Uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Nhằm quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm này, lực lượng cảnh sát giao thông đã và đang tập trung tăng cường tuần tra, kiểm soát, thực hiện chặt chẽ ở hầu hết các tuyến đường trong tỉnh.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông tại huyện Nam Trực. |
Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó nêu rõ về xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, UBND tỉnh, thời gian qua, Công an tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên địa bàn các huyện, thành phố, xử lý vi phạm đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Tổ công tác của Công an tỉnh phối hợp với công an các huyện, thành phố ở các tuyến giao thông trọng điểm thực hiện kế hoạch. Trong quá trình xử lý, lực lượng công an tiến hành xác minh, khi phát hiện các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn là cán bộ công chức, viên chức, đảng viên sẽ gửi thông báo đến các cơ quan, đơn vị công tác để tổ chức kiểm điểm, xử lý theo quy định, đảm bảo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Từ ngày 15-10 đến ngày 11-12-2023, lực lượng công an đã xử lý 1.242 trường hợp, tước 824 giấy phép lái xe; tạm giữ 91 ô tô, 1.141 mô tô và 2 phương tiện khác.
Trên thực tế, việc kiểm tra vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông của lực lượng chức năng còn gặp không ít khó khăn, do sự né tránh của người điều khiển phương tiện. Không ít trường hợp lái xe đã uống rượu, bia khi phát hiện lực lượng chức năng từ xa chọn cách tấp vào lề đường hoặc chọn đi đường khác. Bên cạnh đó, trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook… xuất hiện các trang, nhóm chia sẻ thông tin liên quan đến vị trí, khu vực tuần tra, kiểm soát tốc độ, đo nồng độ cồn, thực thi nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh, mục đích để các thành viên trong nhóm biết, né tránh, đối phó với lực lượng chức năng. Ngày 22-12-2023, công an huyện Ý Yên phối hợp Công an xã Yên Khang đã mời anh M.T.L trú tại xã Yên Khang để làm việc liên quan đến hành vi đăng tải nội dung công khai trên mạng xã hội facebook về thông tin “báo chốt” cảnh sát giao thông đang kiểm tra nồng độ cồn. Việc đăng tải trên đã vi phạm quy định tại Điểm e, khoản 3, điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3-2-2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”. Công an huyện Ý Yên đã quyết định xử phạt hành chính đối với anh M.T.L bằng hình thức phạt tiền với số tiền phạt là 7,5 triệu đồng. Trước đó, vào đầu tháng 12-2023, Công an huyện Giao Thủy cũng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng với ông B.V.Đ, trú tại xã Giao Hà (Giao Thủy), liên quan đến hành vi livestream (phát trực tiếp) trên facebook để “báo chốt” kiểm tra nồng độ cồn kèm hình ảnh các cảnh sát giao thông thuộc tổ công tác của Công an tỉnh đang làm nhiệm vụ, thời lượng video dài khoảng 7 phút. Theo lực lượng chức năng, hành vi “báo chốt” giao thông giúp tạo điều kiện cho một số người sau khi sử dụng rượu, bia, chất kích thích vẫn tham gia giao thông nhưng né tránh điểm chốt kiểm tra của lực lượng chức năng… dẫn tới nguy cơ tai nạn giao thông, đe dọa tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông.
Đa số người dân đều nhận thức được những rủi ro, mức độ nguy hiểm khi tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn. Tuy nhiên, chỉ đến khi bị lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, phạt tiền, tạm giữ giấy phép lái xe, phương tiện hoặc xảy ra tai nạn do vi phạm nồng độ cồn mới nghiêm túc nhìn nhận lại sự việc. Anh T.H.T ở thành phố Nam Định cho biết: “Trước kia, sau mỗi giờ tan làm, tôi thường cùng anh em đồng nghiệp đi uống bia vỉa hè. Nhưng từ khi lực lượng chức năng siết chặt việc quản lý nồng độ cồn, tôi tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia. Vừa là chấp hành quy định của pháp luật, vừa là để bảo vệ chính mình và người thân. Tôi thấy, đây là việc làm hết sức cần thiết”.
Việc lực lượng Công an tỉnh đã tăng cường xử lý nghiêm việc vi phạm an toàn giao thông, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, không chỉ hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia dịp cuối năm mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông để mọi người, mọi nhà được bình an, hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh việc siết chặt xử lý nồng độ cồn của lực lượng chức năng, mỗi người khi tham gia giao thông hãy nâng cao ý thức cá nhân, “phía trước tay lái là cuộc sống”, chấp hành nghiêm quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe”... góp phần bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin