Cần có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

08:36, 20/10/2023

Hiện nay, Nam Định cũng như nhiều địa phương trên cả nước đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học. Nguyên nhân thiếu giáo viên do biên chế những năm qua không tăng, trong khi quy mô học sinh, khối lớp tiếp tục tăng, giáo viên mỗi năm đều có số lượng nhất định về nghỉ chế độ. Trước thực tế này, tỉnh và ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác giảng dạy ở các nhà trường.

Một tiết đọc sách tại Thư viện trường của cô và trò Trường Tiểu học Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng).
Một tiết đọc sách tại Thư viện trường của cô và trò Trường Tiểu học Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng).

Năm học mới này, toàn tỉnh có 740 cơ sở giáo dục (CSGD) của các cấp học từ mầm non đến THPT với hơn 460 nghìn học sinh. Qua rà soát đội ngũ cho thấy, cấp mầm non thiếu khá nhiều giáo viên; cấp tiểu học với 227 trường, 4.839 lớp học, số giáo viên hiện có là 6.229 người, thiếu 1.029 giáo viên (tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp); khối THCS có 226 lớp, 3.033 lớp học, số giáo viên hiện có là 5.515 người, thiếu 247 giáo viên (tỷ lệ 1,9 giáo viên/lớp); khối THPT có 57 trường với tổng số 1.392 lớp học, số giáo viên hiện có là 2.874 người, thiếu 257 giáo viên (tỷ lệ 2,25 giáo viên/lớp). 

Căn cứ số lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, dự báo nhu cầu nhân lực đáp ứng việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 giai đoạn 2021-2025, ngành GD và ĐT đã xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh; trong đó nhu cầu bổ sung năm 2026 là 687 giáo viên, năm 2027 là 599 giáo viên, năm 2028 là 583 giáo viên, năm 2029 là 556 giáo viên. Để thực hiện Chương trình GDPT 2018 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hàng năm, Sở GD và ĐT tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, đồng thời tham mưu với tỉnh và phối hợp các địa phương, đơn vị trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, hợp đồng lao động. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở GD và ĐT tổ chức tuyển dụng viên chức vào các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở; Sở GD và ĐT giao thủ trưởng các đơn vị trực thuộc ký hợp đồng lao động đối với các đối tượng được tuyển dụng. UBND cấp huyện tổ chức tuyển dụng đối với giáo viên cấp THCS, tiểu học và mầm non. Việc sử dụng đội ngũ giáo viên tại các CSGD đảm bảo phù hợp yêu cầu và điều kiện thực tiễn của các đơn vị.

Về bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018: Đối với các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương, tỉnh chỉ đạo các CSGD bố trí cán bộ quản lý, giáo viên dạy theo các nội dung, chuyên đề, chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Môn Khoa học tự nhiên dạy theo logic của các chuyên đề, bố trí các giáo viên có chuyên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy các chuyên đề phù hợp với năng lực được đào tạo; môn Lịch sử - Địa lý bố trí giáo viên Lịch sử dạy phân môn Lịch sử, giáo viên Địa lý dạy phân môn Địa lý. 

Căn cứ số lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo hiện có và dự báo nhu cầu cho thấy: Cấp mầm non, tiểu học vẫn thiếu nhiều giáo viên, trong khi việc tuyển dụng gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển có trình độ đại học trở lên. Ở các huyện lại có trường thừa, trường thiếu cục bộ nên khó khăn trong việc điều chuyển cũng như thực hiện chi trả tính tiền thừa/thiếu giờ của giáo viên. Thiếu giáo viên có khả năng dạy các môn học mới (liên môn) như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp do giáo viên dạy các môn này chưa được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức theo Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT, 2454/QĐ-BGDĐT, 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21-7-2021 của Bộ GD và ĐT; việc phải bố trí 2-3 giáo viên dạy các môn học này gây khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, đánh giá học sinh và xếp thời khóa biểu. Cấp THPT chưa có giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật. Mặt khác, quá trình đào tạo giáo viên để dạy các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý… yêu cầu có lộ trình, thời gian trong khi các giáo viên vừa phải dạy, vừa đi đào tạo, bồi dưỡng nên gặp khó khăn trong việc triển khai. 

Để khắc phục các khó khăn này, đảm bảo chất lượng, số lượng đội ngũ, ngành GD và ĐT tỉnh đã chỉ đạo rà soát đội ngũ giáo viên của các đơn vị trực thuộc, từ đó đề xuất nhu cầu của đơn vị để thực hiện việc điều động, biệt phái giáo viên; trình phương án tuyển dụng giáo viên, nhân viên; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Năm học 2022-2023, đã hoàn thành đào tạo nâng chuẩn trình độ cao đẳng đối với 37 giáo viên mầm non; liên kết mở lớp nâng trình độ chuẩn cho giáo viên tiểu học, THCS từ cao đẳng lên đại học cho 382 người, thuộc các ngành: Giáo dục tiểu học 247 người; Sư phạm Mỹ thuật 27 người; Sư phạm Tin học 31 người; Giáo dục thể chất 39 người; Sư phạm Tiếng Anh 38 người. Đến nay, tỷ lệ đạt chuẩn trình độ đào tạo ở cấp học mầm non là 92,5%, cấp tiểu học 72,43%, cấp THCS đạt 86,3%, cấp THPT đạt 99,96%.

Bên cạnh đó, ngành chỉ đạo các CSGD xây dựng kế hoạch giáo dục hợp lý để giảm áp lực về nhân lực; chủ động, linh hoạt sắp xếp giáo viên sao cho phù hợp thực tiễn và đảm bảo chất lượng. Hiện nay, một số địa phương đã có giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên tại địa bàn, như huy động nhân lực hợp đồng từ giáo viên trẻ mới ra trường chưa được biên chế và giáo viên đã về hưu nhưng vẫn đủ sức khỏe và năng lực, nhằm đảm bảo công tác dạy và học ở các trường khi năm học mới bắt đầu. 

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, huyện Giao Thủy đã điều động giáo viên từ xã thừa sang xã thiếu, từ trường THCS xuống trường tiểu học ở các môn như Tiếng Anh, Thể dục; đồng thời chuẩn bị thực hiện việc tuyển dụng giáo viên trong tháng 11-2023. Trong đó, cấp học mầm non sẽ tuyển 75 giáo viên; cấp tiểu học tuyển 40 giáo viên các môn văn hóa, 12 giáo viên tiếng Anh, 6 giáo viên Thể dục. Số giáo viên được tuyển trên cơ bản khắc phục tình trạng thiếu giáo viên của huyện hiện nay. Tại huyện Nghĩa Hưng, cũng kết hợp các giải pháp ký hợp đồng giải quyết khó khăn trước mắt với bố trí cho giáo viên dạy liên trường (1 giáo viên dạy 2 trường) ở các môn: Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc. Huyện cũng tuyển dụng chính thức trong tháng 11 ở các cấp: Tiểu học tuyển 45 giáo viên văn hóa, 9 giáo viên tiếng Anh, 6 giáo viên thể dục; mầm non tuyển 21 kế toán, 35 giáo viên. Các huyện: Nam Trực, Vụ Bản, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh và thành phố Nam Định cũng tuyển dụng giáo viên trong tháng 11-2023. Sở GD và ĐT cũng chuẩn bị triển khai tuyển dụng chỉ tiêu giáo viên THPT ở các môn còn thiếu.

Tuy nhiên, việc sắp xếp, điều động giáo viên như ở một số trường hiện nay nếu áp dụng trong thời gian dài sẽ khó khăn cho CSGD trong xây dựng kế hoạch, chiến lược đầu tư phát triển lâu dài của đơn vị. Biện pháp mang tính tình thế này cần sớm được khắc phục, thay bằng các giải pháp dài hơi, bền vững. Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực ngành GD và ĐT, trước mắt, cần khẩn trương có chính sách hỗ trợ, tuyển dụng giáo viên hợp lý, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn; hướng dẫn việc bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 (Tin học, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên) theo chương trình bồi dưỡng đã được phê duyệt. Bộ GD và ĐT cần có văn bản hướng dẫn để tháo gỡ các khó khăn trong việc đặt hàng đào tạo (việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu). Việc thực hiện tinh giản biên chế cần tính đến đặc thù của ngành Giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không cứng nhắc thực hiện cắt giảm biên chế cơ học theo tỷ lệ chung./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com