Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, nhiều năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội; ưu tiên các nguồn lực chăm lo cho trẻ em, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Tiết mục văn nghệ của trẻ em huyện Ý Yên tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. |
Toàn tỉnh hiện có trên 484.200 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,6% dân số của tỉnh; trong đó có 4.923 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: mồ côi cả cha và mẹ, bị bỏ rơi không nơi nương tựa, khuyết tật, trẻ em bị nhiễm HIV, mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo phải điều trị dài ngày; 2.428 trẻ em sống trong gia đình thuộc diện hộ nghèo; gần 19.600 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em với nhiều hoạt động hiệu quả. Hàng năm, UBND tỉnh đều bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình hành động vì trẻ em với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng. Trong đó đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trợ giúp về y tế cho 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em hưởng chính sách bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT, khám, chữa bệnh miễn phí. Công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện. Các địa phương duy trì hoạt động tiêm chủng mở rộng đảm bảo phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ; theo dõi cân nặng, chiều cao cho trẻ em trong độ tuổi nhằm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, góp phần bảo vệ trẻ em một cách toàn diện.
Thực hiện chính sách đảm bảo cho trẻ em tham gia các hoạt động giáo dục: Tỷ lệ trẻ em từ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98%; tỷ lệ trẻ em nhập tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%; tỷ lệ trẻ em nhập học trung học cơ sở đạt 98,67%. Hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để trẻ em được học tập và vui chơi trong môi trường thân thiện, không có bạo lực, đảm bảo tất cả mọi trẻ em đều có cơ hội được học tập và phát triển về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Các cấp, các ngành, nhất là cơ sở, thường xuyên chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của trẻ em với nhiều hình thức đa dạng như: Tổ chức hội thi; tổ chức diễn đàn, nói chuyện truyền thống; tham quan trải nghiệm tại bảo tàng, chiếu phim về lịch sử truyền thống vẻ vang của Đảng, dân tộc, biển đảo; “Liên hoan các đội tuyên truyền măng non”; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao của trẻ em. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả các mô hình, giải pháp bảo vệ, phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, lao động trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh, bảo đảm trẻ được phát triển toàn diện.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ bằng nhiều hình thức: 98% trẻ em khuyết tật được trợ giúp, chăm sóc sức khỏe, được phục hồi chức năng, được chú trọng trong giáo dục hòa nhập cộng đồng; trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật được trợ cấp nuôi dưỡng, được tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm,... giúp cho nhiều trẻ em khuyết tật có điều kiện hoà nhập cộng đồng.
Cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, huy động các nguồn lực trong cộng đồng chăm lo cho trẻ em. Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, về hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em, thông tin về trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức các đợt vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân và cả cộng đồng tham gia xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em. Qua đó, nhiều tập thể, cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ các cấp, tạo nguồn lực chăm lo cho trẻ em. Nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp trong tỉnh đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Trong năm 2023, Quỹ bảo trợ trẻ em ở cả 3 cấp vận động được trên 2 tỉ đồng, trong đó các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước ủng hộ gần 1,7 tỉ đồng; các tổ chức quốc tế hỗ trợ 335 triệu đồng.
Từ nguồn Quỹ đã tổ chức các hoạt động chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm 2023, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh đã tổ chức chương trình trao 59 suất học bổng, 26 xe đạp, 25 xe lăn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; tặng 500 áo phao bơi cho trẻ em vùng sông nước thuộc huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; tặng quà cho 200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn huyện Trực Ninh nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Trao 30 suất học bổng cho 30 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em huyện Vụ Bản, Ý Yên và thành phố Nam Định. Trao tặng 200 suất quà đồ dùng học tập cho 200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tại Trường Tiểu học xã Nghĩa Hồng và Trường Tiểu học xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng). Phối hợp với Công ty Bảo Việt nhân thọ tổ chức Chương trình “Quỹ xe đạp chở ước mơ” trao tặng 100 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn thuộc 10 huyện, thành phố. Phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Nam - Cuba tổ chức chương trình khám, phẫu thuật cho 25 trẻ em bị dị tật vùng hàm, mặt.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động được 246 triệu đồng và tổ chức nhiều hoạt động như: Trao tặng 30 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn của Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định). Trao tặng 400 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán 2024; trao tặng 30 xe đạp và 33 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hiếu học do Hội Vitam - Cộng hòa Pháp tài trợ. Tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em, trao 50 suất học bổng, 50 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn huyện Ý Yên. Thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khác cho trẻ em như “Phẫu thuật nụ cười”, “Vì trái tim trẻ thơ”, “Vì ánh mắt trẻ thơ”, phục hồi chức năng cho trẻ em; xây dựng mô hình dạy nghề cho trẻ em khuyết tật và mồ côi. Đặc biệt, chương trình mổ tim cho trẻ em nghèo, đã giúp cho nhiều trái tim duy trì nhịp đập, đưa các em trở lại cuộc sống đời thường. Bằng những việc làm hiệu quả, thiết thực, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã thực sự trở thành cầu nối giữa cộng đồng tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chỗ dựa vật chất và tinh thần của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh còn 4.923 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 2.428 trẻ em sống trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cần được hỗ trợ. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 25-12-2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Kế hoạch chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, kế hoạch khác có liên quan đến trẻ em. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, vận động cộng đồng xã hội tích cực tham gia hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em như: Tổ chức Diễn đàn trẻ em, tọa đàm, tổ chức gặp mặt lãnh đạo, địa phương, các ban, ngành với trẻ em. Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao cho thiếu nhi trong dịp hè. Triển khai hiệu quả các hoạt động nâng cao năng lực số cho trẻ em, đặc biệt tăng cường tổ chức các hoạt động trang bị kiến thức và kỹ năng cho thiếu nhi, giúp các em nhận biết và sử dụng mạng an toàn trên internet. Chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông. Đồng thời, kêu gọi sự chung tay góp sức của toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, đảm bảo mọi trẻ em được phát triển toàn diện./.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin