Nỗi lo quà vặt cổng trường

07:45, 10/11/2023

Quanh khu vực nhiều trường học ở thành phố Nam Định, không khó để bắt gặp những gánh hàng rong, xe đẩy, hàng quán bày bán đủ các món ăn vặt từ thịt xiên nướng, xúc xích, viên tôm, viên bò, viên gà, viên cá, viên phô mai, bánh tráng, bánh ngô, khoai chiên, kem, kẹo mút, kẹo viên… đến các loại đồ uống đóng chai đủ sắc màu, rất bắt mắt, thu hút, kích thích nhiều học sinh mua để ăn uống. 

Quà vặt được bày bán tràn lan luôn hấp dẫn học sinh mỗi giờ tan học.
Quà vặt được bày bán tràn lan luôn hấp dẫn học sinh mỗi giờ tan học.

Ngày nào cũng vậy, trước và sau giờ học gần chục hàng quà vặt đông nghịt học sinh đứng vòng trong, vòng ngoài chờ mua khiến cho con phố Tô Hiến Thành, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) đã chật hẹp lại càng thêm đông đúc, giao thông thường xuyên bị ách tắc. Cầm trên tay một nắm đồ ăn gồm kẹo dẻo, ô mai, gà cay, thịt hổ và nước ngọt, kem que… một bé gái nhễ nhại mồ hôi, quần áo, tóc tai xộc xệch mang ra chia cho các bạn đang đứng đợi bên đường cùng ăn với vẻ mặt hồ hởi. Cách đó vài bước chân, từng nhóm học sinh túm năm, tụm ba ở hàng đồ ăn nhanh với thực đơn đa dạng như nem chua rán, bánh bao chiên, xúc xích, chả mực, chả cá, thịt viên chiên… Em Nguyễn Như Thảo, học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: “Em và các bạn rất thích những món quà vặt bán ngoài cổng trường. Trong lúc chờ bố mẹ đến đón, chúng em thường rủ nhau ăn xúc xích, nem chua rán hay bánh tráng trộn. Giá bán của đồ ăn vặt từ 2 đến 15 nghìn đồng/món nên em thường bớt một chút trong quỹ tiền bố mẹ cho để ăn sáng mỗi ngày để mua. Em thích nhất là những hôm đi học vội vàng, không kịp ăn sáng thì sau giờ tan học sẽ có nhiều tiền, tha hồ mua quà vặt ngay tại cổng trường”.

