Từng bước phát huy đa phương thức vận tải

08:12, 14/09/2023

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về vận tải trên địa bàn tỉnh luôn được Sở GTVT triển khai thực hiện theo đúng quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân một cách thuận tiện, an toàn và nhanh chóng.

Phương tiện vận tải thủy lưu thông trên sông Ninh Cơ qua cầu phao Ninh Cường.
Bài và ảnh: Thành Trung
Phương tiện vận tải thủy lưu thông trên sông Ninh Cơ qua cầu phao Ninh Cường. 

Hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô đã từng bước đi vào nền nếp, chất lượng không ngừng được nâng lên, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa giao thương trong, ngoài tỉnh. Để thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ đóng góp nhiều hơn nữa trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở GTVT đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe, phụ xe; thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa thu hút nguồn lực cho phát triển hạ tầng vận tải, nhất là vận tải hành khách công cộng; khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường đầu tư mua sắm phương tiện xe mới, xe giường nằm chất lượng cao; đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh vận tải, trong đó nhiều ứng dụng quản lý được triển khai trong các cơ quan Nhà nước (lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, camera giám sát, phần mềm quản lý bến xe khách, hệ thống dịch vụ công trực tuyến vận tải đường bộ) đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt. Hiện nay, tất cả các phương tiện thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình. Sở GTVT đã trang bị hệ thống máy tính cấu hình cao chuyên theo dõi và xử lý dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình xe ô tô. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải, những năm qua, được sự đầu tư của Trung ương và nỗ lực huy động các nguồn lực, tỉnh đã đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cả về số tuyến, số km và các cấp đường. Hầu hết các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp mặt đường đạt tiêu chuẩn cấp cao A1, thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt.

Với 257km sông Trung ương quản lý và 268km sông địa phương với 3 cảng biển, 6 cảng sông, 130 bến thuỷ nội địa, 83 bến khách ngang sông đang hoạt động trên 4 tuyến sông chính gồm sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy; có các tuyến vận tải thủy chính của đồng bằng Bắc Bộ đi qua địa bàn như: Ba Lạt - Hà Nội (qua hệ thống sông Hồng); Lạch Giang - Hà Nội (sông Hồng, sông Ninh Cơ); Quảng Ninh - Ninh Bình (sông Đào, sông Hồng, sông Đáy); Cửa Đáy - Ninh Bình (sông Đáy), vận tải thủy đường thủy nội địa của tỉnh còn nhiều tiềm năng, đang từng bước được khai thác phát triển mạnh. Đến nay, tỉnh có khoảng 2.567 phương tiện vận tải thủy (tàu chở hàng, tàu dầu, phà chở khách ngang sông); trong đó có 960 phương tiện tàu pha sông biển, 60 tàu biển hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và trên các vùng biển quốc tế; khoảng 220 cảng, bến thủy nội địa. Năm 2022, sản lượng vận tải khách đường thủy nội địa đạt 4,564 triệu lượt khách và luân chuyển đạt 2 triệu lượt khách.km; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 17,131 triệu tấn và 13.522 triệu tấn.km.

Tỉnh cũng nằm trên cung đường sắt Bắc - Nam với 41,2km đi qua địa bàn với 6 ga hành khách và hàng hoá, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hoá thông thương giữa Nam Định và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn không ngừng được cải tạo, nâng cấp nên số lượng đơn vị vận tải hành khách, kết cấu đoàn phương tiện cũng liên tục tăng qua các năm. Những tháng đầu năm 2023, hoạt động vận tải tăng trưởng cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Vận chuyển hành khách tăng 13,1% và luân chuyển tăng 8,6% do nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao; vận tải hàng hóa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh với hàng hóa vận chuyển tăng 23,2% và luân chuyển tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vận tải hành khách đạt 706 tỷ đồng, tăng 16,4%; vận tải hàng hoá 2.784 tỷ đồng, tăng 22,1%; dịch vụ hỗ trợ vận tải 135 tỷ đồng, tăng 22,0% và bưu chính, chuyển phát 13 tỷ đồng, tăng 22,2%; vận tải hành khách đạt 11,146 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 13,1% và luân chuyển 808,629 triệu lượt khách.km, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa đạt 20,988 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 4.173 triệu tấn.km, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Để tiếp tục phát triển đồng đều các loại hình vận tải, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, trong thời gian tới, ngành GTVT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt chiến lược phát triển GTVT theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm gồm các tuyến quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, các tuyến có tính kết nối, đồng thời tiếp tục đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường tỉnh hiện có. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có mạng đường bộ gồm 3 tuyến vành đai thành phố, 4 tuyến quốc lộ và 2 tuyến đường cao tốc và 1 tuyến đường bộ ven biển, 12 tuyến đường tỉnh và các đường giao thông nông thôn với các tiêu chuẩn kỹ thuật: các tuyến cao tốc: đạt 4-6 làn xe, hạng A; các tuyến đường đô thị được xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt đảm bảo đạt quỹ đất 20-25%, trong đó giao thông tĩnh đạt 5-7%; các tuyến vành đai đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng trở lên, trải nhựa 100%; các trục hướng tâm chính và các trục quan trọng, gồm các Quốc lộ: 21, 10, 38B và các đường tỉnh 490C, 488 tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng, trải nhựa 100%; hệ thống cầu, cống trên các quốc lộ và đường tỉnh được xây dựng vĩnh cửu 100%. Hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt cấp tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt quốc gia và khu vực, dành quỹ đất phát triển xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và một ga mới tại Trình Xuyên (Vụ Bản). Đầu tư phát triển đồng bộ bến cảng và luồng vào cảng, tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới, xây dựng các cảng chuyên dùng, các cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cảng tổng hợp mới ở khu vực Hải Thịnh, Nghĩa Hưng, phục vụ Khu kinh tế Ninh Cơ và đô thị Thịnh Long. Hoàn thành nâng cấp hệ thống đường sông chính đạt cấp kỹ thuật quy định, tập trung cải tạo một số tuyến quan trọng, tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác. Đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách, xây dựng cảng Nam Định mới trên sông Hồng. Tổ chức mạng lưới vận tải đường bộ, đường thuỷ trong tỉnh tạo thành mạng lưới vận tải khoa học, thông suốt và cơ động, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com