Toàn tỉnh hiện có 165 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập thuộc hệ thống các cơ sở GDMN ngoài công lập) với tổng số đang chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 8.100 trẻ. Trong đó, 27 cơ sở có quy mô tối đa 7 trẻ, 138 cơ sở có quy mô trên 7 trẻ, chủ yếu tập trung ở thành phố, các vùng trung tâm thị trấn, các khu, cụm công nghiệp, khu tập trung nhiều nhà trọ. Các cơ sở GDMN độc lập phát triển giúp giảm bớt gánh nặng về việc huy động trẻ trên địa bàn đến trường cho hệ thống công lập, đáp ứng nhu cầu gửi, trông giữ trẻ, đặc biệt là con em công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Sự phát triển dịch vụ xã hội này phù hợp, tương ứng với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp và quá trình đô thị hóa, đông dân cư hiện nay, đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một giờ học hoạt động tạo hình của trẻ ở cơ sở giáo dục mầm non chất lượng cao "Chân trời mới", thị trấn Yên Định (Hải Hậu). |
Để khuyến khích phát triển cơ sở GDMN độc lập, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã tham mưu HĐND tỉnh, trên cơ sở Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định của Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và phát triển mạng lưới cơ sở GDMN độc lập; triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về GDMN, trong đó có chính sách đối với giáo viên, trẻ em cơ sở GDMN độc lập tại khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất. Hàng năm, Sở đều có văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học và chuyên môn đối với cơ sở GDMN độc lập; chú trọng công tác quản lý chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo an toàn cho trẻ. Chỉ đạo Phòng GD và ĐT huyện, thành phố phối hợp các ngành chức năng và UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, rà soát điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở các cơ sở GDMN độc lập trên địa bàn, có biện pháp xử lý, đề xuất các giải pháp hỗ trợ khắc phục đối với những cơ sở không đủ điều kiện theo quy định. Bằng các biện pháp quản lý toàn diện, đồng bộ, các cơ sở GDMN độc lập trên toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện quy định về tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ngày càng chuyên môn hóa, đúng quy định, đáp ứng cầu của người dân và nhu cầu phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở GDMN độc lập trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. So với mạng lưới trường mầm non công lập, các cơ sở GDMN độc lập còn hạn chế nhiều về điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực. Tổng số chủ cơ sở GDMN độc lập là 138 người (đối với cơ sở GDMN trên 7 trẻ); trong đó, 96 người có chứng chỉ quản lý giáo dục, 27 người có chứng chỉ nghiệp vụ chăm sóc, giáo dục trẻ, 15 người có cả 2 loại chứng chỉ trên, 113/138 người tốt nghiệp từ trung cấp sư phạm mầm non trở lên, 86/138 chủ cơ sở kiêm quản lý chuyên môn cơ sở. Điều kiện kinh phí để tuyển dụng nhân sự của cơ sở GDMN độc lập còn hạn hẹp, chủ cơ sở phần lớn kiêm nhiệm thêm các công việc, nhiệm vụ, vị trí khác nên việc điều hành, tổ chức các hoạt động của nhiều cơ sở GDMN còn hạn chế. Tổng số giáo viên tại các cơ sở GDMN độc lập trên 7 trẻ là 900 người, trong đó 658 người có trình độ đạt chuẩn trở lên (chiếm tỷ lệ 73,1%). Như vậy, còn 26,9% giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục. Tỷ lệ trên cho thấy những khó khăn trong việc nâng chuẩn theo lộ trình quy định, trong khi lương và các khoản thu nhập giáo viên mầm non còn thấp, giáo viên khó có khả năng tự chi trả học phí nếu tự đi học để đạt chuẩn năng lực; song các cơ sở cũng không đủ nguồn lực để hỗ trợ cho giáo viên học tập. Đây đang là áp lực với giáo viên mầm non cũng như việc tuyển giáo viên đối với các cơ sở GDMN độc lập.
