Đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học

08:54, 23/10/2023

Trong các nội dung quan điểm của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng về giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) có một nội dung quan trọng góp phần “nâng chất” cho hoạt động này là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD và ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học”.

Phần thi của học sinh Trường Tiểu học Nam Vân (thành phố Nam Định) tại Hội thi Kể chuyện Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Phần thi của học sinh Trường Tiểu học Nam Vân (thành phố Nam Định) tại Hội thi "Kể chuyện Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh" do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Theo đó tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch chỉ đạo tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV). Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với ngành GD và ĐT xây dựng kế hoạch, đề cương, tổ chức bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục (CSGD); tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các CSGD, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ngành GD và ĐT đã chú trọng tích hợp, lồng ghép nội dung thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh thực hiện công tác tư vấn tâm lý và tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh đối với học sinh cuối cấp bằng nhiều hoạt động phù hợp. Tổ chức các cuộc thi, hội thi như cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; khuyến khích học sinh tham gia các hội thi như: Hội thi An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ, vẽ tranh về an toàn giao thông; Viết chữ đúng đẹp, Trạng nguyên Tiếng Việt... nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục cho học sinh phổ thông. Xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục lành mạnh ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường trong HSSV. Đến nay, 100% các CSGD đã xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong HSSV.

Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, các CSGD đã tăng cường sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, nhất là đối với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh, đảm bảo sát đối tượng. Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng. Việc đổi mới phương pháp dạy học thực hiện ở tất cả các môn học, hoạt động giáo dục. Môn Lịch sử tăng cường khai thác và sử dụng nhiều nguồn sử liệu để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực, gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn; môn Ngữ văn dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận, tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; tổ chức dạy học các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ) theo tinh thần dạy học liên môn; xây dựng và dạy học các chủ đề STEM với nội dung bám sát nội dung chương trình của các môn học, học sinh được chủ động nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu học tập để tiếp nhận và vận dụng kiến thức thông qua các hoạt động. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các câu lạc bộ (CLB) môn học, thể thao, nghệ thuật, trải nghiệm, hướng nghiệp dạy nghề thông qua mô hình giáo dục STEM ngày càng phát triển phong phú như: Các CLB tiếng Anh, Toán, tiếng Việt, Lịch sử, Khoa học, các hoạt động múa hát, dân vũ, võ nhạc, mỹ thuật, bóng bàn, cờ vua, chữ đẹp...; đa dạng các triển lãm tranh, triển lãm đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên và các sản phẩm STEM của học sinh; tổ chức Ngày hội STEM “Khơi nguồn đam mê sáng tạo”; Ngày hội tiếng Anh; triển khai các cuộc thi, sân chơi do Bộ GD và ĐT và Sở GD và ĐT phát động: Sân chơi Ý tưởng trẻ thơ; Thi Vẽ tranh chiếc ô tô mơ ước, thi giới thiệu sách, “Mở sách - mở thế giới”, tổ chức Ngày hội sách, “Dự án sống xanh”, thi “Rung chuông vàng”, thi “Trạng nguyên tiếng Việt”, ngày Hội trăng rằm, Hội xuân; hành trang vào lớp 1, kỹ năng tham gia giao thông an toàn... Hoạt động tham gia nghiên cứu khoa học của học sinh đẩy mạnh, đạt được nhiều thành tích nổi bật. Từ năm 2013 đến nay, đã có 436/728 đề tài, sáng kiến khoa học kỹ thuật của học sinh THPT, THCS dự thi cấp tỉnh đạt giải; có 38/39 đề tài dự thi cấp quốc gia đạt giải; một số đề tài đoạt giải quốc tế.

Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp, dạy ngoại ngữ, tin học được thực hiện theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, đảm bảo năng lực sử dụng của người học. Chất lượng dạy học ngoại ngữ được nâng cao, đã triển khai dạy tiếng Anh tại 100% các trường tiểu học, THCS và THPT trong toàn tỉnh; triển khai hiệu quả Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Đề án Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020; Đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026.
Việc xây dựng chương trình theo hướng tinh giản nội dung; phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn được thực hiện hiệu quả. Các CSGD mầm non đã tích cực đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục; bước đầu áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới phù hợp với thực tiễn địa phương. Các CSGD tiểu học được giao quyền chủ động trong xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng tăng cường các hoạt động thực hành, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường. Tại cấp trung học, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, hàng năm ngành GD và ĐT đã rà soát nội dung sách giáo khoa hiện hành, tinh giản nội dung vượt quá mức độ cần đạt theo chuẩn kiến thức kỹ năng; lược bớt nội dung trùng lặp; cập nhật, bổ sung nội dung mới phù hợp; lựa chọn các chủ đề, rà soát các bài học có liên quan tương ứng với các chủ đề, sắp xếp lại thành bài học tích hợp. Các trường chuyên nghiệp tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, gắn trách nhiệm của nhà trường với xã hội; mở các khóa đào tạo kỹ năng ngắn hạn và cấp chứng chỉ cho người học gắn với việc làm và thu nhập.
Việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD và ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề để phát triển con người toàn diện trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com