Việc dạy ngoại ngữ, tin học tại các cơ sở giáo dục (CSGD) trong toàn tỉnh hiện đang được thực hiện theo hướng chuẩn hóa, thiết thực để đảm bảo năng lực sử dụng của người học và đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Cô và trò Trường THCS Nam Dương (Nam Trực) trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh. |
Nam Định được Bộ GD và ĐT đánh giá là địa phương có đột phá về chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học với 100% các trường tiểu học, THCS và THPT trong toàn tỉnh triển khai dạy tiếng Anh; là một trong 9 tỉnh điển hình triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (Đề án 2020); nằm trong tốp 10 tỉnh có kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh cao nhất toàn quốc. Cùng với đó, toàn ngành đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy, học và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, dạy học; xây dựng mô hình Cộng đồng giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định với hơn 700 cán bộ, giáo viên tham gia. Đến nay, ngành GD và ĐT có gần 100 lượt thầy, cô giáo đã được Microsoft toàn cầu công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIEE). Đây là những người đi đầu trong việc ứng dụng CNTT vào dạy học và quản trị nhà trường.
Có được kết quả đó, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp: Triển khai dạy tiếng Anh tại 100% các trường tiểu học, THCS và THPT; triển khai hiệu quả các đề án ngoại ngữ quốc gia như: Đề án 2020; Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2025 (Đề án 2080), Đề án Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020 (Đề án 1965); Đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026 (Đề án 1792). Tích cực phát triển mô hình dạy học tiếng Anh có hợp tác với giáo viên nước ngoài. Triển khai chương trình môn Tiếng Anh tự chọn đối với 26,06% học sinh lớp 1, 2. Thí điểm triển khai dạy tiếng Anh thông qua môn Toán và môn Khoa học ở một số trường tiểu học. Ngoài tiếng Anh, tỉnh ta tiếp tục duy trì việc dạy tiếng Nga, tiếng Pháp cho học sinh của Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Từ năm 2016, Sở GD và ĐT đã phối hợp với Hội đồng Anh để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên tiếng Anh từ cấp tiểu học đến THPT.
Năm học 2022-2023, thực hiện “Đề án tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026” của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 109 trường phổ thông triển khai liên kết dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (73 trường tiểu học, 15 trường THCS, 21 trường THPT) triển khai liên kết dạy tiếng Anh với 7 trung tâm ngoại ngữ. Sở GD và ĐT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai dự án “Tiếp nhận tình nguyện viên người nước ngoài vào hoạt động tại các CSGD phổ thông tỉnh Nam Định”, trong năm học đã tiếp nhận 3 tình nguyện viên nước ngoài tham gia hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh trong các CSGD phổ thông.
Thúc đẩy phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong các trường phổ thông, góp phần nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, các CSGD phổ thông đã vận dụng linh hoạt các hoạt động trong bộ tài liệu “Sổ tay hướng dẫn xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ”. Hầu hết các CSGD đã xây dựng câu lạc bộ tiếng Anh cấp trường, tổ chức các sự kiện ngày hội ngoại ngữ như: Halloween, dạ hội tiếng Anh, hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp trường, cấp cụm... Chất lượng dạy học ngoại ngữ của tỉnh ngày càng được nâng lên, nhiều học sinh đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cao hơn chuẩn đầu ra quy định.
Để nâng cao chất lượng dạy môn tin học trong các nhà trường, ngành GD và ĐT và các CSGD thường xuyên quan tâm đầu tư nguồn kinh phí mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ dạy và học, nhất là các trang thiết bị liên quan đến CNTT. Hiện có 75% số lớp học ở trường mầm non, 95,27% lớp học ở trường tiểu học, 85,62% lớp học ở trường THCS, 92,74% lớp học ở trường THPT có trang bị phương tiện, thiết bị được kết nối internet phục vụ khai thác học liệu số, bài giảng điện tử. Sở GD và ĐT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy và học và các phần mềm liên quan trong công tác quản lý, giảng dạy ở các nhà trường trong toàn tỉnh; tập huấn ứng dụng CNTT trong dạy học; phát động phong trào “trường học kết nối”. Nhiều CSGD, nhiều giáo viên đã tổ chức các lớp học, giờ học kết nối với giáo viên, học sinh của các quốc gia trên thế giới, bước đầu giúp giáo viên, học sinh được giao lưu, tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau, đồng thời lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Một số đơn vị tích cực triển khai dạy học kết nối như: các CSGD thuộc Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định, Phòng GD và ĐT huyện Giao Thủy, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định). Năm học 2022-2023, Sở GD và ĐT đã triển khai 17 tiết dạy kết nối với các trường học của Ấn Độ, Israel, Bangladesh...; tổ chức cho 72 giáo viên tiếng Anh, Tin học các trường tiểu học dạy trực tuyến hàng trăm tiết dạy kết nối mỗi tuần để hỗ trợ các trường tiểu học tỉnh Yên Bái dạy học môn Tiếng Anh, Tin học lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018, được Bộ GD và ĐT đánh giá cao. Đồng thời tổ chức các cuộc thi, giao lưu trực tuyến, thi học sinh giỏi môn Tin học thực hành trên máy tính như: Thi Toán, Khoa học bằng tiếng Anh, thi “Trạng nguyên tiếng Việt”, Hội thi Olympic các môn học, Cuộc thi đấu trường toán học VioEdu; phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế theo chuẩn IELTS; phối hợp với Tổ chức Giáo dục Việt Nam (IIG) đánh giá tiếng Anh theo chuẩn TOEFL cho học sinh... Đặc biệt, tại Vòng chung kết cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới - Viettel 2023 (MOSWC - Viettel 2023), cả 9 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tham gia đều đạt giải. Một học sinh vô địch quốc gia nội dung Microsoft Word 2016 đại diện Việt Nam tranh tài tại Vòng chung kết Thế giới MOSWC 2023 được tổ chức tại Mỹ và đạt Huy chương Đồng. Đội ngũ giáo viên hưởng ứng nhiệt tình phong trào ứng dụng CNTT vào giảng dạy, tham dự các cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, thi thiết bị dạy học số các cấp. Nếu năm học 2021-2022 mới chỉ có 839 bài giảng điện tử dự thi cấp tỉnh thì năm học 2022-2023 đã có gần 1.200 bài giảng điện tử, 932 sản phẩm thiết bị dạy học số dự thi cấp tỉnh, trong đó có 79 sản phẩm dự thi cấp quốc gia, đạt 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 12 giải Khuyến khích.
Trong những năm học tới là giai đoạn coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các xu thế công nghệ trong giáo dục được đẩy mạnh; trong đó nhấn mạnh sự chuyển đổi từ cách dạy học truyền thống sang một phương thức mới theo tiếp cận công nghệ với các mô hình dạy học phi truyền thống như: Nền tảng số cho giáo dục; Người học số; Người dạy số; Học liệu số; Môi trường học tập số. Yêu cầu về ngoại ngữ (tiếng Anh) phát triển mạnh mẽ. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngành Giáo dục đang tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số trong GD và ĐT. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành bảo đảm 100% các CSGD cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành; các phần mềm quản lý, dạy và học trong nhà trường. Phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số, bổ sung vào kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung trong toàn ngành, kho bài giảng E-learning. Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin