Thận trọng mua đồ chơi cho trẻ em

07:34, 10/05/2024

Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) đang đến gần, cũng là dịp chuẩn bị vào kỳ nghỉ hè của học sinh, nhu cầu mua sắm các mặt hàng đồ chơi, sách truyện cho trẻ em có xu hướng tăng cao. Dạo quanh các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh cho thấy ngành hàng sản phẩm đồ chơi trẻ em sản xuất ở cả trong và ngoài nước, đa dạng, phong phú, có nguồn gốc rõ ràng với nhiều chương trình ưu đãi.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra điều kiện lưu thông đồ chơi trẻ em nhập khẩu bày bán tại cơ sở MyKingDom (thành phố Nam Định).
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra điều kiện lưu thông đồ chơi trẻ em nhập khẩu bày bán tại cơ sở MyKingDom (thành phố Nam Định).

Bắt đầu từ cuối tháng 4, các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi cho trẻ em, siêu thị, nhà sách… đã nhộn nhịp các mặt hàng đồ chơi cho trẻ em. Tại một số điểm kinh doanh đồ chơi trên địa bàn thành phố Nam Định như: MyKingDom, Thế giới đồ chơi Moonkid, Babycuatoi, Đồ chơi trí tuệ… thời điểm này thu hút nhiều phụ huynh và “khách hàng nhí” tới mua sắm. Năm nay, các sản phẩm đồ chơi cho trẻ có mẫu mã đa dạng, nhiều kiểu dáng với mức giá từ bình dân tới cao cấp. Vào trong cửa hàng đồ chơi MyKingDom, đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định), các khách hàng “nhí” sẽ có cảm giác như lạc vào “vương quốc” thu nhỏ với đủ màu sắc sặc sỡ. Các sản phẩm được trưng bày khoa học, bắt mắt kèm theo các thông tin về sản phẩm, độ tuổi sử dụng và niêm yết giá để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Đại diện cửa hàng đồ chơi MyKingDom cho biết: “Nằm trong hệ thống MyKingDom trên toàn quốc, cửa hàng tại Nam Định chuyên cung ứng đồ chơi cao cấp của các thương hiệu đồ chơi uy tín từ nhiều quốc gia trên thế giới như: LEGO, SIKU, SCHLEICH, K’SKIDS, JANOD, MOXIE GIRLZ, LALALOOPSY, LEAPFROG… Hiện tại cửa hàng có hơn 1.000 mặt hàng đồ chơi mang tính giáo dục giúp phát triển trí tuệ sáng tạo cho các bé ở mọi độ tuổi đã được thông qua kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng và độ an toàn tuyệt đối trước khi đưa ra thị trường”. Người bán hàng đồ chơi trên phố Lê Hồng Phong cho biết: Đồ chơi năm nay không có biến động về giá, sản phẩm có tính thực tế cao hơn, nhằm tạo cảm giác hứng thú để trẻ vừa chơi, vừa học. Bên cạnh đồ chơi ngoại nhập, nhiều thương hiệu đồ chơi nổi tiếng của các doanh nghiệp trong nước sản xuất như: Gỗ Đức Thành, Liên Hiệp Thành, Hưng Phát, Veesano, Nhựa Chợ Lớn… đã được nhiều người tiêu dùng tin dùng. Các mặt hàng đồ chơi có giá từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng tùy chủng loại, kích cỡ và thương hiệu...

Góp phần làm phong phú thêm thị trường đồ chơi cho trẻ em là nhóm sản phẩm hỗ trợ giáo dục sớm như: Thẻ Poscat, tranh, sách dạy kỹ năng mềm, thế giới xung quanh, bóc dán, đố vui… vừa giúp trẻ hoàn thiện khả năng ngôn ngữ, kích thích trí tưởng tượng, tăng cường khả năng ghi nhớ, phát huy sự sáng tạo. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ shop đồ chơi, sách rèn kỹ năng cho trẻ tại Khu đô thị Hòa Vượng cho biết: Xu thế năm nay, nhiều khách hàng chọn mua cho con các loại đồ chơi trí tuệ, ghép hình, lắp ráp, đồ chơi giáo dục, phát triển ngôn ngữ, kỹ năng vận động, phản xạ, kéo đẩy... sản xuất trong nước. Không chỉ quan tâm tới hình thức, độ bền, tính sáng tạo của sản phẩm, khách hàng còn chú trọng chất liệu, nguồn gốc, xuất xứ của đồ chơi cho trẻ bởi thực tế trẻ em rất hiếu động, luôn khám phá, nhiều trẻ nhỏ còn có thói quen cho đồ chơi vào miệng dễ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Bên cạnh những sản phẩm đồ chơi chất lượng, theo cơ quan quản lý thị trường vẫn còn một lượng lớn đồ chơi trẻ em chưa đạt chuẩn lưu thông trên thị trường. Trong số đó, nhiều sản phẩm đã bị cấm lưu thông trên thị trường như thú nhún, búp bê tắm bé; đồ chơi giá rẻ bán theo cân làm bằng nhựa tái chế độc hại; đồ chơi có tính bạo lực như súng bắn đạn, gươm, giáo… vẫn xuất hiện tại các quầy hàng; nhiều đồ chơi trẻ em không được kiểm định chất lượng và dán tem CR, làm giả theo mô hình các sản phẩm “hot” của các hãng lớn. Nguyên nhân của tình trạng này là do các tiểu thương ham lợi nhuận cao nhập hàng giá rẻ và người tiêu dùng chưa đủ điều kiện kinh tế để mua sắm đồ chơi đạt chuẩn; cũng có một số phụ huynh chủ quan, thiếu kiến thức, không tìm hiểu kỹ thông tin khi đi mua đồ chơi cho trẻ, “tặc lưỡi” chọn đại theo ý thích của trẻ, coi đồ chơi chỉ là món đồ trẻ em chóng chán, chơi một thời gian thì bỏ nên không mấy để ý đến các cảnh báo về chất lượng sản phẩm. Công tác quản lý ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng còn có sơ hở.

Để tiếp tục thúc đẩy thị trường đồ chơi phát triển, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đồ chơi trẻ em vào dịp cao điểm Tết Thiếu nhi; trước, trong và sau Tết Trung thu. Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em không chấp hành quy định đảm bảo an toàn cho trẻ em; chú trọng kiểm tra, xử lý các vi phạm về kinh doanh, buôn bán đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, nhập lậu; không chứng thực được nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em. Cùng với sự vào cuộc, tích cực quản lý hoạt động kinh doanh đồ chơi trẻ em của lực lượng chức năng, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý đọc kỹ nhãn mác sản phẩm khi mua; trong đó, chú ý những thông tin liên quan đến nguồn gốc xuất xứ như: Nơi sản xuất, thành phần chính, chất phẩm màu, lứa tuổi khuyến khích sử dụng… trước khi quyết định mua sắm để bảo đảm an toàn cho trẻ em./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com