạt động học tập, tự xây dựng kiến thức thông qua khám phá, thử nghiệm, thảo luận, hợp tác với bạn dưới sự định hướng, giúp đỡ của giáo viên, góp phần phát triển năng lực tự học, tác phong và thói quen độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong hành động, lòng yêu thích và say mê khoa học. Từ đầu năm học 2023-2024, Sở GD và ĐT Nam Định đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giáo dục STEM theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và ban hành các văn bản liên quan để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Ngành GD và ĐT tỉnh đã tổ chức biên soạn tài liệu, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các phòng giáo dục; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện triển khai giáo dục STEM của các phòng GD và ĐT các huyện, thành phố và các trường. Đồng thời hướng dẫn phòng GD và ĐT các huyện, thành phố tổ chức sinh hoạt chuyên môn, ngày hội STEM cấp cụm, miền hoặc cấp huyện; tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học trên địa bàn; kịp thời có hình thức khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tại các nhà trường, ngành GD và ĐT khuyến khích việc tổ chức cho học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật một cách khoa học, hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT cũng hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng chuẩn hoá phòng khoa học và công nghệ theo quy định, đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục STEM; chủ động phối hợp, liên kết với các trường bạn, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp... để thực hiện hiệu quả giáo dục STEM tại bậc giáo dục tiểu học trong những năm tiếp theo. Từ đó, giúp học sinh có thể phát triển kỹ năng, tư duy, khuyến khích tinh thần học hỏi, khám phá để từng bước làm chủ khoa học, công nghệ ngay từ bậc tiểu học, góp phần phát triển phong trào học tập, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực trẻ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com