Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024: Phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho người lao động

08:35, 22/05/2024

Xác định người lao động là vốn quý của doanh nghiệp, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động (TNLĐ).

Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) thực hiện tốt quy định về an toàn vệ sinh lao động, thường xuyên cải thiện điều kiện làm việc, phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) thực hiện tốt quy định về an toàn vệ sinh lao động, thường xuyên cải thiện điều kiện làm việc, phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho người lao động. Trong đó công tác tuyên truyền tập trung phổ biến Bộ luật Lao động, Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn quy định pháp luật về ATVSLĐ như: Thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ bồi dưỡng; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; các nguy cơ tiềm ẩn TNLĐ, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp; tác hại của TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đối với sức khỏe người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp. Từ năm 2023 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã biên soạn, phát hành 10 nghìn tờ gấp “Quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động” tới các địa phương, doanh nghiệp. Tổ chức hội nghị truyền thông phổ biến pháp luật về việc làm, ATVSLĐ cho 145 người là cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, cán bộ quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trong doanh nghiệp. Tổ chức huấn luyện và tư vấn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho các doanh nghiệp. Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho 150 người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, cán bộ phụ trách nhân sự, bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp. Phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB và XH) tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho trên 100 người làm công tác bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và người làm công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở LĐ-TB và XH đã ban hành trên 200 văn bản đôn đốc, hướng dẫn, đề nghị các ngành chức năng, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp triển khai thực hiện các công tác về việc làm, ATVSLĐ... để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ.

Nhờ đó, việc thực hiện công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường và có những chuyển biến tích cực. Trước khi đi vào hoạt động (đối với doanh nghiệp mới) và hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều lập kế hoạch hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; thành lập và kiện toàn Hội đồng ATVSLĐ, thiết lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Triển khai hiệu quả các biện pháp ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, TNLĐ như: Kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ theo quy định. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ, kiểm tra sát hạch, được cấp chứng chỉ trước khi làm việc; được người sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định. Người sử dụng lao động, người làm công tác ATLĐ đều được tham gia lớp huấn luyện ATLĐ, vệ sinh lao động, an toàn phòng chống cháy nổ và được cấp chứng chỉ, chứng nhận. Các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ cho người lao động, người học nghề khi tuyển dụng và sắp xếp lao động, đồng thời tích cực đầu tư cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn thiết bị, nhà xưởng, xử lý khí thải, nước thải, tiếng ồn, nhiệt độ nhà xưởng. Phần lớn người lao động đã có ý thức sử dụng bảo hộ lao động và tuân thủ các quy định về ATVSLĐ trong quá trình lao động, sản xuất. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc được doanh nghiệp chú trọng. Nhiều doanh nghiệp có đông lao động đã ký hợp đồng với cơ sở y tế đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định; kịp thời phát hiện, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn một bộ phận người sử dụng lao động và người lao động vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, nhất là ở các làng nghề, doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất ở các ngành nghề như cơ khí, dệt may, chế biến gỗ, xây dựng… Một bộ phận người lao động chưa có thói quen sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, kính và găng tay bảo hộ khi làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố nguy hại như quá nhiều bụi, tiếng ồn, điều kiện VSATLĐ không đảm bảo... Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 120 vụ TNLĐ, với 121 người bị TNLĐ, trong đó: có 9 vụ TNLĐ làm chết người (9 người chết), 18 người bị thương nặng. Tổng chi phí cho tai nạn và thiệt hại tài sản trên 81,4 tỷ đồng. Đã có nhiều người lao động được phát hiện mắc các bệnh về phổi, thính giác, ngoài da do hít phải bụi kim loại nặng, hóa chất... Công tác bảo đảm ATVSLĐ tại một số làng nghề truyền thống, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp có nhiều yếu tố nguy cơ mất an toàn chưa được chú trọng đúng mức do tư tưởng chủ quan..

Để chủ động phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho người lao động, hàng năm, tỉnh đã thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp; kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm quy định về vệ sinh lao động tại các cơ sở sản xuất vi phạm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 được thực hiện từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-5-2024, với chủ đề: “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và chuỗi cung ứng”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND, ngày 1-4-2024, chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức, nhận thức cũng như các hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; quản lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia thực hiện ATVSLĐ của người lao động. Các ngành chức năng tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và thực hiện các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ của các đơn vị, cơ sở sản xuất.

Sức khỏe của người lao động là một trong những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng suất, chất lượng làm việc. Bảo vệ sức khỏe người lao động chính là bảo vệ lợi ích và sự phát triển bền vững doanh nghiệp. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm chăm sóc sức khỏe người lao động và thực hiện nghiêm túc việc khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (đối với các bộ phận làm việc có yếu tố nguy cơ cao) cho người lao động. Doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động làm việc trong môi trường có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp về yếu tố có hại, biện pháp phòng, chống tai nạn và được quản lý sức khỏe, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp. Bản thân mỗi người lao động cần trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiêm túc chấp hành quy tắc an toàn lao động, thực hiện các quy định về bảo hộ lao động, tự bảo vệ sức khỏe của mình./.

Bài và ảnh: Minh Tân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com