Để hiểu rõ hơn về quy trình làm ra những món quà vặt được nhiều học sinh yêu thích, chúng tôi ghé vào quán ăn vặt ở một số điểm trường quanh thành phố. Trên chiếc bàn nhựa hoặc chiếc xe đẩy ngoài vỉa hè được để thập cẩm các loại đồ ăn, thức uống, sống, chín lẫn lộn; bếp ga, bếp từ dùng để rán, hấp đồ ăn và đủ các loại gia vị đi kèm như tương cà, tương ớt, xì dầu, sốt mayonnaise… Bên cạnh đó nào hoa quả sấy khô, kẹo ngậm, kẹo nổ, thạch, thịt hổ, mì cay, mì Thái… Chủ hàng lúi húi chế biến với đôi bàn tay trần thoăn thoắt vừa bật bếp, đổ mỡ rán vào chảo, vừa cầm thức ăn để chiên và cũng bàn tay đó gói đồ ăn, thu tiền, nhặt que xiên, giấy ăn, túi nilon vương vãi dưới mặt đất bỏ vào thùng rác… Cách đó không xa, Trường Tiểu học Trần Văn Lan nằm ngay trong khu dân cư và chợ dân sinh nên mật độ hàng quà vặt bao phủ càng nhiều hơn. Suốt dọc con đường hai bên cổng trường có đến hàng chục hàng quán từ đồ đóng gói sẵn như bánh, kẹo, ô mai, nước ngọt, thạch, bim bim đến đồ chế biến tại chỗ như bánh mỳ, xôi thập cẩm, bánh rán, chả bì, nem chua rán, kem bông, kem que... cứ “chen chân” tràn hết xuống lòng đường bụi bặm đông người qua lại, không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cổng các trường tiểu học: Kim Đồng, Hùng Vường, Trần Bích San, Hồ Tùng Mậu... đều có chung cảnh đó. Điều đáng nói, những món quà vặt mà học sinh, nhất là học sinh tiểu học vẫn thường ăn, phần lớn không rõ xuất xứ. Các loại bánh, kẹo bao gói sẵn đều có màu sắc lòe loẹt, bao bì in hình những nhân vật hoạt hình quen thuộc với các em nhỏ và các hình ảnh ngộ nghĩnh với đủ các vị chua, ngọt, cay, mặn. Mới chỉ nhìn qua cũng biết đó là những đồ ăn kém chất lượng và tiềm ẩn mối nguy hại về sức khỏe đối với lứa tuổi học trò. Đó là chưa tính đến việc lẩn khuất trong vô vàn túi bánh, kẹo, thạch xanh, đỏ kia lại có cả loại có hòa trộn ma túy hay tinh dầu thơm, thuốc lá điện tử trá hình gây kích thích thần kinh như trên các phương tiện truyền thông đã từng cảnh báo mà chính người bán, người mua cũng không biết đến. Vậy nhưng khi được hỏi đến vấn đề nguồn gốc sản phẩm thì người bán hàng chỉ ậm ừ không biết, hoặc chép miệng nói “đồ ăn vặt của học sinh không trọng chất lượng mà phải rẻ, đẹp, hợp trào lưu. Nếu như mang bánh ngọt cao cấp, thịt gà, thịt lợn cả tảng ra đây có bán rẻ cũng không em nào mua bởi ở nhà sẵn có, hương vị không hấp dẫn. Nhưng tại thời điểm này “xiên bẩn” giá vài nghìn đồng thì nhiều em thích nên phải lựa theo xu hướng, từng thời điểm, chợ đầu mối có sao, chúng tôi mua vậy, không mấy khi quan tâm tới xuất xứ hay tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”.

Nhằm ngăn chặn tình trạng quà vặt cổng trường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sức khỏe, thói quen tiêu dùng và nhân cách của con trẻ, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, lý giải cặn kẽ để trẻ hiểu những tác hại từ hàng rong để trẻ sẵn sàng từ bỏ thói quen xấu của mình. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền các hàng quán lân cận trường học nghiêm túc thực hiện nội dung không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe học sinh. Duy trì mô hình “Cổng trường học đảm bảo an toàn giao thông” để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hàng quán bán rong ngoài cổng trường và tuyên truyền, nhắc nhở tới các em học sinh, phụ huynh không nên cho con ăn quà vặt ngoài cổng trường.

Tâm lý học sinh vốn rất tò mò và bị thu hút trước những món quà vặt được bày bán với màu sắc hấp dẫn; trong khi đó các hàng quà vặt bán ngoài phạm vi cổng trường, trong nhà dân gần khu vực trường học và cả hình thức lưu động chỉ xuất hiện chớp nhoáng vào thời điểm trước và sau giờ tan học nên rất khó kiểm soát; một số cha, mẹ học sinh tặc lưỡi cho qua để chiều chuộng, động viên tinh thần con trẻ sau mỗi buổi học nên các quán hàng quà vặt cổng trường ngày càng phát triển; dẫn tới sức khỏe, ý thức sử dụng đồng tiền của con trẻ là bị thờ ơ gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Do đó ngoài giải pháp trên, để hạn chế tối đa nạn mua bán, sử dụng quà vặt không an toàn quanh khu vực trường học, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thị trường, ngành y tế cần có sự vào cuộc trong việc kiểm soát chất lượng của những đồ ăn này, để học sinh tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng như những hệ lụy nguy hiểm khác. Mỗi học sinh, phụ huynh cần nâng cao nhận thức, không thể coi ăn quà vặt ngoài cổng trường là chuyện vặt, góp phần bảo vệ sức khỏe của con em mình./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



Quà tặng quảng cáo Giá Glenlivet Founder'S Reserve chính hãngNhững món quà Tết 2025 ý nghĩa nhấtCông ty quà tặng doanh nghiệp grand cruIn Nhanh Vinpro vuainnhanh.com

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com