Ngoài kiến thức giáo khoa, còn các kỹ năng rất quan trọng trong đời sống hàng ngày đối với mỗi người cần được trang bị, rèn luyện như: tư duy sáng tạo; giao tiếp; làm việc nhóm; tư duy phản biện; giải quyết vấn đề; ra quyết định; quản lý thời gian; tiếp nhận và học tập; lãnh đạo và khám phá bản thân... Khi học sinh học ở trường, việc rèn luyện kỹ năng "mềm" song song với tiếp thu nền tảng kiến thức vững chắc để có nhiều cơ hội thành công trong cuộc sống có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh.
Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) giáo dục học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn khi tan học thông qua mô hình "Cổng trường an toàn giao thông". |
Những năm gần đây, thông qua việc phát triển các mô hình hoạt động câu lạc bộ (CLB) trong trường học, các nhà trường đã chú trọng rèn luyện kỹ năng "mềm" cho học sinh. Trường THCS Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) tổ chức sáng tạo, hiệu quả các giờ hoạt động ngoại khóa thông qua các mô hình CLB, hoặc các đội, nhóm chuyên môn như: STEM, dân vũ, văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT). Qua đó, học sinh được tham gia trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống giúp các em tự tin, tự chủ, năng động hơn. Trong đó, có những nội dung kiến thức nhà trường không có đủ điều kiện, thời gian để truyền đạt hết kiến thức cho học sinh khi học ở trên lớp thì qua các buổi tổ chức trải nghiệm thực tế đã bổ sung giúp các em tiếp thu trực tiếp, cụ thể hơn. Chẳng hạn, nhà trường tổ chức cho học sinh học tập thực tế tại Bảo tàng tỉnh. Qua nghe thuyết minh, tìm hiểu về các hiện vật, tài liệu lịch sử,... học sinh nắm chắc hơn kiến thức lịch sử, mở rộng hiểu biết về lịch sử quê hương, dân tộc, hiểu sâu về giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngoài ra, các em còn học được các kiến thức ứng xử văn minh nơi trang nghiêm, công cộng, như ăn mặc nghiêm túc, lịch sự, lời nói, hành vi, cử chỉ lễ phép, văn minh, tôn trọng cộng đồng... Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường còn chỉ đạo Đội TNTP Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh tham gia buổi nói chuyện chuyên đề: “Công cha - Nghĩa mẹ - Ơn thầy” với diễn giả là tiến sĩ tâm lí học - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những câu chuyện dung dị đời thường về cha mẹ, thầy cô giáo trong hành trình nuôi dưỡng, giáo dục đã chạm tới trái tim của mỗi học sinh với các cung bậc cảm xúc. Sau buổi nói chuyện chuyên đề, các em học sinh hiểu, yêu thương và biết ơn cha mẹ hơn về những vất vả lao động, chăm sóc, nuôi dạy các em; biết ơn, trân trọng thầy, cô giáo đã có công dạy dỗ các em để mở mang tri thức. Thông qua nhiều hoạt động vì cộng đồng khác như: ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt; thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ; làm cỏ và vun gốc cho cây hoa ở triền đê sông Đào (Công trình trồng hoa thí điểm của phường Trần Quang Khải); thi “Bày cỗ Trung thu”, kéo co, ném còn, múa sư tử; “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo”, thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”... đã lôi cuốn học sinh, phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện tinh thần đoàn kết, tính tập thể của các em. Cô Trần Thị Phương Loan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "từ hiệu quả thiết thực trong rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh qua các mô hình hoạt động CLB, trải nghiệm thời gian qua, tới đây nhà trường tiếp tục duy trì và đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động ngoại khóa để phát triển, phát hiện khả năng, năng khiếu của học sinh, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu giáo dục”.
Nhiều năm qua, các CLB: Truyền thông, Tiếng Anh truyền cảm hứng, Bóng rổ, Cầu lông, Võ thuật, STEM… tại Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định) hoạt động rất hiệu quả, nhiều chuyên đề ngoại khóa trợ giúp đắc lực cho học sinh trau dồi kiến thức và nâng cao các kỹ năng sống. Em Vũ Đức Huy, lớp 12A2 chia sẻ: “Các mô hình CLB giúp chúng em nâng cao các kỹ năng xã hội, tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công việc, tự tin phát biểu ý kiến của bản thân cũng như học cách tôn trọng ý kiến mọi người để phối hợp tốt với nhau khi làm việc nhóm”.
Hiện tại ở các trường học trên địa bàn tỉnh đã thành lập và phát triển hàng nghìn mô hình CLB như: STEM, tiếng Anh, nghiên cứu khoa học, sách và hành động, khiêu vũ, văn hóa nghệ thuật, kỹ năng sống, võ thuật, tổ chức sự kiện... Ở mỗi cấp học đều có các mô hình CLB phù hợp với lứa tuổi, trình độ kiến thức, mức độ trưởng thành và yêu cầu xã hội cần thiết nhằm tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích cho học sinh, sinh viên. Tiêu biểu, năm 2023, các chương trình giáo dục kỹ năng sống - chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên do Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định phối hợp Tỉnh Đoàn, Hội LHPN tỉnh, Huyện Đoàn Nam Trực, Huyện Đoàn Nghĩa Hưng và Đoàn Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp tổ chức; chương trình “Rung chuông vàng” do Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp tổ chức cho sinh viên; Trường THPT Đỗ Huy Liêu (Ý Yên) tổ chức giáo dục kỹ năng sống, chuyên đề “Công cha - Nghĩa mẹ - Ơn thầy”… Thông qua mô hình CLB, các nhà trường đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu nhi; giáo dục giới tính, phòng chống tệ nạn xã hội, đuối nước cho trẻ em. Dịp hè năm 2023, toàn tỉnh tổ chức được 195 lớp dạy bơi cho trên 4.000 thanh, thiếu nhi; tổ chức trại hè “Trải nghiệm và trưởng thành”, Ngày hội STEM “Bứt phá tầm cao”, các giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng...
Hoạt động của các đội, nhóm, CLB trường học đã giúp học sinh hình thành, phát triển những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tự tin trong giao tiếp... Nhiều CLB với những mô hình hoạt động phong phú, đã lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng. Nhiều học sinh đã khắc phục tính rụt rè, nhút nhát sau khi tham gia CLB, ứng xử, giao tiếp chủ động, tự tin. Có thể khẳng định các CLB trong trường học đang là "công cụ" quan trọng, hữu hiệu để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin