Cân nhắc kỹ khi lựa chọn các tổ hợp môn học

08:45, 23/08/2023

Năm học 2023-2024 là năm thứ 2 ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở bậc trung học phổ thông (THPT) đối với khối lớp 10. Từ thực tế triển khai cho thấy, không ít học sinh chọn sai tổ hợp, dẫn đến phải thay đổi vào cuối năm học, gây không ít khó khăn cho chính các em và nhà trường.

Học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực) trong một buổi tập huấn kiến thức về an toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực) trong một buổi tập huấn kiến thức về an toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Theo Chương trình GDPT 2018, học sinh lớp 10 sẽ học 8 môn bắt buộc (bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương và Lịch sử) và 4 môn lựa chọn trong 9 môn khác bao gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Bên cạnh việc đăng ký các tổ hợp môn lựa chọn, học sinh còn phải đăng ký lựa chọn các chuyên đề tự chọn với mục đích nâng cao kiến thức ở các môn học. Mỗi học sinh lựa chọn 3 cụm chuyên đề thuộc 3 môn học với tổng thời lượng 105 tiết/năm học, 1 tuần/tiết/môn học. Việc kiểm tra, thi cử sẽ không nằm trong các chuyên đề lựa chọn mang tính chất nâng cao này.

Việc cho phép học sinh được lựa chọn môn học từ lớp 10 theo định hướng nghề nghiệp được đánh giá là bước tiến của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, mới sang năm thứ 2 triển khai nên việc lựa chọn được tổ hợp môn phù hợp với năng lực và sở thích học sinh cho thấy không dễ đối với học sinh. Để gỡ khó cho các em, năm nay công tác tư vấn chọn môn được các trường triển khai cẩn trọng.

Năm học 2023-2024, Trường THPT Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) tuyển 270 học sinh vào 6 lớp 10. Trường đã mở 3 tổ hợp môn cho học sinh lớp 10, trong đó 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và 1 tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH). Trong đó, 2 tổ hợp KHTN gồm: tổ hợp 1 gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học; tổ hợp 2 gồm Vật lý, Hóa học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và pháp luật; 1 tổ hợp KHXH gồm Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Văn Hà chia sẻ: Thời điểm hiện tại, trường đang tổ chức cho học sinh học hè để ôn tập, củng cố lại kiến thức trước khi bước vào năm học mới. Trước đó, trong các ngày thu hồ sơ của học sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học, trường đã tổ chức các bàn tư vấn chọn tổ hợp cho học sinh khối 10. Mặc dù vậy, trong thời gian này, các em vẫn có thể cân nhắc điều chỉnh, lựa chọn tổ hợp phù hợp nguyện vọng, khả năng của mình. Bởi trên thực tế, kết thúc năm học 2022-2023, đã có 5-6 học sinh khối 10 xin đổi từ tổ hợp KHTN sang tổ hợp KHXH và ngược lại. Để lựa chọn tổ hợp môn học sao cho phù hợp, học sinh cũng như phụ huynh cần tính toán thật kỹ lưỡng, trong đó cần cân nhắc thật kỹ các yếu tố năng lực, sở trường bản thân, định hướng nghề nghiệp bản thân sau 3 năm THPT. 

Còn tại Trường THPT Trần Văn Bảo (Nam Trực), thầy Phạm Bạch Dương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, trường tuyển được 315 học sinh vào 7 lớp 10. Căn cứ điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học, nhà trường lựa chọn 3 tổ hợp để học sinh đăng ký gồm 2 tổ hợp KHTN và 1 tổ hợp KHXH; trong đó nhóm tự nhiên 1 (gồm các môn học lựa chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và các chuyên đề lựa chọn: Toán, Vật lý, Hóa học) có 3 lớp, nhóm tự nhiên 2 (gồm các môn học lựa chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ - Định hướng Công nghiệp và các chuyên đề lựa chọn: Toán, Hóa học, Sinh học) có 2 lớp, nhóm xã hội (gồm các môn học lựa chọn: Địa lý, Kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ - Định hướng Nông nghiệp; các chuyên đề lựa chọn gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) có 2 lớp. Theo Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD và ĐT hướng dẫn “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD và ĐT”. Như vậy, nếu chọn sai, học sinh vẫn được chọn lại tổ hợp môn vào cuối năm học. Tuy nhiên, ngay khi học sinh nhập học, nhà trường đã khuyến cáo học sinh cần cân nhắc kỹ dựa trên kết quả học tập bậc THCS; tránh phải đổi đi đổi lại trong 3 năm học hoặc thay đổi muộn sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả học tập. 

Theo ghi nhận từ thực tế tại nhiều trường THPT, sau khi kết thúc năm học 2022-2023, có những trường hợp chọn sai tổ hợp dẫn tới học sinh không thể theo học nên phải chuyển, gây khó cho các em và các nhà trường. Năm nay, thay vì tổ chức cho các em lựa chọn tổ hợp trong ngày nhập học, một số trường lùi thời gian lựa chọn tổ hợp lại để phụ huynh và học sinh có thêm thời gian cân nhắc. Các trường sẽ có buổi tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về Chương trình GDPT 2018, sau đó gợi ý định hướng lựa chọn tổ hợp cho học sinh; trên cơ sở đó phụ huynh và học sinh sẽ lựa chọn, trường cho phép học sinh có thể thay đổi tổ hợp cho đến khi kết thúc việc phân lớp vào cuối tháng 8. Các trường cũng dành cho học sinh và phụ huynh một khoảng thời gian nhất định để tìm hiểu về chương trình và lựa chọn nguyện vọng trong số các tổ hợp môn đã được các trường xây dựng căn cứ trên 3 điều kiện: đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của học sinh. Các trường cũng lưu ý học sinh khi đăng ký các tổ hợp môn tự chọn phải hài hòa giữa nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Với việc đăng ký tổ hợp môn, học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng; phụ huynh nên trao đổi để biết mong muốn của con, không nên áp đặt trong việc lựa chọn tổ hợp môn, bởi đây là quyết định quan trọng sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và nghề nghiệp, tương lai của các em.

Mới đây Bộ GD và ĐT ban hành Công văn 68/2023/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT. Theo đó: Việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục, quy định về kiểm tra, đánh giá của nhà trường và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường. Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới thay đổi, cụm chuyên đề học tập mới của lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo. Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.   

Như vậy, vấn đề cần quan tâm khi lựa chọn tổ hợp môn phù hợp sở trường, năng lực bản thân từ sớm, đúng định hướng nghề nghiệp trong suốt 3 năm học THPT của học sinh là rất quan trọng. Do vậy, việc hướng nghiệp cho học sinh ở bậc THCS nên được triển khai sớm, có chất lượng, hiệu quả để các em có quá trình đánh giá đúng năng lực, sở trường đảm bảo lựa chọn thật kỹ, không chọn sai môn học./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com