(BNĐ)- Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 31-1-2023 của UBND tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các sở, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên… đã tiến hành tuyên truyền sâu rộng mục đích ý nghĩa của việc lấy ý kiến đóng góp rộng rãi vào dự thảo Luật nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân góp phần hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, đã có nhiều sở, ban, ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các thành viên tổ chức các hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật. Từ số báo này, Báo Nam Định mở chuyên mục “GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)” để đăng tải các nội dung ý kiến đóng góp tại các hội nghị và ý kiến gửi về hộp thư bạn đọc của Báo Nam Định. Mời bạn đọc theo dõi và tiếp tục đóng góp ý kiến.
Bảo đảm quyền lợi bình đẳng
trong thu hồi đất
Tại các hội nghị đóng góp ý kiến đã tổ chức, nhiều ý kiến đóng góp cho các quy định xung quanh công tác thu hồi đất. Cụ thể, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nêu ý kiến: Quy định tại Chương VII “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” như dự thảo Luật thì việc bảo đảm quyền lợi của người dân trong công tác thu hồi đất đang gây bất lợi cho nữ nhiều hơn nam. Trên thực tế, tại thời điểm hộ dân được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất, những trẻ em gái và phụ nữ chưa kết hôn đang ở với cha mẹ thì “có quyền sử dụng đất chung” trong hộ gia đình của cha mẹ. Tuy nhiên, phụ nữ sau khi lấy chồng, về sống trong gia đình nhà chồng, họ không phải là người “có quyền sử dụng đất chung” với gia đình nhà chồng. Mặc dù họ có thể là người sử dụng đất chính (theo đúng nghĩa đen của từ này). Ví dụ: bố mẹ chồng già yếu, chồng đi làm ăn xa, con dâu là người trực tiếp khai thác sử dụng đất cho các hoạt động như cày cấy, chăn nuôi, trồng trọt… trên đất mà hộ gia đình nhà chồng có quyền sử dụng đất hoặc con dâu là người tạo ra thu nhập chính cho gia đình từ việc khai thác và sử dụng phần đất đó nhưng lại không có tên trong danh sách có quyền sử dụng về mặt pháp lý.
Nếu quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” tại khoản 2 Điều 89 đúng, nhưng chưa đủ để bảo đảm bình đẳng giới. Vì chủ thể được bồi thường là người có đất bị thu hồi. Trong trường hợp con dâu hoặc con rể (trên thực tế chủ yếu là con dâu) sống chung với gia đình nhà chồng hoặc nhà vợ - người trực tiếp sử dụng đất bị thu hồi - bị mất nguồn sinh kế, bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất. Do vậy đề nghị mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất hợp pháp, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất.
Cũng liên quan đến vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, đại diện Mặt trận Tổ quốc huyện Mỹ Lộc cho biết, qua tổng hợp ý kiến đóng góp từ cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung quy định trong Dự thảo khá hợp lý, sát thực tiễn. Cụ thể, Dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi; đồng thời, đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi ở một số nơi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Do đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”... Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin