Tuyển sinh dạy nghề - đón đầu nhu cầu thị trường lao động

08:04, 25/07/2023

Hiện toàn tỉnh có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN); trong đó có 26 cơ sở GDNN công lập (gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 15 trung tâm) và 7 cơ sở GDNN là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia hoạt động GDNN. Thời gian qua, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển, bước đầu hình thành một số cơ sở GDNN và chương trình chất lượng cao theo chuẩn quốc tế; tỷ lệ lao động qua đào tạo, có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề tăng. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho phát triển GDNN chưa tương xứng. GDNN chưa gắn chặt với thị trường lao động. Quy mô đào tạo còn nhỏ, cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng nhanh lực lượng lao động có chứng chỉ bằng cấp và kỹ năng nghề nghiệp cao, đặc biệt đối với những lĩnh vực kinh tế mà nước ta, tỉnh ta có thế mạnh. Trong bối cảnh hoạt động GDNN bị tác động yếu tố bên ngoài như: Tăng số nguyện vọng, kéo dài thời gian tuyển sinh đại học... đòi hỏi các cơ sở GDNN tự nỗ lực để duy trì quy mô đào tạo.

Sinh viên học công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định trong một buổi thực hành.
Sinh viên học công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định trong một buổi thực hành.

Đứng trước thực tế đó, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã có bước “chuyển mình” phù hợp, kịp thời bắt nhịp, đổi mới trong công tác tuyển sinh, phát huy thế mạnh của đơn vị, nêu cao tính liên kết, tăng cường thực tập, trải nghiệm thực tế, nghiên cứu thị trường, tổ chức các tọa đàm, cuộc thi dành riêng cho khối trường nghề... để phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động.

Tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định, để đào tạo sát nhu cầu thực tế, nhà trường thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức liên kết đào tạo kép cho học sinh, sinh viên (HSSV). Sinh viên các ngành may và thiết kế thời trang được đi học tập và thực tập trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. Trường phối hợp với Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty Cổ phần May Nam Hà, Công ty May Enter.b để cùng với cán bộ của doanh nghiệp tổ chức giảng dạy ngay tại doanh nghiệp cho HSSV của trường. Quá trình thực tập và học tập của nhà trường được các doanh nghiệp đánh giá cao. Các em đi thực tập đều được trả lương với mức từ 5 triệu tới 7 triệu đồng/1 tháng.

Đồng chí Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định cho biết: Năm học 2023-2024, trường dự kiến tuyển 2.000 chỉ tiêu cho các ngành nghề. Qua khảo sát nhu cầu người học, thị trường lao động và các doanh nghiệp có liên kết với nhà trường trong công tác đào tạo kép, trường đang tập trung đẩy mạnh đào tạo ngành nghề công nghệ ô tô, bên cạnh các ngành nghề truyền thống: May thời trang, thiết kế thời trang, điện công nghiệp, công nghệ thông tin, kế toán doanh nghiệp, cắt gọt kim loại, công nghệ kỹ thuật nhiệt... Trong đó, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ thông tin, may thời trang là các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia; điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, thiết kế thời trang là nghề trọng điểm cấp độ quốc tế...

Năm học 2023-2024, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định tuyển 5.700 HSSV. Để tuyển được HSSV, trường chủ động kết nối các trường THCS, THPT, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để khảo sát nguyện vọng “đón đầu” học sinh có mong muốn học nghề. Đồng thời, trường tập trung đổi mới chương trình, nâng chất lượng đào tạo, đặc biệt là những ngành, nghề trọng điểm, thế mạnh của trường. Với 11 nghề trình độ cao đẳng, 30 nghề trình độ trung cấp, 36 nghề trình độ sơ cấp và ngắn hạn, trường đang đào tạo, có 1 nghề cấp độ quốc tế là hàn; cấp độ khu vực ASEAN có 2 nghề là công nghệ ô tô và điện công nghiệp; cấp độ quốc gia có 15 ngành, nghề (gồm: điện tử công nghiệp, may thời trang, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lễ tân, kỹ thuật chế biến món ăn...). Trường thường xuyên tổ chức cho HSSV trải nghiệm thực tế hoặc thực hành sản xuất tại doanh nghiệp để giúp HSSV củng cố kiến thức đã học, vừa tạo cơ hội để các em tiếp cận, làm quen trực tiếp với môi trường sản xuất công nghiệp. Ở nhóm nghề cơ khí chế tạo, học sinh được thực tập tại các nhà máy lớn sản xuất và lắp ráp phụ tùng ô tô, xe máy hoặc trực tiếp thực tập sửa chữa xe tại các gara ô tô như: Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long (nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô xe máy); Công ty Hệ thống dây dẫn Eco (lắp ráp dây dẫn điện trong xe ô tô); xưởng sửa chữa xe của Xí nghiệp vận tải ô tô Hà Nam Ninh; các xưởng xe dịch vụ, xưởng xe tải và xe khách của Thaco Nam Định; Công ty Cổ phần Motor Thái - Nam Định (lắp ráp xe máy); Công ty Cổ phần Cơ khí Đức Vinh... và hơn 30 gara trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ở nhóm nghề điện, điện tử, học sinh được tham gia trên các dây chuyền lắp ráp thiết bị điện, điện tử hoặc trực tiếp tham gia thi công trên các công trường các Công ty: Cổ phần Kỹ thuật Thăng Tiến (Hà Nội); Canon Việt Nam; LG Việt Nam; Compal Vĩnh Phúc,  Handabi và Novatech (Công ty cấp 1 của tập đoàn Sam sung); Cổ phần Sigma (Hà Nội), thi công hệ thống điện trong các dự án lớn như Ecopark; Lotte..., và một số công ty, cơ sở điện, điện lạnh trên địa bàn thành phố Nam Định. Nhóm nghề may, học sinh được thực tập trên các dây chuyền may, tham gia vào các công đoạn sản xuất làm ra sản phẩm của các Công ty: Cổ phần May 10, May 9, May Nam An, May Duy Minh, May Bảo Linh. Nhóm nghề du lịch, khách sạn, nhà hàng: Học sinh được bố trí thực tập tại khu du lịch sinh thái Thung Nham (Ninh Bình) và các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố Nam Định... Bên cạnh đó, với Dự án Trường cấp 3 Nông nghiệp Nhật Bản, học sinh thực hành làm bánh, trực tiếp được các thầy cô hướng dẫn ủ phân vi sinh, tự trồng lạc, đỗ lấy nguyên liệu làm bánh... HSSV của trường thực tập tại các Công ty lớn (như Công ty Thăng Tiến) được hỗ trợ từ 5,5-7,5 triệu đồng/tháng. Học sinh trung cấp thực tập tại Canon, Sam sung được hỗ trợ 4-5 triệu đồng/tháng; tại các Công ty may được hỗ trợ 3-4 triệu đồng/tháng. Các cơ sở khác hỗ trợ cơm trưa hoặc theo năng lực học sinh. Trước khi tốt nghiệp toàn bộ HSSV đều được nhà trường khảo sát, phân loại nguyện vọng (đi làm trong nước, đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức) và tư vấn cụ thể cho từng nhóm nguyện vọng... Sau khi tốt nghiệp, trường liên hệ và hỗ trợ HSSV làm hồ sơ đi làm, đi học tiếp, làm đầu mối liên hệ với các công ty có nhu cầu tuyển về trường tiếp nhận HSSV đi làm. Với chất lượng đào tạo đảm bảo, đặc biệt “đầu ra” có địa chỉ, trường được tín nhiệm, các chỉ tiêu về tuyển sinh của trường tăng qua từng năm học, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc sau đào tạo đạt rất cao (từ 95% trở lên, trong đó có những nghề đạt 100%)...

Học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định trong giờ thực hành chế biến món ăn ĐT
Học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định trong giờ thực hành chế biến món ăn.

Trước thềm năm học mới, các trường thuộc khối GDNN đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để cải thiện nâng cao chất lượng đào tạo như tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên; đầu tư đổi mới đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, đáp ứng nhu cầu người học; mở rộng chương trình, ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, từng bước chuyển từ “cung” sang “cầu”.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các cơ sở GDNN, hiện có một số khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo: Chất lượng công tác phân luồng học sinh chưa cao lên số lượng học sinh chọn định hướng học nghề còn thấp. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thường tuyển lao động không qua đào tạo do vậy nhiều học sinh lựa chọn đi làm và không đi học. Chính sách về giáo dục của Nhà nước thay đổi liên tục, học phí tăng cao nên ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyển sinh của các trường. Để khắc phục các khó khăn trên, các trường đang tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo gắn liền với thực tiễn, phù hợp nhu cầu của xã hội. Thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo mới, nâng cao kỹ năng cho học sinh, tăng thời lượng thực hành, giảm thời lượng học lý thuyết. Xây dựng các chính sách để hỗ trợ học sinh giảm thiểu các chi phí học tập...

Để GDNN đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động, các cấp chính quyền, các sở, ngành liên quan cần tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để GDNN gắn chặt với thị trường lao động, tăng cường tính mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong hoạt động GDNN. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia GDNN từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, đặt hàng đào tạo./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com