Thực hiện đồng bộ giải pháp khắc phục đường ngang trái phép qua đường sắt

19:19, 09/05/2024

Thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông (ATGT) và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, thời gian qua UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực thực hiện các giải pháp, qua đó bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.

Xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt trên địa bàn phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định).
Bài và ảnh: Thành Trung
Xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt trên địa bàn phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định).

UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các lối đi tự mở còn lại trên địa bàn; tăng cường quản lý, bảo trì nền mặt đường ngang, lối đi tự mở, bố trí đầy đủ hệ thống cảnh báo, gồ giảm tốc, nhân lực cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý đường sắt, đường bộ tổ chức giải tỏa tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ và đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 6 ga đường sắt gồm 1 ga hành khách (ga Nam Định) và 5 ga hàng hóa gồm các ga: Cầu Họ, xã Mỹ Thuận và Đặng Xá, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc); Trình Xuyên, xã Liên Bảo và Núi Gôi, thị trấn Gôi (Vụ Bản), Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên). Theo phân cấp quản lý, việc khai thác hoạt động vận tải tại các ga đường sắt trên địa bàn thuộc Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Thanh - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam,…

Căn cứ chức năng nhiệm vụ và quy chế phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, trong những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương phối hợp với các đơn vị của ngành Đường sắt, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn đường sắt. Trong đó giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt hay tình trạng ném đá vào đoàn tàu gây mất an toàn như đã xảy ra tại một số địa phương. Đối với các nút giao cắt đường bộ, đường sắt đã tổ chức và duy trì tốt công tác cảnh giới tại 13 điểm lối đi tự mở, đường ngang tiềm ẩn, điểm đen tai nạn giao thông; thường xuyên rà soát đảm bảo hệ thống tín hiệu kết nối đường bộ và đường sắt theo quy định. Trong các năm 2020, 2021, UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, đón người từ vùng dịch COVID-19 (từ Thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh Nam Định, Thái Bình tại ga Nam Định).

Về công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, hành lang ATGT đường sắt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản giao rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chức năng liên quan, UBND các phường, xã, thị trấn có tuyến đường sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm sát tình hình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý việc sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt; thống kê, phân loại và xử lý các tồn tại về sử dụng đất trong hành lang ATGT đường sắt. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường sắt; điều tra, giải quyết tai nạn, sự cố, xử lý “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn” giao thông đường sắt; tổ chức cứu nạn, cứu hộ giao thông đường sắt cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện. Hàng năm Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh tổ chức kiểm tra các vị trí bất cập về tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả rà soát, số liệu về tai nạn giao thông tại các nút giao, lập hồ sơ điểm đen đề nghị cấp có thẩm quyền đầu tư cải tạo: Các vị trí mất ATGT do độ chênh cao độ giữa Quốc lộ 10 và tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn, trong đó Sở Giao thông Vận tải, Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh nghiệm thu hoàn thành công trình xử lý điểm đen tại Km 119+00 trên Quốc lộ 10 (lý trình đường sắt Km 96+912). Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATGT và phương án vận chuyển hành khách trong các dịp lễ, tết; chủ động phối hợp kiểm tra đôn đốc công tác đảm bảo ATGT đối với các đơn vị ngành đường sắt đóng trên địa bàn quản lý. Thông qua công tác kiểm tra, phát hiện 476 trường hợp vi phạm ATGT đường sắt, phạt tiền nộp ngân sách Nhà nước 425 triệu đồng.

Thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện xây dựng 3 tuyến đường gom qua đường sắt trên địa bàn có tổng chiều dài 1.747m, qua đó xoá bỏ được 127 lối đi tự mở. Trong đó đoạn từ Km87+668 đến Km88+505 dài 837m thuộc phường Văn Miếu và xã Lộc An (thành phố Nam Định) xoá bỏ được 66 lối đi tự mở; Đoạn từ Km104+460 đến Km104+620 dài 160m thuộc xã Yên Ninh (Ý Yên) xóa được 9 lối đi tự mở; Đoạn từ Km106+700 đến Km107+450 dài 750m thuộc xã Yên Tiến (Ý Yên) xoá bỏ được 52 lối đi tự mở. Ngoài ra UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương, đơn vị rà soát, lập kế hoạch chi tiết để xóa đối với từng lối đi tự mở trên địa bàn tiến tới mục tiêu đến hết năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch. Tính đến thời điểm đầu năm 2024 toàn tỉnh còn 68/249 lối đi tự mở (đã thực hiện xóa 181 lối đi tự mở, đạt khoảng 72,7% so với Kế hoạch số 66/KH-UBND của UBND tỉnh). Theo số liệu thống kê của ngành Đường sắt, Nam Định đang là tỉnh thực hiện tốt nhất việc xóa lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên việc xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hết năm 2025 theo Quyết định 358/QĐ-TTg còn nhiều khó khăn. Phần nhiều các lối đi vi phạm hành lang ATGT đường sắt này do lịch sử để lại, trong đó nhiều lối đi tự mở là lối đi duy nhất vào một hộ dân hoặc vào khu dân cư nên chưa thể thực hiện xóa bỏ dứt điểm. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ thói quen sinh sống bám đường để buôn bán của hộ dân và một phần trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong công tác quản lý, chưa chủ động quyết liệt trong phát hiện xử lý vi phạm.

Để góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, thời gian tới UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, đồng thời chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương huy động nguồn lực xây dựng đường gom xóa lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh; quyết định về chủ trương cho phép rà soát một số đường dân sinh, có lịch sử hình thành từ lâu, lưu lượng giao thông lớn, hiện không thể xây dựng đường gom thành đường ngang hợp pháp để đảm bảo trật tự ATGT đường sắt theo đề nghị của tỉnh. Trong năm 2024 tỉnh yêu cầu UBND các huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và thành phố Nam Định phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của ngành Đường sắt để thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường sắt và Kế hoạch số 66/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh; cương quyết không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt, gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, xã nếu để phát sinh vi phạm này./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com