Hệ lụy của "nghiện" internet

08:41, 12/07/2024

Trong thời đại số, cuộc sống của mỗi người ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào internet bởi mạng lưới thông tin rộng lớn và kết nối xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng đem đến những hệ lụy, trong đó “nghiện” internet là một vấn đề đáng “quan ngại” và ngày càng có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình.

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân.

Nhiều hệ lụy từ “nghiện” internet

Theo nghiên cứu của Công ty We are social chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu, Việt Nam hiện có 78,44 triệu người dùng internet, trong đó 72,70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 73,3% tổng dân số; 92,7% tổng số người dùng internet tại Việt Nam (bất kể độ tuổi) đã sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh nhiều lợi ích không thể phủ nhận, việc lệ thuộc vào internet, nhất là “nghiện” các nền tảng mạng xã hội đã ảnh hưởng đến tâm lý, hiệu suất công việc của nhiều người. Chị H.T.P (27 tuổi) đang làm kế toán cho một công ty trên địa bàn ở thành phố Nam Định. Trong giờ làm việc, chị P có thói quen vào các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok để xem những tin tức của bạn bè mới đăng tải, đọc các thông tin được chia sẻ và… xem những bức ảnh mới đưa lên được bao nhiêu lượt “like” và bình luận. Trong lúc làm việc, nếu có ai like hoặc bình luận, chị P sẵn sàng trả lời ngay. Nhiều lần vừa làm báo cáo, vừa mải lướt mạng xã hội chị đã mắc sai sót, bị lãnh đạo công ty nhắc nhở nhiều lần. Tâm trạng chán nản, chị không tâm sự với ai mà tiếp tục vùi mình vào mạng xã hội và bị mất ngủ trong thời gian dài. Nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường, gia đình cho chị đi khám và được bác sĩ kết luận bị trầm cảm. Quá trình điều trị kiên trì, đến nay chị đã “cai” mạng xã hội và trở lại công việc bình thường. Không may mắn như trường hợp chị P, cháu Đ.T.T (15 tuổi), huyện Nam Trực được người nhà đưa đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh khi bệnh tình trở nặng. Theo tìm hiểu, khoảng 2 năm nay, mỗi khi đi học về bệnh nhân T sống khép kín, xa lánh người thân trong nhà, thường ở một mình trong phòng sử dụng điện thoại có kết nối internet. Gia đình luôn quan tâm vỗ về nhưng T khó chịu, chống đối, đập phá đồ đạc, có ý định tử tự, trong khi đối với người ngoài hoặc bạn bè thì bệnh nhân vẫn tiếp xúc, nói chuyện bình thường. Qua quá trình bác sĩ hỏi bệnh và chuẩn đoán cho thấy, cháu T mắc các triệu chứng rối loạn cảm xúc và rối loạn hành vi tác phong. Bệnh dễ tái phát nên cần điều trị lâu dài kết hợp phương pháp hóa dược và tâm lý liệu pháp.

Bác sĩ Triệu Thị Nguyệt, công tác tại Khoa Tâm Căn, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Nghiện internet là một hiện tượng ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Độ tuổi dễ nghiện internet từ 10-24 tuổi. Nghiện internet biểu hiện bằng các dấu hiệu hành vi, tâm lý, thể chất. Trong đó, dấu hiệu hành vi gồm sử dụng internet nhiều giờ trong ngày, bỏ qua các hoạt động công việc, học tập, giao tiếp xã hội; thức khuya và không thể rời màn hình thiết bị kết nối internet; thường xuyên nói dối về thời gian và mục đích sử dụng internet với bạn bè, người thân… Dấu hiệu tâm lý gồm các thay đổi tâm trạng đột ngột, từ vui vẻ khi sử dụng internet đến cảm giác trầm cảm, lo âu, cáu kỉnh khi không thể truy cập internet; sử dụng internet như một cách để thoát khỏi các vấn đề trong thực tế hoặc để giảm bớt các cảm xúc tiêu cực… Dấu hiệu thể chất khi người bệnh cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ và các vấn đề về mắt; đau cổ, lưng và các vấn đề về cột sống. Nghiện internet gây nhiều hệ lụy như tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ; gây ảnh hưởng các mối quan hệ gia đình, xã hội; giảm hiệu suất công việc do thiếu tập trung và mệt mỏi. Đặc biệt, một số người “nghiện” game online dễ bị hụt hẫng trong cuộc sống, do bị ám ảnh bởi nhiều hình ảnh bạo lực trong game, cảm xúc bị hỗn loạn, dễ trở nên liều lĩnh, sẵn sàng đâm chém người khác chỉ vì những mâu thuẫn, xích mích nhỏ nhặt. Một trong những khó khăn trong điều trị “nghiện” internet đó là người bệnh thường được gia đình đưa đi điều trị khi đã trở nặng kèm theo các triệu chứng tâm thần khác; việc điều trị người bệnh cần thời gian dài, kết hợp dùng thuốc và liệu pháp tâm lý, tỷ lệ tái nghiện internet cao…