Một số cơ sở không đảm bảo về cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị theo quy định, hoặc có hạng mục công trình chưa đảm bảo quy định tối thiểu (đặt địa điểm ở khu vực không đảm bảo vệ sinh, không có nguồn nước sạch...). Phần lớn các cơ sở GDMN độc lập không có chỗ cho trẻ chơi ngoài trời và không đầu tư đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu theo danh mục quy định. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc phát triển hệ thống cơ sở GDMN độc lập. Đa số nhóm trẻ quy mô 7 trẻ vẫn tổ chức và hoạt động tự phát, nằm rải rác trong các khu dân cư, rất khó quản lý và chưa được quan tâm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Ở một số địa phương, cơ sở GDMN độc lập hoạt động không ổn định (có sự thay đổi về địa điểm, thay tên, đổi chủ, giáo viên không ổn định theo cấp phép ban đầu) nên ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố và các trường mầm non thiếu nhân lực quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, giám sát hoạt động của các cơ sở GDMN độc lập. Công tác phối hợp giữa UBND cấp xã với Phòng GD và ĐT trong quản lý, kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của các cơ sở GDMN độc lập trên địa bàn còn hạn chế, chưa thường xuyên. Ở một số địa phương công tác cấp phép và kiểm tra sau cấp phép đối với các cơ sở này chưa chặt chẽ theo quy định. Một số quy định hiện nay về quản lý cơ sở GDMN độc lập vẫn cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện để phù hợp về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (như: Nhu cầu và thủ tục chuyển đổi chủ nhóm trẻ/chủ cơ sở; nhu cầu và thủ tục chuyển đổi địa điểm; một số quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy); quy định trường mầm non công lập hỗ trợ chuyên môn, giám sát cơ sở GDMN độc lập trên địa bàn nhưng không quy định chế độ chính sách với cán bộ quản lý trường công đi hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở tư thục trên địa bàn...).
Trước thực tế trên, Sở GD và ĐT đề xuất với Chính phủ, Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở GDMN độc lập, đó là: Đề nghị Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù về loại hình cơ sở GDMN độc lập, đảm bảo công bằng về quyền lợi đối với các cơ sở GDMN độc lập trong các chính sách về xã hội hóa như ưu đãi đất, cho thuê đất... Có chính sách hỗ trợ cấp định mức ngân sách hoặc một phần định mức ngân sách cho trẻ mầm non học tại các cơ sở GDMN độc lập như ở loại hình công lập để đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi trẻ em. Bộ GD và ĐT hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác quản lý hoạt động cơ sở GDMN độc lập. Tham mưu ban hành nghị định thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (Bổ sung quy trình, thủ tục chuyển đổi tên, đổi chủ nhóm trẻ/chủ cơ sở, mở thêm phân hiệu, chuyển đổi địa điểm...). Tăng cường các giải pháp liên quan đến hoạt động quản lý, chỉ đạo đối với công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các cơ sở GDMN độc lập. Tăng cường các hoạt động hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động cho chủ cơ sở, năng lực quản lý chuyên môn đối với cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục; Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho giáo viên mầm non và người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em của các cơ sở GDMN độc lập. UBND tỉnh ban hành các chính sách để hỗ trợ các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở GDMN độc lập (hỗ trợ cơ sở vật chất, tài chính, hỗ trợ nhân sự quản lý, hỗ trợ việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên, hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của chủ cơ sở, giáo viên, người chăm sóc trẻ...), nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của các cơ sở GDMN độc lập trên địa bàn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với cơ sở GDMN độc lập tại khu vực có khu công nghiệp như hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ cho giáo viên mầm non trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em là con công nhân... theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị quyết 106/2022/NQ-HĐND; có chính sách hỗ trợ đối với cơ sở GDMN độc lập tại khu vực đông dân. Chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành tại các địa phương trong việc quản lý, giám sát hoạt động của cơ sở GDMN độc lập theo quy định./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin