Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) vào dạy học là phương pháp có nhiều lợi ích hữu hiệu so với hình thức học truyền thống, qua đó chất lượng dạy và học được nâng cao.
Một giờ học ứng dụng công nghệ thông tin của cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Liễu Đề. |
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục, ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình CĐS, đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn, rà soát và đầu tư cơ sở hạ tầng trong việc thực hiện kế hoạch CĐS như: Phủ sóng mạng internet trên toàn bộ các lớp học, phòng chức năng, đầu tư các phần mềm phục vụ về công tác quản lý đảm bảo số lượng máy tính và các trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy, quản lý và điều hành hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Cô Phạm Cảnh Thuận, Hiệu trường nhà trường cho biết: Quá trình triển khai CĐS, trường nhận được sự quan tâm của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện thí điểm xây dựng trường học thông minh cấp tiểu học năm học 2023-2024. Hiện tại cơ sở hạ tầng CNTT của nhà trường tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT theo quy định tại Văn bản số 5807/2018/BGDĐT-CNTT của Bộ GD và ĐT ở mức cơ bản. Nhà trường có 4 đường truyền internet hệ thống mạng LAN, wifi được lắp đặt đến 100% các phòng học, phòng bộ môn, phòng làm việc; có 1 phòng tin học với 22 máy tính bàn thường xuyên được bảo dưỡng để sử dụng tốt; 30 máy tính xách tay, 2 máy chiếu, 2 bộ âm ly loa đài, 24 ti vi thông minh để phục vụ cho các phòng học, phòng học bộ môn và phòng làm việc; 8 máy tính phục vụ cho công tác quản lý; 16 camera giám sát xung quanh trường và 23 camera trong lớp phục vụ dạy học trực tuyến.
Chất lượng đội ngũ của nhà trường tương đối đồng đều, nhiệt tình, năng động, có trình độ chuyên môn vững vàng, ý thức trách nhiệm cao, say mê với nghề nghiệp. Hiện tại có 1 giáo viên môn Tin học, 33/37 cán bộ, giáo viên, nhân viên (chiếm 89%) được đào tạo, bồi dưỡng về tin học đạt trình độ B hoặc ứng dụng tin học cơ bản, trong đó có 20/37 đồng chí sử dụng thành thạo, hiệu quả CNTT trong thực hiện nhiệm vụ, có khả năng tự học, cập nhật các ứng dụng CNTT mới.
Với các điều kiện trên, trường đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và ban hành các kế hoạch, các quy chế thực hiện ứng dụng CNTT và CĐS trong từng năm học. Những năm gần đây, nhà trường đã ứng dụng hiệu quả CNTT để tổ chức dạy học trực tuyến, kiểm tra trực tuyến để đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò, hiệu quả của việc ứng dụng CNTT, CĐS trong các hoạt động, lĩnh vực của trường để cho mọi thành viên thấy rõ yêu cầu cần thiết phải ứng dụng CNTT và CĐS. Do vậy đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn nhận thức đúng trách nhiệm của mình, tích cực học tập, bồi dưỡng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Đến nay, công tác CĐS trong nhà trường đã được thực hiện triển khai đồng bộ trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động. Nhà trường sử dụng hiệu quả các phần mềm, các ứng dụng phục vụ công tác quản lý và công tác chuyên môn.
