Góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

18:43, 17/01/2024

Thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực y tế; ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động, dịch vụ của ngành Y tế, hình thành nền y tế thông minh (phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh) là định hướng của Sở Y tế về triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong Kế hoạch số 99/KH-SYT ngày 17-1-2023.

Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế.
Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế.

Bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định là đơn vị tiêu biểu của ngành Y tế trong thực hiện CĐS; mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng thực hiện CĐS trong khám, chữa bệnh. Bác sĩ Đinh Công Minh, Giám đốc bệnh viện cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở y tế là việc làm cần thiết nhằm hướng tới áp dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh, giúp người dân được tiếp cận các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Từ ngày 1-4-2023, bệnh viện thay đổi phần mềm quản lý bệnh viện do Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) cung cấp để chuẩn bị cho kế hoạch thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, đáp ứng yêu cầu khám từ 200-300 bệnh nhân/ngày. Bệnh viện tiếp tục khai thác tối đa phần mềm Quản lý bệnh viện thông minh trong việc tổ chức khám bệnh như có loa tự động gọi tên bệnh nhân và hiển thị số thứ tự, tên bệnh nhân trên màn hình ở mỗi bàn khám bệnh đảm bảo công khai, công bằng, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Trên màn hình cũng thông báo luôn những bệnh nhân nào đã có kết quả cận lâm sàng để người bệnh tiện theo dõi, không phải tập trung trước cửa phòng khám. Tại các khoa lâm sàng, bệnh viện đã cải tiến quy trình ra vào viện đảm bảo việc đón tiếp và hướng dẫn bệnh nhân được thuận tiện nhất, bố trí phòng riêng để điều trị những bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm như: Cúm, RSV (vi-rút hợp bào hô hấp ở trẻ em), Adenovirus, chân tay miệng, thủy đậu, đau mắt đỏ, viêm phổi không điển hình... Bệnh viện đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng các quy chế chuyên môn như: Chế độ thường trực, cấp cứu, chế độ hồ sơ bệnh án, hội chẩn, chuyển tuyến, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, quy trình chăm sóc người bệnh… Bố trí Khoa Xét nghiệm gần với Khoa Khám bệnh và trả kết quả xét nghiệm tự động qua mạng. Kết quả chẩn đoán hình ảnh có kèm QR Code để người bệnh và nhân viên y tế tiện tra cứu. Có nhân viên hướng dẫn người nhà bệnh nhân làm các thủ tục hành chính tận tình, giúp cho người bệnh không phải chờ đợi lâu và được hưởng đầy đủ các chế độ của bảo hiểm y tế (BHYT). Bệnh viện đã bước đầu triển khai kios đăng ký khám bệnh, đăng ký khám bệnh BHYT với nhiều hình thức: bằng thẻ BHYT giấy, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, CCCD điện tử mức độ 2... Năm 2023, bệnh viện đã khám 88.962 lượt người, đạt 122% kế hoạch, 15.545 bệnh nhân điều trị nội trú, 68.970 bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Bác sĩ Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 15-10-2021 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22-10-2021 của UBND tỉnh về CĐS của tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Y tế đã ban hành các kế hoạch và văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tới các cơ sở y tế trong tỉnh: Kế hoạch 2530/KH-SYT ngày 23-12-2022 về CĐS ngành Y tế tỉnh Nam Định năm 2023; Kế hoạch số 99/KH-SYT ngày 17-1-2023 về triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong ngành Y tế Nam Định năm 2023; Kế hoạch số 1521/KH-SYT ngày 18-8-2023 về triển khai mô hình điểm thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh Nam Định; Kế hoạch số 2327/KH-SYT ngày 5-12-2023 về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bổ sung 2 mô hình điểm trong Đề án 06 của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế (ảnh 1); Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi nhất cho người dân (ảnh 2).
Bài và ảnh: Việt Thắng
Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Đối với công tác khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip thay thẻ BHYT, toàn tỉnh có 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT (288 cơ sở) đã thực hiện tiếp đón bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp (đạt 100%). Có 647.113 người đã dùng CCCD đăng ký khám, chữa bệnh được hệ thống thông tin giám định ghi nhận thành công. Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở y tế có giường bệnh thực hiện khai báo lưu trú đúng quy định theo hình thức trực tuyến. Hiện đã có 24/24 cơ sở y tế là bệnh viện hoặc trung tâm y tế trong tỉnh có giường bệnh đang thực hiện khai báo lưu trú trên phần mềm ASM hoặc trên Cổng dịch vụ công trực tuyến (đạt 100%). Triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, Sở Y tế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở y tế triển khai thu phí trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình khám, chữa bệnh. Hiện nay đã có 100% cơ sở y tế có giường bệnh đã phối hợp với các ngân hàng triển khai thực hiện, chủ yếu sử dụng giải pháp QR tĩnh, một số ít cơ sở y tế có nguồn lực đang áp dụng giải pháp tối ưu QR động. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Nam Định, hướng dẫn yêu cầu về kỹ thuật và kết nối, các cơ sở y tế tham gia hệ thống sẽ thuê dịch vụ công nghệ thông tin để kết nối với nền tảng chung của tỉnh, kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ nhóm các cơ sở y tế theo quy định. Chỉ đạo hướng dẫn triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện. Hiện nay, các đơn vị đang từng bước khẩn trương triển khai là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu. Trong đó, Bệnh viện Nhi tỉnh được Sở Y tế chọn là đơn vị làm điểm và được UBND tỉnh đầu tư kinh phí đến năm 2023 cơ bản hoàn thành. 

