Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định: Những định hướng mới trong công tác tuyển sinh

08:39, 14/06/2023

Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Nam Định là đơn vị có bề dày truyền thống với chức năng đào tạo giáo viên, bồi dưỡng cán bộ quản lý (CBQL) từ cấp mầm non, tiểu học đến THCS uy tín và chất lượng của tỉnh. Đây là trường CĐSP địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cấp Giấy chứng nhận Cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng (6-2018). Trường nằm ở trung tâm thành phố, thuận tiện giao thông, với diện tích gần 3ha, có đầy đủ hệ thống giảng đường, khu thể thao, ký túc xá, phòng thực hành, thư viện, phòng máy tính, mạng wifi... đạt tiêu chuẩn, đảm bảo phục vụ thuận tiện cho công tác dạy và học. 

Tiết học về Vệ sinh - Dinh dưỡng tại Phòng Thực hành của Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định.
Tiết học về Vệ sinh - Dinh dưỡng tại Phòng Thực hành của Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định.

Luật Giáo dục (sửa đổi) số 43/2019/QH14 ban hành ngày 14-6-2019, chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2020 đã nâng chuẩn trình độ giáo viên phổ thông ở tất cả các cấp học. Theo đó, Trường CĐSP Nam Định dừng tuyển sinh và đào tạo giáo viên THCS, tiểu học, chỉ còn được tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành CĐSP mầm non. Theo các quy định mới trong Luật Giáo dục 2019, cơ cấu đội ngũ của trường có sự bất hợp lý, trong khi bối cảnh tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề khó khăn. Để thích ứng với điều kiện và tình hình mới nhằm khai thác chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất hiện có, trường đã xây dựng Đề án thành lập Hội đồng trường; triển khai thực hiện Đề án sắp xếp cơ cấu, tổ chức bộ máy theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với quy định, chức năng, nhiệm vụ được giao. Hiện tại, trường có 105 cán bộ, giảng viên tâm huyết, có trình độ chuyên môn tốt, trong đó 95,06% giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Giảng viên thường xuyên được cử tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ theo chương trình của Bộ và Sở GD và ĐT kết hợp việc tự học, tự bồi dưỡng. Nhiều giảng viên của trường được mời tham gia tập huấn về các nội dung trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên tại các huyện trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trên cả nước, được tham gia làm cộng tác viên với các tác giả viết sách để tập huấn cho giáo viên nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó bám sát thực tế dạy học địa phương. 

Trên cơ sở xác định những nguồn lực, thế mạnh hiện có của nhà trường và nhu cầu của xã hội, trường đã chủ động nghiên cứu, tập trung đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo ngành sư phạm mầm non theo hướng hiện đại, tinh gọn và thiết thực, phát huy được năng lực người học. Trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học; triển khai xây dựng Kho học liệu số bắt đầu từ năm học 2022-2023 và đăng tải công khai trên website nhà trường để làm tư liệu tham khảo cho cán bộ, giảng viên, sinh viên và những người quan tâm. Hiện tại trong Kho học liệu số có 81 video tư liệu giảng dạy, hoạt động nghiệp vụ sư phạm của giảng viên, sinh viên trong toàn trường. Nhà trường có tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các học phần Tin học trên phòng thực hành Tin học của nhà trường. Đội ngũ giảng viên thường xuyên sinh hoạt chuyên môn để nghiên cứu đổi mới hình thức dạy học theo hướng tăng cường thời lượng thực hành, xây dựng báo cáo môn học, các cuộc thi về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ mầm non; tăng cường trao đổi chuyên môn về các phương hướng, chính sách giáo dục mầm non, các phương pháp giáo dục tiên tiến và thực tế giáo dục mầm non làm cơ sở để xây dựng đề cương chi tiết, thiết kế các bài dạy cụ thể. Các phòng học đều được trang bị đầy đủ máy chiếu, thiết bị phụ trợ giảng dạy, kết nối internet để phục vụ công tác dạy học... Công tác đào tạo được đổi mới theo hướng tiếp cận chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, chất lượng dạy và học được duy trì. Đặc biệt công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên được quan tâm.