Trong công tác quản lý, các thông tin của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh được lưu trữ đầy đủ trên hệ thống phần mềm VnEdu, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, phần mềm kế toán MISA, quản lý văn bản e-Office để thực hiện cho công tác thống kê, quản lý đánh giá quá trình giáo dục. Nhiều năm qua, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã sáng tạo trong việc quản lý điều hành, triển khai hoạt động giáo dục thông qua sổ tay điện tử và đem lại hiệu quả thiết thực, giúp quản lý toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, sổ sách, giáo án, kế hoạch dạy học của trường; phổ biến văn bản chỉ đạo… tránh thất lạc tài liệu, thuận tiện khi tra cứu. Việc tuyên truyền, thông báo công việc của nhà trường và giáo viên tới phụ huynh học sinh được thực hiện qua nhiều kênh thông tin và ứng dụng như: Zalo, Website, Fanpage nhà trường nhằm truyền tải đầy đủ nhất, nhanh nhất, kịp thời nắm bắt và phối hợp công tác giáo dục. Nhà trường đã triển khai có hiệu quả một số dịch vụ công trực tuyến: Dịch vụ công kho bạc, thuế và bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối phần mềm quản lý tài chính của nhà trường với các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong công tác chuyên môn, nội dung CĐS được giáo viên nhà trường tích cực thực hiện như: đẩy mạnh học hỏi, ứng dụng CNTT vào soạn giáo án, sử dụng đa dạng các phương thức truyền tải thông tin, kiến thức qua âm thanh, hình ảnh, trò chơi..., giúp tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức cho các em học sinh và tạo hứng thú trong mỗi giờ học. 100% giáo viên soạn bài trên máy, nộp và duyệt trên ứng dụng drive.google.com; 100% giáo viên soạn bài giảng điện tử ứng dụng vào công tác giảng dạy, nhiều bài giảng có chất lượng ứng dụng cao. Giáo viên đã làm chủ được các ứng dụng, phần mềm dạy học, kho học liệu điện tử, linh hoạt trong việc khai thác, sử dụng trong các giờ lên lớp hiệu quả. Đặc biệt, nhà trường tiếp tục duy trì, triển khai hình thức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trực tiếp nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy - học và đổi mới phương pháp dạy - học. Cụ thể: Sử dụng website OLM để khai thác học liệu điện tử, để giao bài cho học sinh cuối tuần; sử dụng chức năng quản lý học tập trực tuyến trên OLM để kết nối và tổ chức các hoạt động giáo dục giữa nhà trường, giáo viên và học sinh trong việc hướng dẫn học sinh tự học, kiểm tra đánh giá và phối hợp với gia đình. Nhà trường đã xây dựng được kho học liệu số bảo đảm chất lượng; nhiều giáo viên của trường tham gia các cuộc thi thiết kế học liệu số như bài giảng e-learning, thiết bị số để đóng góp vào kho học liệu số của đơn vị, của ngành dùng chung. Đã có 7 sản phẩm thiết bị số, bài giảng điện tử được đánh giá đạt trở lên trong cuộc thi của Sở GD và ĐT, có 1 thiết bị dạy học số đạt giải cấp Bộ. Nhà trường đã tổ chức hướng dẫn giáo viên tham khảo các học liệu số giới thiệu từ Bộ GD và ĐT và các nguồn tài nguyên tin cậy trên internet; chỉ đạo giáo viên triển khai nhận xét, thường xuyên đánh giá học sinh bằng hình thức trực tuyến qua phần mềm VnEdu.
Thông qua việc ứng dụng CĐS vào giảng dạy và quản trị nhà trường đã giúp nâng cao hiệu quả GD và ĐT, chất lượng các bài giảng được nâng lên, số giáo viên và học sinh tham dự các kỳ thi trực tuyến đạt giải cao. Năm học 2021-2022, nhà trường có 5 thầy, cô giáo đạt giải thiết kế bài giảng điện tử cấp tỉnh; 1 cán bộ quản lý đạt giải sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Học sinh tham gia giao lưu và hội thi trên internet cấp quốc gia đạt 57 giải, trong đó 31 giải Vàng, 20 giải Bạc, 6 giải Đồng; cấp tỉnh có 2 giải; cấp huyện có 40 giải. Năm học 2022-2023, trường có 1 giáo viên tham dự Cuộc thi Thiết bị dạy học số đạt giải Nhì cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp Bộ; Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử đạt 3 giải gồm 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích cấp tỉnh; học sinh tham gia Cuộc thi giải Toán và Khoa học bằng tiếng Anh đạt 2 giải cấp tỉnh...
Với những kết quả đạt được, Trường Tiểu học thị trấn Liễu Đề đang nỗ lực hướng đến một môi trường công nghệ số với mục tiêu: CĐS để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; CĐS để mang đến sự tiện lợi; CĐS để xây dựng trường học thông minh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin