Trong nhiều năm qua, vấn đề dạy thêm, học thêm được dư luận quan tâm và được luận bàn rất nhiều trong ngành giáo dục. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với việc cấm dạy thêm, học thêm, nhưng để chấm dứt tình trạng này cần những giải pháp từ gốc.
Với mục đích thiết thực là học để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nhiều gia đình đã quan tâm, đầu tư cho con em tham gia các lớp học văn hóa ngoài thời gian học ở trường. Thế nhưng, điều đáng bàn là thực tế việc dạy thêm, học thêm ở một số nơi, một số giáo viên đang bị “biến tướng”, trở thành một dịch vụ không chỉ biến những ngày hè vui chơi, thư giãn của học sinh trước khi bước vào năm học mới trở thành quãng thời gian căng thẳng, áp lực mà còn kéo dài suốt cả trong năm học. Trước thực trạng đó, ngày 3-8-2023, UBND thành phố Nam Định đã ban hành Công văn số 1143/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dạy thêm, học thêm. Thành phố đề nghị Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thành phố, yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) thành phố, UBND các phường, xã triển khai thực hiện tốt một số nội dung. Trong đó tiếp tục thực hiện nghiêm Văn bản số 1698/UBND-VX ngày 01-11-2022 của UBND thành phố về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dạy thêm, học thêm và học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. Trưởng phòng GD và ĐT thành phố chỉ đạo Hiệu trưởng các trường căn cứ nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng GD và ĐT thành phố về quản lý và tổ chức thực hiện dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo đúng quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. UBND các phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp dạy thêm, học thêm không đúng quy định tại địa phương. UBND thành phố cũng đề nghị Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thành phố tham gia giám sát việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.
Nét vẽ đầu tiên (ảnh chụp tại một lớp học năng khiếu tại Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Nam Định). |
Ngay sau khi nhận được công văn của UBND thành phố, Phòng GD và ĐT thành phố đã chỉ đạo ban giám hiệu các nhà trường phổ biến với toàn thể cán bộ, giáo viên trong trường những nội dung liên quan về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dạy thêm, học thêm của thành phố. Các phường, xã cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Đối với phường Lộc Vượng, ngay trong ngày 4-8, UBND phường đã có công văn yêu cầu tổ trưởng dân phố triển khai ký cam kết không tổ chức dạy thêm, học thêm sai quy định đối với các tổ chức, cá nhân, các thầy giáo, cô giáo trên địa bàn tổ dân phố; lập danh sách báo cáo UBND phường. Công an phường chỉ đạo cảnh sát khu vực sâu sát địa bàn, phối hợp để kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm sai quy định. UBND phường cũng đề nghị Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phường tham gia giám sát việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn. UBND phường thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp dạy thêm, học thêm sai quy định trên địa bàn phường. Yêu cầu công an phường, tổ trưởng dân phố và đề nghị Ủy ban MTTQ và các đoàn thể triển khai thực hiện nghiêm những nội dung trên. Nhiều giáo viên cũng cho biết, các phường trên địa bàn thành phố, công an khu vực cũng đã đến tận nhà giáo viên có học sinh đến học để nhắc nhở, cam kết không dạy thêm, học thêm tại nhà và trong khu vực. Đã có một vài trường hợp giáo viên dạy thêm trái quy định bị nhắc nhở hoặc lập biên bản yêu cầu chấm dứt việc dạy thêm, học thêm. Ở các nhà trường, hiệu trưởng quán triệt giáo viên không tổ chức dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình. Nếu giáo viên nào vi phạm sẽ bị nhắc nhở, khiển trách trước hội đồng nhà trường và cuối năm sẽ xét hạ bậc thi đua. Các nhà trường lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu, kém; bố trí thời gian hợp lý để tổ chức kiểm tra và xét lên lớp cho những học sinh thuộc diện kiểm tra lại, học sinh phải rèn luyện trong hè.
Trước quy định về việc dạy thêm, học thêm của UBND thành phố, nhiều phụ huynh và giáo viên đã bày tỏ ý kiến đồng thuận cao. Chị Trần Thu Trang, ở phường Hạ Long chia sẻ: “Tôi ủng hộ chủ trương về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dạy thêm, học thêm của UBND thành phố. Mặc dù việc học thêm là tự nguyện nhưng nếu như giáo viên mở lớp mà không cho con đi học cũng rất ngại, nên khi có chủ trương cấm học thêm, gia đình tôi mới thoải mái cho con nghỉ ngơi và tham gia các lớp năng khiếu tùy theo sở trường các con”. Còn chị Phạm Thị Vui có con đang học lớp 7 tâm sự: “Thông thường chuẩn bị vào đầu năm học, giáo viên sẽ giới thiệu về lớp dạy thêm của mình trước lớp và cho học sinh đăng ký. Học sinh nào chưa đăng ký thì giáo viên gợi ý, nhiều khi còn điện thoại cho phụ huynh để nói những “hạn chế” của học sinh làm cho phụ huynh lo lắng và đăng ký học thêm cho con. Như con tôi, kể từ khi học lớp 2 đến nay chưa bao giờ "dám nói không" đăng ký đi học thêm tại lớp học cô giáo mở. Con cho rằng nếu không đi sẽ không theo được các bạn vì khi kiểm tra, nhất là ở môn Văn, con sẽ không làm được bài giống các bạn”.
Việc dạy thêm gây bức xúc dư luận thời gian qua diễn ra chủ yếu ở các môn được coi là môn chính và với giáo viên đảm nhiệm giảng dạy của các lớp. Ở các lớp đầu và cuối cấp, tình trạng này càng phổ biến. Nhiều nơi cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều muốn được học và dạy chính học sinh của mình bởi quá trình dạy trên lớp giáo viên đã hiểu rõ năng lực học tập của mỗi em. Thực tế, nhiều gia đình đặt kỳ vọng vào con mình luôn phải đạt thành tích cao trong học tập và với mục đích thiết thực là học để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nhiều gia đình chẳng ngại dành thời gian, tiền bạc để đầu tư cho con em tham gia các lớp học văn hóa ngoài thời gian học ở trường. Xét về góc độ nào đó, việc học thêm không phải là không cần thiết với học sinh. Bồi dưỡng “lỗ hổng” kiến thức đối với những học sinh yếu kém, nâng cao, mở rộng kiến thức đã học ở trên lớp… đối với những học sinh khá giỏi là nhu cầu chính đáng của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, dạy thêm, học thêm vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, đã trở thành một “vấn nạn”. Dù rằng quy định địa phương chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn nhưng thực tế, việc xử phạt dạy thêm hiện rất hạn chế vì nhu cầu từ phía phụ huynh là có thật. Trong tất cả các văn bản ban hành về quản lý dạy thêm, học thêm thì yếu tố luôn được nhấn mạnh đó là: Việc học thêm hay không học thêm là quyền của người học; mọi tổ chức, cá nhân không ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Học sinh học thêm có đơn xin học thêm và phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu...
Có thể ghi nhận thời gian qua, ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, việc quản lý dạy thêm, học thêm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về dạy thêm học thêm còn xảy ra nhiều; công tác kiểm tra chưa thường xuyên, biện pháp xử lý thiếu kiên quyết. Thiết nghĩ, việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà còn có trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương. Vì thế, trước tiên, để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD và ĐT, các nhà trường với các cấp chính quyền phường, xã, để tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên; nâng cao hiểu biết của mỗi gia đình và học sinh về dạy thêm, học thêm, mặt khác cần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, học tập, công tác quản lý ở mỗi nhà trường./.
Bài và ảnh: Thảo Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin