Nhọc nhằn những gánh hàng rong

08:27, 03/05/2024

Thường bắt đầu từ khoảng 4 giờ sáng, những người bán hàng rong trên các tuyến đường, phố địa bàn thành phố Nam Định bắt đầu với công việc mưu sinh. Họ bám víu từng mét đất vỉa hè, tuyến đường để “buôn thúng, bán mẹt”, mong có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cuộc sống mưu sinh của những người bán hàng rong trên đường Lý Thường Kiệt (thành phố Nam Định).
Cuộc sống mưu sinh của những người bán hàng rong trên đường Lý Thường Kiệt (thành phố Nam Định).

Bà Trần Thị Tính, nhà ở phường Trần Quang Khải (thành phố Nam Định) đã có hơn chục năm gắn bó với gánh hàng rong. Dù trời nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè cứ 4 giờ sáng bà lại lóc cóc dắt chiếc xe đạp cũ ra chợ đầu mối lấy hàng về bán. Hàng của bà cũng là những thứ hoa quả theo mùa, mua xong bà lại chở đi khắp nơi rao bán. Ngày nào bán hết hàng bà lãi khoảng trên dưới 100 nghìn đồng. Có những ngày ế khách, trời mưa bà chẳng dư được đồng nào. Bà Tính cho biết, bán hàng rong ngoài đường ngày nào cũng nơm nớp lo lực lượng chức năng “đuổi” vì lấn chiếm vỉa hè; nhưng do không có công ăn việc làm, lại chẳng có vốn mở cửa hàng nên bà đành bươn trải với nghề này. Cứ nghĩ đến việc có tiền mua thuốc cho hai vợ chồng bị mắc bệnh mãn tính và trang trải cơm cháo qua ngày thì vất vả đến đâu bà cũng chịu được.

Còn bà Nguyễn Thị Dung ở phường Trường Thi lại chọn cho mình nghề bán chè giải khát trên vỉa hè đến nay đã được hơn 20 năm. Trước kia khi còn khỏe, lượng hàng bán được nhiều hơn nên bà mượn vỉa hè trước nhà người quen làm chỗ bán hàng, kiếm kế sinh nhai. Sau này, do tuổi đã ngoài 70 nên không thể làm được nhiều, bà nấu ít dần rồi bỏ hàng trên đôi quang gánh ra đường Trần Huy Liệu đợi khách. Gọi là gánh nhưng trên đôi rổ chỉ đựng được khoảng hơn 30 hộp chè đỗ đen, chè trôi nước, mỗi hộp có giá 10 nghìn đồng. Do có kinh nghiệm bán hàng lâu năm, chè ngon giá lại rẻ nên khách của bà chủ yếu là người quen. Có những hôm chỉ bán trong vòng một giờ là hết nhưng cũng có hôm gặp trời mưa hoặc ế khách, bà ngồi đến tận tối mịt. Ở độ tuổi của bà, chiều đến nhiều người quây quần cùng con cháu chuẩn bị cho bữa tối, nhưng với hoàn cảnh đơn thân, lại không có lương hưu nên bà Dung xác định sẽ gắn bó với nghề bán hàng rong cho đến khi đôi chân không còn đi được.

Chị Hoa mới ngoài 40 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề bán xôi dạo. Trước đây khi mới xây dựng gia đình, chị và chồng có một cửa hàng đồ gia dụng nhỏ tại nhà. Tuy nhiên biến cố gia đình xảy ra khi chồng của chị bị tai nạn giao thông mất sức lao động, bao nhiêu vốn liếng dồn chữa chạy cho anh nên cửa hàng phải đóng cửa. Loay hoay với nghề phụ việc cho một hàng ăn, rồi nhận trông trẻ tại nhà, cuối cùng chị Hoa chọn nghề bán xôi. Hàng ngày, cứ 5h30 sáng chị lại chở xôi đi khắp các phố phường. Với đủ các loại xôi đỗ đen, đỗ xanh, đỗ đỏ, xôi ngô, xôi lá nếp, xôi gấc dẻo thơm của chị đã gắn bó với bao lớp học sinh, người lao động trước khi đến lớp, đi làm. Những khu phố, hẻm nhỏ, những con người xa lạ ngày nào, giờ thành thân quen, gần gũi. Ở nhiều khu phố chị còn nhớ rõ có những bạn học sinh thích ăn loại xôi nào, giờ đã trưởng thành, đi học đại học hoặc đã đi làm; hay những bà cụ mỗi sáng còn đứng chờ chõ xôi của chị giờ đã trở thành “thiên cổ”.

Nghề bán hàng rong được nhiều phụ nữ lựa chọn bởi nghề này chỉ cần ít vốn. Vì miếng cơm, manh áo và cả tương lai của các con, nhiều phụ nữ phải gồng mình với đôi quang gánh rong ruổi khắp các nẻo đường. Khó có thể thống kê hết mỗi ngày có bao nhiêu người đi bán hàng rong, chỉ biết hầu như phố phường nào của thành phố cũng thấy có người bán hàng rong với đủ loại từ rau, quả, cá, thịt tươi sống đến các đồ tiêu dùng thủ công lặt vặt, nhiều nhất là mặt hàng tươi sống rau, củ, hoa quả. Đối tượng bán hàng rong có nhiều lứa tuổi, nhiều hơn cả là các chị trung niên. Hầu hết đây là những chị em nông dân, tranh thủ nông nhàn đi bán hàng kiếm thêm, song cũng không ít người là dân nghèo thành thị, vùng ven đô chọn nghề bán hàng rong. Đồ nghề của họ cũng đơn giản, hàng hóa chất lên đôi quang gánh, xe đẩy cùng chiếc cân và những chiếc túi nilon đựng hàng cho khách. Nhiều người gắn bó với nghề bán hàng rong để mưu sinh nhưng cũng có những người ở vùng ngoại thành thỉnh thoảng nhặt nhạnh những món quà quê, những nắm rau, quả ngọt trong vườn gồng gánh lên phố để kiếm thêm chút tiền trang trải cho cuộc sống. Nhưng cũng còn những lý do “mỗi nhà, mỗi cảnh” như gia đình có người ốm đau, bệnh nan y đã cạn tiền chữa trị; xây nhà cửa xong còn nợ tiền; hoặc có con học đại học nên ra phố kiếm thêm thu nhập mỗi khi nông nhàn. Sự khắc khổ, sương gió như hằn trên gương mặt, trên làn da rám nắng của những cô, những chị, những bà. Vì nghèo, nên họ chọn cái nghề không cần nhiều vốn mà chỉ cần sự tảo tần, chịu thương, chịu khó. Hàng ngày bên gánh hàng nhọc nhằn, mỗi bước chân của họ chứa đựng cả tình yêu thương dành cho chồng, cho con. Có bao nhiêu gánh hàng rong là bấy nhiêu mơ ước hay đơn giản họ chỉ mong có chút tiền lãi sống tiếp cho ngày mai. Tuy nhỏ bé, lặng lẽ nhưng gánh hàng rong là phương tiện mưu sinh của nhiều phận người, mang theo nét đẹp rất đời thường - nét đẹp của tính cách chịu thương, chịu khó, nhẫn nại, hy sinh cho cuộc sống gia đình. Và cũng từ đó, đã có rất nhiều người con trưởng thành nhờ những gánh hàng rong.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc bán hàng rong luôn tiềm ẩn các vấn đề như chiếm dụng trái phép vỉa hè và lòng đường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở để những người bán hàng rong có ý thức hơn trong chấp hành các quy định của pháp luật./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com