Thời gian qua, thực hiện liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử điện tử trên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT, các cơ sở khám, chữa bệnh đã cấp 33.587 Giấy khám sức khỏe lái xe điện tử; 11.430 giấy chứng sinh điện tử. Thực hiện chuẩn hóa dữ liệu đầu ra theo Quyết định số 130/QĐ-BYT ngày 18-1-2023 của Bộ Y tế và kết nối Bảo hiểm xã hội Việt Nam để liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ triển khai Sổ sức khỏe điện tử. Phối hợp với Công an tỉnh triển khai mô hình khám, chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ và mô hình triển khai tích hợp thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên VneID. Phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khóa đào tạo “Cập nhật chẩn đoán, điều trị người bệnh hồi sức cấp cứu” cho 50 bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế trực thuộc sở; tổ chức 11 lớp đào tạo liên tục về hồi sức cấp cứu thông thường với tổng số hơn 1.300 học viên; cử 5 viên chức đi đào tạo trình độ CK II, 21 viên chức đi đào tạo trình độ CK I, 8 công chức, viên chức đi đào tạo trình độ thạc sĩ, 12 viên chức đi đào tạo trình độ đại học.

Năm 2024, ngành Y tế tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng nền y tế thông minh với 3 nội dung chính “phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh”. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng thiết bị y tế công nghệ cao, công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng điều trị. Từng bước nâng cao mức ứng dụng công nghệ thông tin theo tiêu chí Bệnh viện thông minh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến, trong đó tuyến tỉnh triển khai một số kỹ thuật như xạ trị, nội soi, kết hợp xương... Tiếp tục triển khai có hiệu quả và mở rộng thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo tuyến nhằm phát triển chuyên môn kỹ thuật tại tuyến y tế cơ sở; Chỉ đạo nâng cao chất lượng bệnh viện, phấn đấu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đều tăng điểm chất lượng theo tiêu chí của Bộ Y tế. Triển khai thí điểm bệnh án điện tử, hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa; liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, các thông tin, kết quả chẩn đoán, điều trị giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và với tuyến y tế cơ sở để tiến tới theo dõi, chăm sóc liên tục người bệnh. Củng cố hệ thống phân phối thuốc, bảo đảm kỷ cương pháp luật, hiệu quả, chuyên nghiệp để đảm bảo thực hiện tốt: truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc. Triển khai hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn (tuyến xã) theo nguyên lý y học gia đình, kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị đông y. Tiếp tục triển khai và sớm hoàn thiện sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ của người dân khi đi khám sức khỏe, khám, chữa bệnh vào sổ sức khỏe điện tử…, góp phần nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu, chăm sóc sức khoẻ cho người dân tại cộng đồng./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com