Sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước

17:44, 01/08/2023

Từ đầu năm đến nay, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động. Qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huy động tối đa mọi tiềm năng, nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước.

Giới thiệu sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm đến khách hàng tại Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thủy).
Giới thiệu sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm đến khách hàng tại Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thủy).

Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động được tỉnh ta tập trung triển khai, thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm 2023 đến nay là: “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025”. Cụ thể, trong phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, hoàn thiện, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chất lượng, hiện đại gắn với tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến, thu hút đầu tư tạo lợi thế cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư và tập trung chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông có tính kết nối vùng. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Công tác giải phóng mặt bằng được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự đồng thuận thống nhất và đảm bảo tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; thực hiện giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tỉnh lộ 490); xây dựng tỉnh lộ 488B, 485B; xây dựng cầu qua sông Đào; xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); xây dựng đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II); xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh... UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, tài nguyên, lao động, thời gian lao động. Các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong khai thác, chế biến tài nguyên, đảm bảo quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích tài nguyên; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực lao động, thời gian lao động; sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch, nguồn lực đóng góp của cộng đồng.

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh với các tiêu chí nâng cao gắn với mô hình NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp” để phát triển bền vững giai đoạn 2019-2025. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy các cách làm hay, cuộc vận động ý nghĩa, góp phần thực hiện phong trào thi đua. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn Thanh niên phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM” kết hợp với phong trào “Xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; Hội Nông dân tỉnh với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM”… Thông qua phong trào thi đua xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trong đóng góp làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 188/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 92,2%) và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn xã Giao Phong (Giao Thủy) là một trong 9 xã của cả nước để thực hiện thí điểm “Mô hình xã NTM thông minh” do Trung ương chỉ đạo thực hiện thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đã hỗ trợ thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho 65 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh có sản phẩm OCOP năm 2022 đạt từ 3 sao trở lên. Hiện có 103 sản phẩm của 60 cơ sở sản xuất đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2023. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 230 mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích 11.145ha; 29 cánh đồng cây màu và cây dược liệu diện tích 975ha.

Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả chương trình cho hộ nghèo vay vốn hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập; đồng thời gắn việc vay vốn, tín dụng với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo. Các cấp, các ngành đã tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liệt sĩ, người nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán với tổng kinh phí trên 81,7 tỷ đồng; giải quyết cho khoảng trên 5.600 lượt đối tượng là người có công và thân nhân người có công được hưởng các chế độ chính sách theo quy định.

Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025” đang được các cơ quan, địa phương, đơn vị đẩy mạnh nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 103/KH-UBND của UBND tỉnh. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu như: Công an tỉnh tổ chức biểu dương gương cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu vào sáng thứ hai chào cờ hàng tuần; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phát động triển khai các phong trào thi đua theo chủ đề hàng tháng, hàng quý trong toàn lực lượng; Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Cục Thống kê tỉnh... phát động triển khai phong trào thi đua trong toàn ngành, thực hiện giữ gìn cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp, đồng thời chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, tinh thần, thái độ chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, phục vụ nhân dân… Qua hơn 3 năm tổ chức triển khai thực hiện, phong trào đã góp phần nâng cao văn hóa công sở, đạo đức công vụ, hình thành phong cách ứng xử, tính chuyên nghiệp, lề lối làm việc chuẩn mực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Các ngành, các đơn vị trong tỉnh đã xây dựng hoàn thiện quy định, nội quy, quy tắc, quy chế làm việc, là cơ sở pháp lý trong ngăn ngừa, xử lý vi phạm về văn hóa công sở, đạo đức công vụ, góp phần đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Để nâng cao hiệu quả thực hiện phong trào thi đua, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh việc cải cách hành chính, đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh đi vào hoạt động có hiệu quả. UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thành việc kết nối giữa Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nam Định với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các ngành, các cấp tích cực triển khai nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh” (Đề án 06). Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức đã cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2; thực hiện niêm yết công khai 1.705 thủ tục hành chính của tỉnh; 100% hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được các cơ quan Nhà nước 3 cấp của tỉnh tiếp nhận, giải quyết công khai trên Cổng dịch vụ công; 100% quy trình giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được xây dựng quy trình điện tử, công khai trên hệ thống để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường việc quản lý, theo dõi, giám sát việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính của công chức một cửa.

Triển khai, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động đã góp phần động viên, khích lệ các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra, đóng góp vào thành tích phát triển chung của tỉnh. Kinh tế của tỉnh có nhiều khởi sắc; lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao./.  

Bài và ảnh: Xuân Thu

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com