Những giải pháp bền vững

Bác sĩ Phạm Duy Kiều, Quyền Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh đưa ra một số khuyến cáo cách phòng, tránh nghiện internet, đặc biệt là trẻ nhỏ như sử dụng phương pháp tâm lý nhằm làm thay đổi suy nghĩ hành vi tiêu cực; kiểm soát thời gian sử dụng internet với mục đích rõ ràng; khuyến khích tham gia các hoạt động thể dục, thể thao và các hoạt động xã hội; sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ để quản lý nội dung truy cập internet… Tại tỉnh ta, từ nhiều năm qua, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ khám bệnh, tư vấn, tiếp nhận điều trị nội trú, điều trị ngoại trú và điều trị tại cộng đồng cho người bệnh tâm thần. Mạng lưới bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được thiết lập ở cả 3 tuyến: tỉnh, huyện, xã hoạt động có hiệu quả. Hằng năm, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên khoa tâm thần, cán bộ phụ trách chuyên khoa tuyến huyện, trạm y tế các xã, thị trấn về công tác giám sát, thống kê, quản lý, điều trị, phát hiện người bệnh mới… Đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng bằng nhiều hình thức như treo pa nô, phát tờ rơi, truyền thanh, website… các bệnh tâm thần, trầm cảm trong đó có nguyên nhân từ nghiện internet. Cùng với đó, sau quá trình điều trị tại bệnh viện, các gia đình có người nghiện internet được các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cụ thể liệu pháp tâm lý để người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.

Với đối tượng người nghiện internet chủ yếu tập trung ở lứa tuổi trẻ, thời gian qua, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các buổi tập huấn nhằm giúp các em nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội; hướng dẫn trẻ cách tham gia môi trường mạng an toàn; tăng cường giáo dục, hỗ trợ để các em có đủ thông tin, kỹ năng tự bảo vệ mình trong thế giới công nghệ số… Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ, ứng dụng viễn thông; chú trọng công tác kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và xử lý những cơ sở vi phạm kinh doanh quán game, internet quá thời gian quy định. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập internet tổ chức đào tạo, tập huấn và hướng dẫn các điểm truy cập internet, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Kiên quyết ngừng cung cấp dịch vụ và chấm dứt hợp đồng đối với điểm truy nhập, điểm cung cấp dịch vụ vi phạm khi có văn bản yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho thanh, thiếu niên, nhi đồng kiến thức về sử dụng internet, mạng xã hội hiệu quả và lồng ghép trong các hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Cập nhật thông tin cho đội ngũ tuyên truyền viên của đoàn, cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội về những kỹ năng cần thiết trong công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em. Đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động lành mạnh trên mạng xã hội cho học sinh tham gia nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp các em có môi trường vui chơi, giải trí, học tập trên mạng.

Bên cạnh các giải pháp trên, trong mỗi gia đình, cha mẹ cần có biện pháp giám sát hiệu quả đối với việc sử dụng mạng của con em; thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của con, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để có những biện pháp xử lý phù hợp. Với sự vào cuộc tích cực của gia đình và toàn xã hội sẽ hình thành mạng lưới sâu rộng, giúp bảo vệ sức khỏe tâm thần trên không gian mạng cho mỗi người một cách an toàn, bền vững.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com