Sợi dây gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp

09:01, 17/08/2023

Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn được các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện. Những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đại diện doanh nghiệp làm tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa người lao động và người sử dụng lao động, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH May Việt Thuận, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định).
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH May Việt Thuận, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định).

Đồng chí Hoàng Ngọc Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết: Là tổ chức công đoàn có số lượng công nhân, viên chức, lao động đông nhất trên địa bàn tỉnh, với trên 34,7 nghìn người, những năm qua, Công đoàn các KCN tỉnh đã khẳng định được vai trò trong công tác chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; đồng thời tích cực tham mưu, phối hợp với đại diện doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động xây dựng nội quy, quy định của cơ quan, doanh nghiệp, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp. Các tổ chức CĐCS thường xuyên phối hợp với chuyên môn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của người lao động, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp; tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động; mở các lớp tập huấn, tọa đàm nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cho người lao động; tổ chức các chương trình thăm hỏi, tặng quà, động viên người lao động vượt qua khó khăn, gắn bó với doanh nghiệp; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động về việc làm, thu nhập, tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); vận động người lao động tham gia tổ chức Công đoàn...

Sản xuất tại Công ty TNHH Maxport Limited chi nhánh Nam Định.
Sản xuất tại Công ty TNHH Maxport Limited chi nhánh Nam Định.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức CĐCS tham mưu với đại diện doanh nghiệp xây dựng nội quy, quy chế, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới phương pháp quản lý, sáng tạo trong công tác vận động người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hăng say lao động sản xuất, thi đua chấp hành nội quy lao động, tuân thủ quy trình công nghệ; tham gia phòng trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm… Điển hình như các Công ty: TNHH Padmac Việt Nam, Youngone Nam Định, May Việt Thuận, Smart Shirts Garment Manufacturing BM, Triton, Cổ phần Dệt Bảo Minh, Cổ phần Dệt nhuộm SVT... Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc xuất khẩu, hiện nay, Công ty TNHH Padmac Việt Nam, KCN Bảo Minh (Vụ Bản) có 1.350 công nhân lao động. Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty luôn thực hiện đúng các quy định pháp luật về quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chăm lo, nâng cao đời sống người lao động… Đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, hàng năm, Ban chấp hành Công đoàn đã chủ động tham mưu, phối hợp với đại diện doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, Ban giám đốc và Ban chấp hành Công đoàn trực tiếp trả lời chất vấn và giải đáp kiến nghị của người lao động, như: quy chế nâng lương, thưởng, chế độ hưởng BHXH, BHYT, khám sức khỏe định kỳ, các chế độ, chính sách nghỉ ốm đau, thải sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... Thông qua đối thoại, người lao động hiểu và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp để chung tay ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh. Đến nay, lương bình quân của người lao động đạt từ 8 triệu đồng/người/tháng trở lên, chất lượng bữa ăn ca được nâng lên từ 15 đến 18 nghìn đồng/bữa. Hàng năm, công ty đều tổ chức chương trình Tết sum vầy, thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân, Tháng ATVSLĐ; chăm lo gia đình người lao động như tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), phát thưởng cho con của công nhân có hoàn cảnh khó khăn dịp đầu năm học mới. Ngoài ra, Ban chấp hành Công đoàn công ty thường xuyên phối hợp với chuyên môn phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào học tập nâng cao trình độ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật... nhiều sáng kiến của người lao động được áp dụng vào thực tế sản xuất đã làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.

Hoạt động rõ nét nhất để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp là việc tổ chức các chương trình đối thoại, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể. Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp xảy ra ngừng việc tập thể với 5.976 người tham gia. Nguyên nhân do công ty thông báo cắt giảm tiền chuyên cần của người lao động trong thời gian phải ngừng việc để chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19; không thực hiện chi trả tiền thưởng tháng lương thứ 13 và không chấp hành quy định pháp luật về lao động trong việc đóng BHXH; thu hồi lại thông báo về quyết định tăng lương cơ bản cho người lao động theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động… Trước thực trạng đó, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, CĐCS phối hợp với đại diện doanh nghiệp tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến người lao động, kết quả, các công ty lần lượt ra thông báo giải quyết các kiến nghị của người lao động và người lao động đã trở lại làm việc bình thường. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 99,29% đơn vị khối hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công nhân, viên chức; 76,85% đơn vị khối doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Các công ty ký kết thỏa ước lao động tập thể tập trung vào những điểm có lợi hơn cho người lao động như chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc. Các doanh nghiệp chi bữa ăn ca với mức từ 15 nghìn đồng/bữa trở lên. Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tiếp tục được đông đảo công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn trong tỉnh tham gia. Hưởng ứng chương trình “Một triệu sáng kiến - nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” kết quả đã có hơn 6.600 sáng kiến của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động được phát huy và áp dụng vào thực tiễn. LĐLĐ tỉnh đã tặng Bằng khen cho 24 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia chương trình. Trong năm 2022, có 16 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo… Cùng với đối thoại, các cấp công đoàn còn triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. Trong năm 2022, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật ATVSLĐ với những nội dung liên quan trực tiếp tới chế độ, chính sách dành cho người lao động, chính sách dành cho lao động nữ... Qua đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, giải quyết vướng mắc, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Để tiếp tục chăm lo, bảo vệ người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, thời gian tới các tổ chức công đoàn các cấp cần phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, chủ động bồi dưỡng kiến thức pháp luật để giải quyết các tranh chấp và luôn đứng về phía người lao động trên quan điểm pháp luật; thực hiện đúng các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động đồng thời giúp doanh nghiệp đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh, uy tín, hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường./.

Bài và ảnh: Ngọc Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com