" Biến rác thành tiền" - mô hình hiệu quả trong bảo vệ môi trường

09:13, 10/11/2023

Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường thiết thực, hiệu quả. Trong đó, mô hình “Biến rác thành tiền” không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo thêm nguồn quỹ hỗ trợ, động viên hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Hội viên phụ nữ xã Hải Cường (Hải Hậu) vận chuyển phế liệu về các điểm tập kết để đem bán tạo nguồn quỹ Hội.
Hội viên phụ nữ xã Hải Cường (Hải Hậu) vận chuyển phế liệu về các điểm tập kết để đem bán tạo nguồn quỹ Hội.

Nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, hội viên và nhân dân trong việc tự giác phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình, từ năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội thành lập mô hình “Biến rác thành tiền” phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đưa các chỉ tiêu của mô hình là một trong những nội dung đánh giá xếp loại thi đua hàng năm; hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ tại các Hội cơ sở phân loại và thu gom rác thải. Căn cứ trên số lượng rác thu gom được, các chi hội sẽ chọn thời điểm xuất bán, tạo nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động an sinh xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 268 mô hình “Biến rác thành tiền” ở 268 chi hội, thu hút 7.673 hội viên phụ nữ tham gia. Trung bình hàng tháng, từ số tiền bán rác mỗi chi hội thu về từ 100-200 nghìn đồng. Từ số tiền thu được, các cấp Hội có thêm nguồn kinh phí để triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, nhân văn như: thăm, tặng quà cho hội viên phụ nữ nghèo, các đối tượng yếu thế; trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn… Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Mô hình triển khai đã góp phần làm thay đổi ý thức cán bộ, hội viên và người dân trong “ứng xử với rác”. Nhiều hộ gia đình đã chủ động và tình nguyện tham gia thực hiện phân loại rác thải. Thông điệp “Rác là một tài nguyên” dần đi vào nhận thức của đông đảo hội viên phụ nữ và người dân. Việc phân loại rác đi đôi với truyền thông phòng, chống rác thải nhựa cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần của chị em nói riêng, người dân nói chung”.

Đặc biệt, từ việc triển khai mô hình còn xuất hiện nhiều cơ sở Hội có cách làm hay, sáng tạo, thiết thực. Nhận thấy ý nghĩa tích cực của mô hình, Hội LHPN xã Hải Cường (Hải Hậu) đã chọn chi hội 8 làm điểm, sau đó nhân ra toàn xã. Mô hình được thành lập đã nhanh chóng thu hút được đông đảo hội viên tham gia phân loại rác thải thành 3 loại: rác vô cơ không tái chế, rác vô cơ tái chế và rác hữu cơ. Đối với rác vô cơ không tái chế, cán bộ Hội tuyên truyền chị em để vào đúng nơi quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho đội thu gom rác của xã đưa ra lò đốt. Đối với rác hữu cơ, chị em sẽ xử lý tại nhà bằng các hố rác có nắp đậy. Đối với rác vô cơ tái chế (vỏ lon, chai nhựa, giấy, bìa cứng...), hội viên sẽ tự thu gom, chọn 1 ngày trong tháng đưa ra nhà văn hóa xóm, Ban quản lý nhóm sẽ chịu trách nhiệm nhận và bán lấy tiền gây quỹ. Quá trình thu gom, vận chuyển phế liệu ra nhà văn hoá, chị em không dùng túi nilon mà thay thế bằng làn nhựa, bao tải, hạn chế thải rác thải nhựa ra môi trường. Chị Phạm Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Cường cho biết: “Thời gian đầu, khi triển khai mô hình “Biến rác thành tiền” chúng tôi cũng gặp một số khó khăn trong tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia. Một số người thân trong gia đình hội viên tỏ ra “khó chịu” bởi việc phân loại, thu gom các loại rác mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, “mưa dầm thấm lâu”, với sự kiên trì vận động, tuyên truyền của các trưởng nhóm cũng như cán bộ Hội, người dân nói chung, hội viên phụ nữ trong xã nói riêng đã hiểu được ý nghĩa của mô hình và tích cực tham gia. Đến nay, việc phân loại và thu gom rác tái chế đã thành thói quen của mỗi hội viên phụ nữ trong xã”. Chỉ sau hơn một tháng triển khai mô hình “Biến rác thành tiền”, các chi Hội Phụ nữ trong xã đã vận động được 270 hộ gia đình hội viên đóng góp 685kg phế liệu, thu được số tiền 1,6 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, Hội LHPN xã đã tặng 3 suất quà cho hội viên và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Hiện 34/34 xã, thị trấn huyện Hải Hậu đều đã ra mắt mô hình “Biến rác thành tiền”. Tại huyện Mỹ Lộc, nhằm mục đích giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo thêm nguồn quỹ để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, tháng 5-2023, Hội LHPN xã Mỹ Phúc đã chọn chi hội Bảo Lộc để triển khai thành lập mô hình điểm “Biến rác thành tiền”. Triển khai mô hình, ngoài tuyên truyền các văn bản pháp luật bảo vệ môi trường và thực trạng môi trường hiện nay; hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ nhận biết, phân loại rác thải đảm bảo đúng quy định, Hội Phụ nữ xã còn vận động hội viên thu gom các loại phế liệu vỏ lon bia, vỏ chai nhựa, túi nilon, giấy, báo… định kỳ 1-2 lần/tháng tập kết về nhà văn hoá xóm để bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Trung bình hàng tháng từ nguồn quỹ bán phế liệu, chi Hội Phụ nữ Bảo Lộc thu được từ 100-250 nghìn đồng. Số tiền này dùng để thăm hỏi chị em phụ nữ ốm đau, bệnh tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn trong chi hội, hoặc giúp vốn cho chị em có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ: “Tuy số tiền tích lũy chưa lớn nhưng thông qua mô hình, chị em phụ nữ trong chi hội hình thành được thói quen tiết kiệm và quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao”.

Sau gần 1 năm Hội LHPN các cấp triển khai thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền” cho thấy tính hiệu quả, khả thi cao, góp phần giảm lượng rác thải tại các điểm tập kết rác, tiết kiệm chi phí cho việc xử lý rác thải, có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động xã hội của Hội. Quá trình triển khai mô hình còn giúp thu hút, tập hợp và phát triển hội viên. Từ ý nghĩa thiết thực của mô hình, thời gian tới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục duy trì, thực hiện mô hình tạo thành phong trào chung mang tính đặc thù của Hội. Đặc biệt, duy trì và mở rộng đa dạng hóa các sản phẩm của gian hàng sinh thái được làm từ vật liệu tái chế tại các kỳ Hội chợ OCOP của tỉnh./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com