Thời gian qua, thị trường thế giới, trong nước hiện có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm của người lao động (NLĐ). Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác hỗ trợ, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, việc làm và quan hệ lao động trong các doanh nghiệp; đẩy mạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao đời sống cho NLĐ.
Người lao động Công ty TNHH Padmac Việt Nam tham gia chương trình khám sức khỏe do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) tổ chức. |
Đồng chí Mai Thị Huế, Chủ tịch LĐLĐ huyện Xuân Trường cho biết: LĐLĐ huyện đang quản lý 115 tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS), với hơn 6.500 đoàn viên. Ngoài làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, những năm qua LĐLĐ huyện thường xuyên phối hợp với các tổ chức CĐCS theo dõi việc thực hiện chính sách pháp luật của doanh nghiệp đối với NLĐ như: Thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc; tham gia đại diện cho NLĐ rà soát các nội dung trong thỏa ước lao động tập thể, theo dõi việc thực hiện trả lương, thưởng, phụ cấp, chế độ nghỉ do ốm đau, thai sản, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp… đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Hàng năm, 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; khoảng 73% doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. LĐLĐ huyện chủ động phối hợp với các phòng, ban liên quan kiểm tra và tham gia với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động từ 10-12 doanh nghiệp trên địa bàn. Các cấp Công đoàn tự kiểm tra khoảng 70 cuộc. Chất lượng tổ chức đối thoại tại nơi làm việc ngày càng được nâng lên, người lao động chủ động kiến nghị thêm các nội dung theo quy định của pháp luật vào bản thỏa ước lao động khi ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Đã có 7 doanh nghiệp xây dựng ký kết mới thỏa ước lao động tập thể nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, đảm bảo trả lương, thưởng, phụ cấp… đúng quy định, có trên 70% công nhân lao động (CNLĐ) ký hợp đồng lao động, 14/19 (chiếm tỷ lệ 73,68%) doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể. Không chỉ tham gia kiểm tra, giám sát, các cấp Công đoàn trong huyện còn tổ chức tư vấn pháp luật cho CNLĐ; trong 5 năm qua đã tổ chức tư vấn cho hơn 10 nghìn lượt CNLĐ về pháp luật lao động, công đoàn, BHXH… giúp NLĐ hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định pháp luật tự bảo vệ được bản thân trong quan hệ lao động.
Để thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, hàng năm LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, Ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai thực hiện các chính sách mới về pháp luật lao động. Tập trung tuyên truyền nội dung pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, BHYT, đặc biệt chú trọng các nội dung liên quan đến hợp đồng lao động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chế độ dành cho lao động nữ khi mang thai và sinh con; hỗ trợ người lao động làm việc trong môi trường độc hại. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn đã thường xuyên phối hợp với các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, BHXH, Ban An toàn giao thông tỉnh thực hành các kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động, phương pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp, Ban chấp hành Công đoàn tham mưu với chủ doanh nghiệp xây dựng tủ sách công đoàn với hàng trăm đầu sách, báo, tạp chí, tài liệu pháp luật khuyến khích NLĐ chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình trong quan hệ lao động. Trong năm 2023, các tủ sách công đoàn có hàng nghìn lượt CNLĐ đến tìm hiểu, nghiên cứu, được Ban chấp hành Công đoàn tổ chức giải đáp, tư vấn kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về lao động. Ngoài ra nhiều tổ chức CĐCS đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị tư vấn pháp luật cho CNLĐ như Công ty TNHH Thủy sản Lenger (thành phố Nam Định), Công ty TNHH Padmac Việt Nam, Công ty TNHH Ramatex, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản); có 17/17 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 2 CĐCS tổ chức tập huấn pháp luật đảm bảo an toàn giao thông cho hơn 12 nghìn CNLĐ.
Đặc biệt, để tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, trong Tháng Công nhân năm 2023, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị tư vấn pháp luật lưu động cho 550 CNLĐ tại Công ty TNHH Longyu Việt Nam (Nam Trực) và Công ty TNHH May mặc dệt kim Smart Shirts Việt Nam (Xuân Trường); biên soạn, phát hành 12 nghìn tờ gấp tư vấn pháp luật; tổ chức mô hình sức khỏe của bạn và tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho 500 nữ CNLĐ Công ty TNHH Một thành viên Giầy Thành Bách Việt Nam thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ môi trường cho hơn 100 đoàn viên, xã viên, NLĐ xã Trung Thành (Vụ Bản) và trồng tặng 60 cây bóng mát trên địa bàn xã Trung Thành. Các cấp Công đoàn tập trung tuyên truyền các hoạt động chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ; tăng cường hình thức cổ động trực quan, chăng treo 1.052 băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặt 60 pa-nô, áp phích tại các khu, cụm công nghiệp nơi có đông CNLĐ, phát trên 30 nghìn tờ rơi, tờ gấp với các nội dung về pháp luật lao động, Công đoàn.
Năm 2024, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn chú trọng tuyên truyền các nội dung về pháp luật lao động; thực hiện đúng các nội dung trong thỏa ước lao động tập thể; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn am hiểu về pháp luật, có kỹ năng về chuyên môn tuyên truyền pháp luật để kịp thời đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với NLĐ./.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin