Rộn ràng xứ đạo nông thôn mới

10:45, 24/12/2023

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh Nam Ðịnh, Ninh Bình, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng và hưởng thụ thành quả nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương còn phát huy tốt vai trò của các linh mục, chức sắc, chức việc nhờ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giữ mối quan hệ khăng khít với những người đứng đầu giáo xứ, giáo họ.

Giáo dân trang trí cây thông Noel tại Tiểu Vương cung thánh đường Phú Nhai, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường (Nam Ðịnh).
Giáo dân trang trí cây thông Noel tại Tiểu Vương cung thánh đường Phú Nhai, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường (Nam Ðịnh).

Giáo dân thấm nhuần tinh thần "kính Chúa, yêu nước", "sống tốt đời, đẹp đạo" qua lời giảng, răn dạy từ các linh mục, từ đó nỗ lực góp sức xây dựng quê hương thành những vùng quê giàu đẹp, văn minh.

Những ngày này, không khí chuẩn bị đón mừng Giáng sinh rộn ràng khắp các ngõ xóm, khu dân cư của xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Ðịnh). Buổi tối, trên con đường dẫn vào Tiểu Vương cung thánh đường Phú Nhai xuất hiện những dải đèn led hình ngôi sao cùng cờ Tổ quốc, thắp sáng lung linh vùng quê xứ đạo.

Những miền quê đáng sống

Trước Noel cả tuần lễ, giáo dân Giáo xứ Phú Nhai đã tập trung ở nhà thờ, thực hiện các phần việc chuẩn bị cho đêm Giáng sinh. Ðối với các gia đình Công giáo, đây là dịp lễ trọng, mà những người đi làm ăn xa đều thu xếp trở về nhà sum họp cùng người thân giữa không gian thiêng liêng và rực rỡ sắc màu của nhà thờ đêm Giáng sinh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Phương Phạm Xuân Vũ cho biết, xã có hơn 2.000 hộ với 7.200 người dân, trong đó đồng bào Công giáo chiếm hơn 73% số dân. Là địa phương có hệ thống chính trị ổn định, an ninh trật tự bảo đảm và sự đồng thuận, chung tay của bà con giáo-lương, những năm qua xã duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá, bộ mặt nông thôn khởi sắc và đạt nhiều thành tựu trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới.

Tháng 11/2023, xã Xuân Phương được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trước đó, toàn bộ tám xóm của xã đã được công nhận là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Với hệ thống hạ tầng hoàn thiện, khang trang, môi trường sạch sẽ, trong lành, đời sống văn hóa và thu nhập của người dân đạt bình quân 86 triệu đồng/người/năm, Xuân Phương trở thành miền quê đáng sống, là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua của huyện Xuân Trường.

Huyện Xuân Trường có hơn 190.000 người dân, trong đó đồng bào Công giáo chiếm khoảng 30%, tập trung tại các xã Xuân Ngọc, Xuân Tiến, Xuân Phương, Thọ Nghiệp... Trên địa bàn huyện có Tòa Giám mục Bùi Chu là trung tâm điều hành các hoạt động Công giáo ở sáu huyện phía nam tỉnh Nam Ðịnh và một phần thành phố Nam Ðịnh; có Ðền thánh Phú Nhai được phong là Tiểu Vương cung thánh đường Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội... Huyện có 389 đảng viên là người Công giáo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Xuân Trường Trần Văn Vỵ cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện, các chức sắc, tín đồ tôn giáo là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động giáo dân đóng góp công sức, vật lực xây dựng quê hương. Ðược các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2017. Ðến nay, 20 xã, thị trấn của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, sớm một năm so mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện đề ra.

Những ngày này, không khí đón Giáng sinh ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), nơi có hơn 47% số đồng bào theo đạo Công giáo, cũng rất đông vui. Nhiều giáo dân cho biết, không khí Giáng sinh năm nay vui hơn những năm trước bởi huyện Kim Sơn vừa đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước thời hạn hai năm và là một trong những huyện đầu tiên của cả nước được công nhận huyện nông thôn mới theo bộ tiêu chí của giai đoạn 2021-2025 với yêu cầu và chất lượng cao hơn.

Về xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn, chúng tôi được Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vũ Huy Nam, một cán bộ trẻ là người Công giáo đưa đi thăm và giới thiệu về sự đổi thay của quê hương. Xuân Chính được thành lập đầu năm 2020, trên cơ sở sáp nhập xã Xuân Thiện và xã Chính Tâm của huyện Kim Sơn; đồng bào theo đạo Công giáo chiếm gần 85% số dân. Là xã thuần nông, xa trung tâm huyện, nhưng nhờ sự chung sức, đồng lòng của cán bộ và nhân dân, xã đã thực hiện thành công chương trình nông thôn mới; trong đó, nhân dân đã đóng góp hơn 91 tỷ đồng, bằng gần 40% tổng số nguồn lực xây dựng nông thôn mới của xã. Ðến nay, kinh tế-xã hội của xã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, nhiều hộ gia đình có nhà cao tầng; đường giao thông kiên cố, thông thoáng, sạch, đẹp; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%, thu nhập bình quân người dân đạt hơn 50 triệu đồng/năm.

Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo

Thực tế quá trình xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh Nam Ðịnh, Ninh Bình cho thấy vai trò rất lớn của các chức sắc tôn giáo và đồng bào theo đạo Công giáo khi đồng hành, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi rõ rệt diện mạo, đời sống nông dân tại khu vực nông thôn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Phương Phạm Xuân Vũ cho biết, từ năm 2020 đến nay, các giáo dân đã đóng góp khoảng 500 ngày công lao động vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan; tự nguyện góp hàng tỷ đồng để lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên các trục đường; trồng các tuyến đường hoa; mua hơn 1.300 cặp thùng phân loại rác thải, xây dựng, chỉnh trang nhà văn hóa và khu thể thao xóm...

Ðể bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, từ cuối năm 2022, xã xây dựng mô hình "Chức sắc tôn giáo tham gia bảo vệ an ninh, trật tự", mời bốn vị đứng đầu ban hành giáo của một giáo xứ và ba giáo họ thường xuyên tham gia họp, trao đổi cùng lực lượng công an như một tổ công tác mở rộng. Khi phát sinh vụ việc có nguy cơ dẫn đến mất an ninh, trật tự, các vị chức sắc nhanh chóng nắm bắt, ban hành giáo lập tức vào cuộc với sự trợ giúp, hướng dẫn của công an xã. Sau một năm thực hiện, mô hình này đã phát huy hiệu quả rất tốt, số vụ vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự tại địa phương được kéo giảm rõ rệt so với năm 2022.

Ðể có sự đồng thuận, chung tay đóng góp quê hương của đồng bào Công giáo, chính quyền xã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giữ mối quan hệ khăng khít với những người đứng đầu giáo xứ, giáo họ, từ đó phát huy tốt vai trò của các linh mục, chức sắc, chức việc. Giáo dân thấm nhuần tinh thần "kính Chúa, yêu nước", "sống tốt đời, đẹp đạo", nỗ lực góp sức vì công việc chung qua lời rao giảng, răn dạy từ các linh mục.

Linh mục Giuse Phạm Quang Vinh, Linh mục chánh xứ Giáo xứ Phú Nhai cho biết, thực hiện lời răn "Người Công giáo tốt phải là người công dân tốt", mọi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ở giáo xứ không tách rời hoạt động chung của xã hội. Hằng năm, giáo xứ đều tổ chức dịp lễ lớn, với sự tham dự của khoảng 30.000 giáo dân và được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ. Linh mục luôn răn dạy giáo dân hướng đến sự lương thiện, bác ái, nỗ lực làm tốt bổn phận của mình và góp sức vào các phong trào xây dựng, phát triển quê hương.

Linh mục Trần Công Hoan, Chính xứ Xuân Hồi (xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn, Ninh Bình), người vừa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn khen thưởng vì những đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, chia sẻ "bí quyết" vận động giáo dân là thật gần với giáo dân, phối hợp tốt với chính quyền địa phương để hướng đến mục tiêu làm cho cuộc sống của giáo dân ngày càng hạnh phúc.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt, đời đẹp đạo" ở tỉnh Ninh Bình ghi nhận nhiều điển hình tiên tiến là người Công giáo. Tiêu biểu như đảng viên Phạm Văn Nghiễm, một người theo đạo Công giáo, hiện là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tây Lãng Nội (xã Gia Lập, huyện Gia Viễn). Ông Nghiễm tích cực đi đầu, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp ủng hộ hơn 5 tỷ đồng để xây dựng khu trung tâm văn hóa thôn; vận động nhân dân đóng góp hơn 500 triệu đồng để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông trong thôn, xóm... Ðến nay, tất cả đường giao thông trong thôn được bê-tông hóa; gần 90% số hộ gia đình có nhà mái bằng, nhà cao tầng kiên cố; mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt hơn 75 triệu đồng/năm; thôn Tây Lãng Nội đã được công nhận là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình Lê Văn Kiên cho biết, đến nay, tất cả huyện, thành phố của Ninh Bình đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó có gần 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gần 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh đang tập trung hoàn thành các tiêu chí tỉnh nông thôn mới trong năm 2024. Mấu chốt thành công trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh là thực hiện có hiệu quả các giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực, hiệu quả của toàn thể nhân dân, trong đó có sự đóng góp đáng kể của các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo trên địa bàn.

Theo nhandan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com