Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) phát động và phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) được đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành GD và ĐT tỉnh tích cực tham gia nhằm tổng hợp, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy học và lan tỏa tâm huyết, tình yêu nghề.
Giáo viên Trường THCS Phương Định (Trực Ninh) tích cực áp dụng sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy. |
Viết SKKN từ lâu trở thành một hoạt động có ý nghĩa đối với giáo viên các cấp học trong tỉnh. Đầu mỗi năm học, Sở GD và ĐT đã phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục phát động và triển khai phong trào viết SKKN tới toàn thể cán bộ, giáo viên, gắn với các phong trào, các cuộc vận động của ngành như: thi đua “Dạy tốt - học tốt”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; thành lập hội đồng nghiên cứu khoa học, hội đồng sáng kiến, hội đồng thi đua khen thưởng; tổ chức lựa chọn, đánh giá kết quả thực hiện các đề tài sáng kiến, chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện phong trào, từ đó đưa ra kế hoạch trong thời gian tới.
Để nâng cao chất lượng phong trào viết SKKN trong cán bộ, giáo viên, các nhà trường đã phát động sâu rộng bằng nhiều hình thức nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên tham gia. Sau mỗi năm học lại có thêm hàng nghìn SKKN ra đời. Trong đó, nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến phương pháp dạy và học được áp dụng có giá trị thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng GD và ĐT. Tùy đặc điểm mỗi cấp học, mỗi cách tiếp cận vấn đề khác nhau của các tác giả mà các SKKN thể hiện rõ sự phong phú về nội dung, đa dạng về cách thức trình bày. Không chỉ tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm có phân tích chặt chẽ cơ sở lý luận và thực tiễn, các SKKN còn nêu ra giải pháp tích cực và cần thiết đối với công tác giảng dạy, mang tính ứng dụng cao về cải tiến phương pháp dạy học, là tài liệu tham khảo, trao đổi hữu ích giữa các giáo viên về công tác giảng dạy, quản lý, những đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và học, góp phần xây dựng môi trường giáo dục đồng bộ, thân thiện, qua đó, học sinh được học tập và phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, nhận thức và kỹ năng sống cần thiết. Bởi thế, phong trào viết SKKN đã và đang được duy trì, đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Thống kê trong 10 năm, từ 2013-2023, đã có hàng chục nghìn SKKN ra đời; trong đó, có 4.267 sáng kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên được Sở GD và ĐT công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp ngành; 437 sáng kiến thuộc lĩnh vực giáo dục được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận. Riêng trong 5 năm (từ 2018-2023) đã có 3.330 sáng kiến của các tác giả và nhóm tác giả tham gia dự thi cấp ngành; trong đó có 1.684 sáng kiến của tác giả và 363 sáng kiến của nhóm tác giả được công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp ngành; 117 sáng kiến được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận; 15 sáng kiến của tác giả và nhóm tác giả được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Qua từng thời kỳ, có rất nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành GD và ĐT đã tích cực viết SKKN và có nhiều SKKN có chất lượng như các thầy, cô: thầy Nguyễn Hoàng Cương, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; thầy Cao Văn Kiên, Trường THPT A Hải Hậu (Hải Hậu); cô Mai Thị Lừng, Trường THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc); thầy Hà Văn Hải, Trường THPT Lý Nhân Tông (Ý Yên); các đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Thành Nam, Đỗ Anh Tuấn, Ngô Hà Vũ (Sở GD và ĐT); các thầy Nguyễn Duy Phương, Phạm Văn Ninh, Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc); cô Đào Thị Ngọc Phương, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định)... Tiêu biểu như: cô Trần Thị Lan Dung, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) với các sáng kiến: “Rèn kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh THPT”; “Xây dựng văn hóa nhà trường THPT theo hướng tổ chức biết học hỏi đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”; thầy Dương Phong Quang, Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) với sáng kiến “Một số biện pháp đổi mới quản lý của hiệu trưởng nhằm chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong trường THPT hiện nay”; thầy Nguyễn Hồng Sơn, Phòng GD và ĐT huyện Trực Ninh với sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ huyện Trực Ninh”... Cô Trần Thị Lan Dung, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến chia sẻ: “Để có được những nội dung viết SKKN, bản thân tôi đã tích lũy kinh nghiệm từ quá trình công tác và thực tế chuyên môn, từ học hỏi và tự đổi mới. Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn ấp ủ, tìm kiếm và nghiên cứu những sản phẩm mang tính đổi mới, ứng dụng tốt và SKKN chính là một cơ hội giúp tôi làm được điều đó”. Được biết cô Dung đã có nhiều SKKN được áp dụng trong nhà trường đạt kết quả tích cực, được Sở GD và ĐT xếp loại xuất sắc, Sở Khoa học và Công nghệ công nhận có hiệu quả trong ngành Giáo dục tỉnh.
Viết SKKN đã và đang là một biện pháp góp phần tạo động lực cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Bởi quá trình viết SKKN giáo viên sẽ đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn, gợi mở, giải quyết nhiều vấn đề còn chưa được sáng tỏ để tìm ra hướng đi đúng đắn. Việc viết SKKN cũng thể hiện rõ sự sáng tạo, kinh nghiệm cũng như năng lực và sự tâm huyết của giáo viên trong quá trình giảng dạy. Nhiều giáo viên chia sẻ, các sáng kiến đạt yêu cầu cần phải giải quyết được những bất cập còn tồn tại trong công tác giáo dục để tạo tính mới; có tính khoa học, trình bày được cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn làm căn cứ cho việc giải quyết vấn đề, hay những bất cập được nêu ra trong đề tài; làm nổi bật được hiệu quả và tính ứng dụng của sáng kiến trong thực tiễn, giúp học sinh nắm chắc kiến thức, hoàn thành tốt các môn học; có cách thức ôn luyện hỗ trợ, bồi dưỡng học sinh khi tham gia các cuộc thi, kỳ thi, tạo hiệu ứng tích cực, có hiệu quả thực tế... Đơn cử như sáng kiến “Giải pháp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại huyện Trực Ninh” của thầy Nguyễn Hồng Sơn, Phòng GD và ĐT huyện Trực Ninh đã đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả như: Tăng cường công tác tham mưu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp; đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non, xây dựng mô hình trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động, tập trung các nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Sáng kiến “Xây dựng văn hóa nhà trường THPT theo hướng tổ chức biết học hỏi đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” của cô Trần Thị Lan Dung, Trường THPT Nguyễn Khuyến đã đề xuất các biện pháp quản lý dành cho lãnh đạo trường THPT xây dựng văn hóa nhà trường đặc trưng; Một số giải pháp mang tính chất cơ bản, cốt lõi nhằm khắc phục những vấn đề còn hạn chế...
Đẩy mạnh công tác viết SKKN và phổ biến, áp dụng vào thực tiễn góp phần quan trọng tạo động lực cho các nhà giáo thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu đổi mới của ngành GD và ĐT trong giai đoạn hiện nay./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin