Tạo điều kiện cho học sinh thuộc diện hòa nhập phát triển tốt

09:10, 10/11/2023

Trẻ em bị khuyết tật, kém may mắn về thể chất, tinh thần là đối tượng yếu thế luôn cần sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng và xã hội. Thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều năm qua, việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, giúp các em hòa nhập với cộng đồng.

Em Bùi Xuân Phúc, học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Nam Dương (Nam Trực) bị khuyết tật bẩm sinh nhưng đã vươn lên trở thành học sinh giỏi.
Em Bùi Xuân Phúc, học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Nam Dương (Nam Trực) bị khuyết tật bẩm sinh nhưng đã vươn lên trở thành học sinh giỏi.

Em Trần Trường Giang, học sinh lớp 1B Trường Tiểu học Nam Dương (Nam Trực) không may bị khuyết tật dạng tăng động. Năm nay là năm học đầu tiên của em tại trường với bao bỡ ngỡ nhưng luôn nhận được sự quan tâm của thầy, cô giáo và bạn bè giúp đỡ trong cuộc sống cũng như trong quá trình học tập. Hiện tại em được thụ hưởng chính sách của Nhà nước đối với trẻ khuyết tật và được đến trường như bao trẻ em bình thường khác. Em Bùi Xuân Phúc, học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Nam Dương lại bị mắc bệnh xương thủy tinh từ nhỏ nên không thể đi lại được. Mọi sinh hoạt cá nhân của em đều phải phụ thuộc vào mẹ. Khi học tập tại Trường Tiểu học Nam Dương, bố mẹ em đã xin phép nhà trường trang bị riêng em một bộ bàn ghế riêng phù hợp với hình thể. Được các thầy, cô giáo, bạn bè quan tâm, động viên, em đã vượt lên mặc cảm để nỗ lực vươn lên trở thành học sinh giỏi, tích cực tham gia các kỳ thi của trường và của huyện. Trong đó, năm học 2021-2022 và 2022-2023 em tham gia kỳ thi viết chữ đúng và đẹp cấp huyện và đã đoạt giải Khuyến khích. Cũng trong 2 năm học này, Phúc tham dự kỳ thi hùng biện tiếng Anh cấp huyện và đều đã đoạt giải Nhất. Thầy giáo Vũ Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Dương cho biết: “Năm học 2023-2024, trường có 5 em học sinh khuyết tật. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch, tạo điều kiện cho các em về chỗ ngồi, thầy cô và bạn bè quan tâm giúp đỡ trong học tập, vui chơi. Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật luôn kiên trì giáo dục, dành tình cảm đặc biệt để các em được phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng”.

Trong kế hoạch mỗi năm học, công tác giáo dục hòa nhập học sinh luôn được các nhà trường coi trọng, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách đối với trẻ khuyết tật, quy định về giáo dục hòa nhập cho người tàn tật, khuyết tật đối với phụ huynh, học sinh; huy động xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đặc thù phục vụ giáo dục hòa nhập và huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường, bảo đảm học sinh khuyết tật học hoà nhập có hồ sơ quản lý theo quy định. Hàng năm, toàn tỉnh huy động được hàng trăm học sinh khuyết tật học hòa nhập ở các cấp học. Tùy thuộc vào mức độ, dạng khuyết tật, các em đã được động viên tích cực để tham gia học hòa nhập tại các trường học. Do đó, trẻ khuyết tật ở các dạng khác nhau như: thể vận động, trí tuệ, khiếm thính, thị lực hạn chế… đều được đến trường, trong đó có nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo. Các nhà trường có học sinh khuyết tật đã trang bị cho giáo viên tham gia giảng dạy trẻ những kiến thức cơ bản, hỗ trợ về phương tiện giảng dạy, điều chỉnh chương trình, đặc biệt là kỹ năng giảng dạy để giúp học sinh hòa nhập phát triển hết khả năng của mình. Các em đến trường được miễn một số môn học hoặc giảm nhẹ yêu cầu môn học, hoạt động giáo dục do tình trạng khuyết tật gây nên; được bố trí chỗ ngồi thuận lợi cho việc học, tiếp thu bài giảng, giúp các em tham gia nhiều hoạt động cùng bạn học. Vào các ngày lễ, dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6)… các em còn được tặng quà, qua đó động viên các em vượt qua mặc cảm để hòa nhập và vươn lên trong học tập và rèn luyện để đạt kết quả tốt.

Các nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn, hỗ trợ cha mẹ và học sinh khuyết tật các vấn đề liên quan trong hoạt động hàng ngày và quá trình học tập. Do chương trình giáo dục trong trường phổ thông hiện nay chưa có riêng một chương trình cho học sinh thuộc diện giáo dục hòa nhập nên các nhà trường đã chủ động giao cho các giáo viên có kinh nghiệm, có kỹ năng tiếp cận và giáo dục học sinh thuộc các thể khuyết tật. Các nhà trường chỉ đạo giáo viên các bộ môn có học sinh vẫn có thể thực hiện kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định, nhưng cho làm đề riêng hoặc đánh giá theo các hình thức khác, số lượng bài trong các lần kiểm tra thường ít hơn so với các bài kiểm tra của học sinh bình thường. Bên cạnh đó, tại các nhà trường nơi có các trường hợp học sinh thuộc diện giáo dục hòa nhập học tập đã thực hiện tốt các quy trình, như: điều tra, xây dựng kế hoạch và cử cán bộ, giáo viên vận động học sinh khuyết tật trong độ tuổi đến trường. Trong từng lớp có học sinh khuyết tật hoà nhập đã thành lập các nhóm bạn học để có điều kiện giúp đỡ các em trong sinh hoạt cũng như trong học tập. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền giáo dục học sinh của các trường về lòng yêu thương và giúp đỡ người khuyết tật, xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập an toàn, chất lượng và hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật.

Tuy nhiên hiện nay công tác giáo dục hòa nhập trong nhà trường còn gặp khá nhiều khó khăn do tâm lý học sinh khuyết tật hay mặc cảm, tự ti; cơ sở vật chất và trang thiết bị đặc thù phục vụ cho giáo dục hòa nhập chưa đáp ứng yêu cầu học tập và vận động của học sinh khuyết tật. Nhiều trường hợp trẻ đến trường nhưng khả năng nhận thức kém, quá hiếu động hoặc khả năng nghe kém… đã gây khó khăn cho giáo viên tham gia giảng dạy. Trong khi đó đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản về giáo dục hòa nhập cũng như kỹ năng giao tiếp, phương pháp dạy học và kèm cặp, giúp đỡ học sinh khuyết tật. Việc thiếu thốn về trang thiết bị chuyên biệt hỗ trợ các em trong quá trình học tập, hòa nhập cũng là một khó khăn không nhỏ đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh còn có tâm lý sợ con bị kỳ thị nên không hợp tác lập hồ sơ xác nhận trẻ khuyết tật dẫn đến rất khó cho nhà trường trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

Tiếp tục giúp cho các em học sinh khuyết tật được đến trường học tập, được giáo dục kỹ năng sống, từng bước xóa bỏ đi mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng, các nhà trường, gia đình cần phải có những cố gắng, nỗ lực, tích cực hơn nữa qua đó đưa chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật thật sự đạt được những kết quả như mong muốn./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 


Từ khóa:

học sinh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com