Phát huy những nguồn lực hiện có, từ năm học 2020-2021 đến nay, trường định hướng đào tạo trình độ Cao đẳng chính quy ngành Giáo dục Mầm non với tổng số sinh viên hiện có (K42, K43, K44) là 136 em thuộc 8 lớp; Đào tạo liên thông vừa làm vừa học 2 lớp với 86 học viên; Bồi dưỡng CBQL giáo dục theo nhu cầu cho 81 học viên; Liên kết đào tạo với 20 lớp, 1.111 học viên. Tổng quy mô người học là 1.334 người với tổng số 30 lớp thuộc các hình thức đào tạo. Công tác tuyển sinh bước đầu có sự khởi sắc, đã tuyển sinh được 1 lớp thực hiện theo chương trình Giáo dục Mầm non - Tiếng Anh (do sự thúc đẩy từ quy định mới về chuẩn giáo viên từ Luật Giáo dục 2019). Quy mô liên thông trình độ cao đẳng, đại học tăng do thay đổi chuẩn giáo viên. Nhà trường thực hiện liên kết đào tạo tuân thủ nghiêm các quy định về liên kết đào tạo của Bộ GD và ĐT. Hiện trường đang thực hiện liên kết có phối hợp giảng dạy với các trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Hải Phòng. Việc liên kết này góp phần giúp nhà trường vừa giải quyết vấn đề việc làm và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, những quy định mới trong Luật Giáo dục 2019 làm cho quy mô đào tạo của nhà trường giảm mạnh, công tác tuyển sinh khó khăn cả trong ngắn hạn và dài hạn. Số sinh viên chính quy giảm gây khó khăn cho các hoạt động dạy, học, đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa, hoạt động thi nghiệp vụ... 

Năm học 2023-2024, nhà trường tiếp tục tuyển sinh chuyên ngành CĐSP mầm non với 117 chỉ tiêu; trong đó, chương trình đào tạo Giáo dục Mầm non 67 chỉ tiêu, chương trình đào tạo Giáo dục Mầm non - Tiếng Anh 50 chỉ tiêu. Để chuẩn bị cho năm học mới, trường tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT; các chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh, Sở GD và ĐT. Tiếp tục phát triển công tác đào tạo, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ngành Giáo dục Mầm non, nghiên cứu xây dựng các chương trình mới đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng đa dạng của xã hội. Đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo đạt chuẩn giáo viên mầm non, phổ thông theo yêu cầu. Đổi mới nội dung đào tạo sư phạm theo hướng tiếp cận chuẩn nghề nghiệp của giáo viên. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt Đề án tuyển sinh năm học 2023-2024. Nghiên cứu tăng chỉ tiêu đào tạo liên kết đại học hệ vừa làm vừa học và tiến hành tuyển sinh theo kế hoạch liên kết với các cơ sở giáo dục đại học. Tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia vào các hoạt động khoa học trong và ngoài trường. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng: Phòng Nội vụ, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các nhà trường mầm non, phổ thông… khảo sát thực trạng việc làm của sinh viên ra trường để đề xuất các chiến lược đào tạo phù hợp nhằm giải quyết những khó khăn của nhà trường, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh.

Để đảm bảo hoạt động cho nhà trường, khai thác, phát huy và tránh lãng phí nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ hiện có, Bộ GD và ĐT cần sớm xác định rõ vị trí của trường CĐSP các địa phương trong hệ thống giáo dục quốc dân; sớm hoàn thiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường CĐSP để các trường có căn cứ, định hướng phát triển phù hợp. UBND tỉnh, Sở GD và ĐT tạo điều kiện và hỗ trợ nhà trường hoàn thiện Đề án chuyển Trường CĐSP Nam Định từ đơn vị trực thuộc Sở GD và ĐT về trực thuộc UBND tỉnh theo Thông tư 23/2022/TT-BGDĐT về việc ban hành Điều lệ trường CĐSP./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com