Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chỗ dựa cho người lao động những lúc rủi ro khi đang làm việc và lúc về già, không còn khả năng lao động. Tuy nhiên, việc gia tăng số người rút trợ cấp BHXH một lần là điều đáng lo ngại đối với hệ thống an sinh xã hội. Trước thực trạng người lao động rút BHXH một lần gia tăng, phóng viên Báo Nam Định có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Minh Thư, Phó Giám đốc BHXH tỉnh để làm rõ hơn vấn đề này.
Cán bộ Phòng một cửa Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn người dân làm các thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. |
Phóng viên: Thưa đồng chí, thực trạng rút BHXH một lần nói chung và trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến ra sao?
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Thư, phó Giám đốc BHXH tỉnh: Theo báo cáo đầu tháng 3-2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về triển khai Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội, giai đoạn 2016-2021 có hơn 4,25 triệu lao động tham gia nhưng cũng có tới 4,06 triệu người rút BHXH một lần. Tính trung bình, mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Trong số 4.058.317 người lao động được giải quyết hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016-2021, có tới 77,5% là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi. Số người hưởng BHXH một lần khi đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH tối thiểu chiếm rất ít chỉ 0,79%.
Tại tỉnh ta, thực hiện các quy định tại Điều 60 Luật BHXH số 58/2014 và Nghị quyết 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, thời gian qua, cơ quan BHXH đã giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho người lao động. Đặc biệt, trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, năm 2021, BHXH tỉnh giải quyết 7.557 trường hợp hưởng BHXH một lần; năm 2022, giải quyết 6.852 trường hợp. Như vậy, trong năm 2022 số trường hợp đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần giảm so với năm 2021 là 705 trường hợp, giảm 9,06%. Tuy nhiên trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023, số người đề nghị hưởng BHXH một lần tăng 130 trường hợp, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết nguyên nhân của sự gia tăng số người rút BHXH một lần?
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Thư, phó Giám đốc BHXH tỉnh: Hàng ngày tiếp xúc với các trường hợp đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần, cán bộ, chuyên viên BHXH tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền, tư vấn cho người lao động. Qua nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, BHXH nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số người hưởng BHXH một lần. Trong đó có nhiều nguyên nhân, dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Người lao động thu nhập thấp hầu như không có tích lũy nên khi mất việc làm, họ phải đối mặt với vấn đề tài chính. Bên cạnh đó, đa phần người hưởng BHXH một lần là người trẻ, quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già, vì vậy khi chấm dứt hợp đồng lao động đủ 1 năm người lao động đề nghị giải quyết chế độ BHXH một lần. Với quy định thời gian tham gia tối thiểu phải đủ 20 năm đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí dẫn đến đa số người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 10 năm khó chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, những trường hợp từ 45-50 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH khó có cơ hội hưởng lương hưu. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần. Có thể thấy, tình trạng hưởng BHXH một lần của người lao động đã, đang và có thể sẽ tiếp tục gia tăng, điều này dẫn đến việc người lao động khi hết tuổi lao động sẽ không có hoặc giảm sút lương hưu. Việc hưởng BHXH một lần gia tăng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân, không để ai ở lại phía sau.
Phóng viên: Theo đồng chí, người lao động có nên rút BHXH một lần tại thời điểm này hay không? Ngành BHXH có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Thư, phó Giám đốc BHXH tỉnh: Hiện tại, Luật BHXH đang được lấy ý kiến để chỉnh sửa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia hưởng chế độ hưu trí. Vì vậy, BHXH tỉnh khuyến cáo người lao động cần cân nhắc kỹ trước khi đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần. Bởi người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi về các quyền lợi sau: Thứ nhất, khi đã giải quyết BHXH một lần thì người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước tổ chức, thực hiện và bảo hộ. Thứ hai là mất cơ hội hưởng lương hưu nguồn thu nhập ổn định hữu ích khi về già. Thứ ba là số tiền nhận được ít hơn so với số tiền đóng vào quỹ BHXH. Bởi theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng BHXH là 22% mức tiền lương tháng; trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%; Tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được thanh toán cao nhất bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia BHXH. Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.
Để hạn chế hưởng BHXH một lần, ngành BHXH tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người lao động nhận thức về vai trò, lợi ích lâu dài của chính sách BHXH. Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện để người lao động khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có cơ hội để tự nguyện tham gia BHXH tự nguyện. Trong năm 2022, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh với đa dạng các hình thức như: trên biển quảng cáo điện tử; các nền tảng mạng xã hội: Zalo, Facebook, Youtube..., cấp phát tờ rơi BHYT gia đình; tờ rơi BHXH tự nguyện đến các đại lý thu và khách mời dự tại các hội nghị tuyên truyền. BHXH tỉnh phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đăng, phát nhiều chuyên mục, chuyên trang về BHXH-BHYT. Toàn tỉnh tổ chức 283 Hội nghị đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với sự tham gia của gần 17.500 người. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 14 Hội nghị tuyên truyền đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho gần 1.700 hội viên của 9 huyện, thành phố. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, BHXH từ tỉnh đến huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa và cán bộ giải quyết chế độ BHXH, BHYT, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT địa phương gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương để đưa chính sách BHXH, BHYT đến với nhân dân.
Bên cạnh những giải pháp của ngành để hạn chế hưởng BHXH một lần, thời gian tới, Luật BHXH cần sửa đổi để chính sách BHXH linh hoạt, qua đó giúp người lao động có niềm tin gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Viết Dư (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin