Huyện Nghĩa Hưng hiện có 934 nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) đang được hưởng chế độ; trong đó 727 người là nạn nhân trực tiếp, 207 người là nạn nhân gián tiếp. Để góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân CĐDC, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin huyện Nghĩa Hưng cùng các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội trong và ngoài huyện tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.
Ông Phạm Văn Bảy, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam thị trấn Liễu Đề vươn lên làm giàu từ nghề trồng cây cảnh. |
Hàng năm, các cấp Hội tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, phối hợp cùng các ngành tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện ban hành các thông tri, kế hoạch nhằm quán triệt, triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến 25 xã, thị trấn; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với nạn nhân CĐDC; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên, nhất là các trường hợp đặc biệt khó khăn, tạo mọi điều kiện để họ được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định; từng bước xã hội hóa việc giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân, làm cầu nối để gắn kết những tấm lòng nhân ái đến với nạn nhân và gia đình nạn nhân CĐDC trong cuộc sống hàng ngày. Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa và hưởng ứng phong trào “Vì nạn nhân da cam”; giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ được hưởng chế độ người có công; vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Bảo trợ nạn nhân CĐDC”… Đồng thời tổ chức thực hiện rà soát, thẩm định đối tượng là cháu, chắt nội ngoại của nạn nhân trực tiếp ở các xã, thị trấn được 63 đối tượng bị di truyền từ ông nội, ông ngoại sang, để đề nghị cấp trên xem xét công nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho họ được hưởng chế độ, chính sách đãi ngộ của Nhà nước.
Thực hiện phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC/điôxin”, Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin huyện đã vận động mọi nguồn lực ủng hộ, giúp đỡ các hội viên, động viên hội viên vươn lên trong cuộc sống. Các xã, thị trấn đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC” ủng hộ với nhiều hình thức như: tặng quà, xe lăn, tặng bò sinh sản; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; xây sửa nhà tình nghĩa, trao tặng học bổng, đồ dùng học tập cho các cháu là nạn nhân CĐDC có thành tích cao trong học tập… Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động được 2,3 tỷ đồng để tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ 1.325 lượt nạn nhân với các hình thức khác nhau. Trong đó, đã hỗ trợ xây 2 nhà tình nghĩa cho hội viên với kinh phí 375 triệu đồng; hỗ trợ cho 580 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình trên 1,3 tỷ đồng; trợ cấp khó khăn cho 75 người với kinh phí 150 triệu đồng; cấp học bổng cho con, cháu hội viên với số tiền 59 triệu đồng. Hàng năm, Hội đã phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức tư vấn, khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho 700 đến 900 lượt hội viên; xin tài trợ xe lăn, xe lắc cho 17 hội viên bị bệnh tật đi lại khó khăn trị giá 61 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân CĐDC huyện đã vận động đóng góp xây dựng Quỹ tình nghĩa được trên 800 triệu đồng, bình quân 750 nghìn đồng/hội viên; trong đó có 12 xã đạt trên 1 triệu đồng/hội viên; tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ vốn sản xuất cho các gia đình nạn nhân khó khăn vươn lên cải thiện cuộc sống.
Những hoạt động nghĩa tình đã giúp các hội viên vơi đi nỗi đau bệnh tật do chiến tranh để lại, nỗ lực vượt qua khó khăn phát triển kinh tế, hoà nhập với cộng đồng, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Đến nay, toàn huyện không còn gia đình hội viên thuộc diện hộ cận nghèo, 53 hộ có kinh tế trung bình, 801 hộ có kinh tế khá, nhiều hội viên năng động phát triển kinh tế. Không chỉ phát triển kinh tế, chăm lo đời sống các hội viên, trong quá trình hoạt động, các cấp Hội đều bám sát, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tiêu biểu là phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương là hội viên Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin có tinh thần tương thân tương ái, chung tay xây dựng quê hương hiến đất làm đường giao thông như gia đình ông Phạm Trường Thi, Phạm Văn Chư ở xã Nghĩa Bình. Nhiều hội viên tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; trong đó có 397 đảng viên, 47 người tham gia công tác Đảng, chính quyền từ xã, thị trấn đến thôn, xóm, khu dân cư. Tiêu biểu như ông Phạm Văn Bẩy ở thị trấn Liễu Đề có hàng chục năm nhiệt tình tham gia công tác Hội của thị trấn và là tấm gương trong sản xuất, kinh doanh giỏi; tích cực phổ biến kiến thức trồng cây cảnh, giúp đỡ nhiều hội viên vươn lên làm kinh tế. Ông Trần Hữu Thọ, ở xã Nghĩa Thái tuy tuổi đã cao nhưng vẫn luôn được địa phương và nhân dân tin tưởng khi lần lượt được bầu làm chủ tịch Hội Cựu chiến binh, chủ tịch Hội Khuyến học kiêm xóm trưởng xóm 10 của xã.
Đồng chí Lê Đức Chạc, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/điôxin huyện Nghĩa Hưng cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện tốt chế độ, chính sách với những người bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời, phát huy vai trò là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp các gia đình nạn nhân CĐDC vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Huyện hội tập trung chỉ đạo các cấp Hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; phấn đấu xây dựng hội cấp xã 100% đạt vững mạnh, trong đó có 60% hội đạt tiên tiến xuất sắc; tổ chức kết nạp các nạn nhân có đủ điều kiện vào Hội... qua đó xây dựng Hội ngày càng phát triển, là chỗ dựa tin cậy, mái nhà chung của các nạn nhân CĐDC/điôxin trong huyện./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin