Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng gây chết nhiều người xảy ra ở các địa phương trong cả nước, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động (ATLĐ).
Công ty TNHH Việt - Pan Pacific Nam Định (Nam Trực) thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động. |
Chỉ trong tháng 4-2024, liên tiếp xảy ra một số vụ TNLĐ nghiêm trọng trên cả nước. Cụ thể, ngày 3-4, vụ cháy khí metan trong hầm lò ở tỉnh Quảng Ninh đã làm 4 công nhân tử vong. Ngày 9-4, vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm tỉnh Bắc Ninh làm 1 người chết, 2 người bị thương. Ngày 15-4, tại quận Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội), khi sửa chữa mái kính khu vực giếng trời ngôi nhà 8 tầng, do kính vỡ nên nhóm công nhân đã bị rơi làm 2 công nhân tử vong, 2 người bị thương. Ngày 22-4, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương, nguyên nhân do sự cố động cơ điện máy nghiền. Gần đây nhất là vụ nổ lò hơi xảy ra đúng ngày 1-5, tại xưởng sản xuất chế biến đồ gỗ ở tỉnh Đồng Nai đã cướp đi tính mạng của 6 người và 5 người bị thương; nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi kỹ thuật trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành thiết bị lò.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 120 vụ TNLĐ, với 121 người bị TNLĐ, trong đó: có 9 vụ TNLĐ làm chết người (9 người chết), 18 người bị thương nặng. Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản trên 81,4 tỷ đồng. Ngày 18-1-2024, tại xưởng sản xuất đồ gỗ Công ty TNHH Dịch vụ Tổng hợp Đức Trọng ở xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) xảy ra vụ TNLĐ do sử dụng thang máy tự chế. Quá trình vận chuyển chiếc thang máy tự chế bị đứt dây, rơi từ tầng 3 xuống tầng 1, hậu quả là 3 người bị đa chấn thương, phải cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế ở Nam Định và Hà Nội, tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể 116%. Ngày 3-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghĩa Hưng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Vũ Đức Trọng (trú tại xóm 1 xã Nghĩa Tân, là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Dịch vụ Tổng hợp Đức Trọng) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về ATLĐ”, quy định tại khoản 1, Điều 295, Bộ luật Hình sự.
Nhìn lại nguyên nhân tử vong các vụ TNLĐ trên địa bàn tỉnh từ năm 2023 đến nay, có 4 vụ, 4 người chết thuộc ngành may mặc, sản xuất giày dép; 2 vụ, 2 người chết thuộc lĩnh vực xây dựng nhà để ở; 3 vụ ở các lĩnh vực khác (vận tải đường sắt, hoạt động viễn thông có dây, giáo dục và đào tạo). Theo phân tích của Sở LĐ-TB và XH, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (chiếm 68%). Nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động: không có thiết bị an toàn hoặc thiết bị an toàn không bảo đảm, không cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động hoặc có nhưng chất lượng không tốt, điều kiện làm việc không tốt, tổ chức lao động chưa hợp lý. Một phần do nhận thức về ATLĐ của bộ phận người lao động và người sử dụng lao động còn hạn chế, chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ để kịp thời có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở tư nhân, nhiều người không được đào tạo nghề bài bản mà chủ yếu truyền nghề theo kiểu “nghề dạy nghề”, người biết trước chỉ lại cho người chưa biết, chưa được hướng dẫn, huấn luyện đồng bộ về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), vận hành máy móc chủ yếu theo thói quen dẫn đến tai nạn đáng tiếc. TNLĐ gây ra những hậu quả vô cùng lớn, nặng thì dẫn đến tử vong, nhẹ cũng để lại nhiều di chứng và tốn kém tiền bạc để chạy chữa. Trong khi đó, nạn nhân là người trong độ tuổi lao động, thường là lao động chính, trụ cột trong gia đình, nên khi xảy ra sự cố gây ra nhiều khó khăn, áp lực lớn về kinh tế đối với gia đình.
Trước thực trạng một số vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ LĐ-TB và XH, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát kỹ quy định, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất công nghiệp, vận hành lò hơi, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về ATLĐ trong hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tương tự. Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí truyền thông tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về ATVSLĐ, nguy cơ mất ATLĐ trên tất cả các lĩnh vực.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND, ngày 1-4-2024 triển khai Tháng hành động. Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 được thực hiện từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-5-2024, với chủ đề: “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và chuỗi cung ứng”. UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời thúc đẩy, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức, nhận thức cũng như các hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Tạo cao điểm về các hoạt động truyền thông, các chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ và triển khai chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024. Tăng cường các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ; Tăng cường biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; Đảm bảo thực hiện các quy định về bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động; Đẩy mạnh công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia thực hiện ATVSLĐ của người lao động. Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác ATVSLĐ, hưởng ứng Tháng hành động của các đơn vị, địa phương trên địa bàn.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc từ TNLĐ, cách tốt nhất là sự chủ động phòng tránh của các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, người sử dụng lao động phải quan tâm, trang bị phương tiện, bảo hộ lao động cho người lao động, tăng cường công tác huấn luyện, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của Nhà nước về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn gây TNLĐ. Đặc biệt là người lao động cần phải tuân thủ các quy định, quy tắc về ATLĐ; nâng cao nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ chính mình trong quá trình làm việc./.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin