Nam Định hiện có 4 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp, trên 6.100 doanh nghiệp với gần 210 nghìn lao động; mỗi năm có hơn 30 nghìn người đến độ tuổi lao động. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả công tác thu thập, cung cấp, phân tích, dự báo thị trường lao động; giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; các chương trình cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; tham mưu UBND tỉnh chấp thuận cho 103 doanh nghiệp đăng ký, đăng ký lại, đăng ký bổ sung, điều chỉnh, thay đổi nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài làm việc tại các vị trí mà lao động Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu.
Các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu vị trí việc làm, ngành nghề cho các ứng viên tại Ngày hội Việc làm năm 2023. |
Sở phối hợp triển khai các hoạt động để tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH) tổ chức với 26 lao động xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan, 328 người đăng ký dự thi tiếng Hàn Quốc và 115 lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Giới thiệu 8 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về tỉnh để tuyển chọn lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố có sử dụng lao động người nước ngoài tự kiểm tra, đánh giá thực hiện quy định pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cấp và cấp lại giấy phép lao động cho 533 lao động nước ngoài làm việc tại 115 tổ chức, doanh nghiệp. Tập hợp danh sách báo cáo UBND tỉnh 145 lượt lao động, người nước ngoài là nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp, chuyên gia, lao động kỹ thuật đề nghị được ưu tiên nhập cảnh vào làm việc cho 51 doanh nghiệp. Phúc đáp 59 doanh nghiệp, tổ chức về việc chưa thực hiện giải trình nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Hướng dẫn các địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp rà soát nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan lao động cấp huyện quan tâm, tạo điều kiện để các trường hợp người lao động đi làm ăn xa, vì dịch bệnh COVID-19 phải quay trở về địa phương, có nhu cầu được vay vốn sản xuất, kinh doanh để ổn định cuộc sống. Hết năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 1.025.204 lượt người lao động, người sử dụng lao động, 242 hộ kinh doanh với tổng kinh phí hơn 49 tỷ 275 triệu đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3.869 lượt người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp với số tiền là 1 tỷ 934 triệu đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho 448 lượt người lao động quay trở lại thị trường lao động với tổng số tiền là 448 triệu đồng. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 35.011 lượt người lao động; xuất khẩu lao động 3.800 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5%.
Quý I năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn việc làm và học nghề cho người lao động có nhu cầu tìm việc làm, người lao động đang có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp với 10.416 lượt người (trong đó, lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp là 8.472 lượt người, lao động tự do là 1.944 lượt người); có 972 lượt người đăng ký tìm việc làm và đã giới thiệu việc làm cho 896 lượt người. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn chính sách pháp luật về lao động việc làm trực tuyến qua trang facebook, qua website của Trung tâm. Phối hợp với Tỉnh Đoàn thực hiện Ngày hội việc làm lần thứ nhất năm 2023 (3-2023) thu hút 31 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và gần 1.000 ứng viên là người lao động, học sinh, sinh viên. Tại Ngày hội đã khai thác, kết nối thông tin của 186 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh với 8.816 vị trí việc làm trống. Tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm, với 80 doanh nghiệp và 612 lao động đăng ký tham gia; tại phiên sàn có 299 người tham gia phỏng vấn, 61 người được tuyển dụng và 133 người được doanh nghiệp hẹn sau phỏng vấn.
Trên lĩnh vực tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), Sở LĐ-TB và XH tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 156/UBND-VP7 ngày 6-5-2022 thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tổng hợp theo dõi và hướng dẫn theo quy trình, nghiệp vụ xử lý tình hình ngừng việc tại 7 doanh nghiệp là: Công ty TNHH Đồ dùng thể thao Victory Việt Nam, Công ty TNHH Giầy Hiệp Tân, Công ty TNHH Gang Wei Việt Nam, Công ty TNHH Yamani Dynasty, Công ty TNHH MTV Giày Thành Bách Việt Nam, Công ty TNHH Nice Power, Công ty TNHH Quốc tế Kam Fung, góp phần ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp và trên địa bàn tỉnh. Trình UBND tỉnh 20 quyết định, 10 thông báo phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch năm 2022 đối với người quản lý công ty và người lao động của 10 công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tổng hợp, báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương năm 2022. Thẩm định, tiếp nhận nội quy lao động của 47 doanh nghiệp; hướng dẫn 225 doanh nghiệp, công dân về thực hiện chế độ chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội. Đồng thời, phối hợp Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB và XH) tổ chức hội nghị đối thoại tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH và bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định. Biên soạn, cấp phát 36 nghìn tờ gấp tuyên truyền pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH. Xây dựng tài liệu, tổ chức 13 lớp tập huấn cho 2.445 người là trọng tài viên, hòa giải viên lao động, lãnh đạo và chuyên viên Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố và người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chính sách lao động, tiền lương và BHXH. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn thông qua việc: điều tra khảo sát chọn mẫu với khoảng 8.300 phiếu về nhu cầu đào tạo của người lao động phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch năm 2023; Ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tư vấn đến 10 nghìn người lao động; Xây dựng, in phát 40 nghìn tờ rơi về chính sách này đến người lao động tại các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; Tổ chức hội nghị tuyên truyền... 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 1.631 người được hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; 1.727 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; 1.771 người được chi trả trợ cấp thất nghiệp; 24 người được hỗ trợ học nghề và 97 người có việc làm khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB và XH đẩy mạnh công tác phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung - cầu, đảm bảo huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2023 tạo việc làm cho khoảng 32 nghìn lượt người, trong đó xuất khẩu lao động 1.400 người. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023. Phấn đấu tuyển sinh, đào tạo nghề cho khoảng 35.200 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49% vào cuối năm 2023. Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 77% trở lên. Triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng, duy trì quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ tại các doanh nghiệp: tăng cường giáo dục pháp luật, tư vấn, đối thoại, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH; theo dõi, nắm bắt tình hình tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp; tham mưu, hướng dẫn, tham gia giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động theo đúng quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin