Huyện Vụ Bản có 8 giáo xứ với 12 giáo họ ở 11/18 xã, thị trấn, 2.425 hộ gia đình Công giáo. Thực hiện Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm trong lòng dân tộc” và phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo trong huyện luôn đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”.
Với sự đồng thuận, tự nguyện hiến đất, góp công sức, người dân giáo xứ Phú Thứ, xã Tam Thanh đã góp phần mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên xã kết nối với xã Yên Lương (Ý Yên). |
Phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu” được khơi dậy, lan tỏa, gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Ban đoàn kết Công giáo huyện phối hợp với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo và nhân dân chung sức xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với nội dung “đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”. Bên cạnh việc đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện đề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đồng bào Công giáo ở các xứ, họ đã tích cực ủng hộ tiền, hiến đất, ngày công lao động, tự nguyện tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc… để làm đường giao thông, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn xóm. 5 năm qua, đồng bào Công giáo trong huyện đã tham gia đóng góp, ủng hộ 65,3 tỷ đồng; hiến và góp 22.300m2 đất làm thủy lợi và đường giao thông; ủng hộ 3.500 ngày công lao động làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn xóm, lắp đặt hệ thống điện thắp sáng; đóng góp trên 1.000 ngày công tham gia trồng và chăm sóc tuyến đường cây, đường hoa. Đặc biệt, linh mục các giáo xứ luôn đồng hành với cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các địa phương tuyên truyền, động viên giáo dân đóng góp tiền, công sức, hiến đất để làm các công trình phúc lợi xã hội. Điển hình như tại giáo xứ Phú Thứ, xã Tam Thanh, khi chính quyền địa phương triển khai dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên xã chạy qua địa bàn các xã Tam Thanh (Vụ Bản) - Yên Lương (Ý Yên), người dân đã tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến, góp đất mở rộng đường. Trước đây, đường cũ chỉ rộng khoảng 5m, nay mở rộng thêm lên 7m, vì vậy số nhà dân nằm dọc tuyến đường có đất và công trình thuộc diện phải giải phóng mặt bằng rất lớn. Riêng đoạn chạy qua thôn Phú Thứ có khoảng 70 hộ, trong đó có 2 hộ phải cắt nhà mái bằng trên 60m2. Cổng, tường bao nhà thờ giáo xứ dài gần 120m cũng thuộc diện phải giải phóng mặt bằng. Khó khăn lớn nhất của dự án là không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng nên lúc đầu tư một số hộ dân chưa đồng thuận khi tháo dỡ công trình, hiến góp đất. Vì lợi ích chung, linh mục giáo xứ, ban mục vụ giáo xứ đã bàn bạc, thống nhất, quyết định tháo dỡ toàn bộ cổng, tường bao của nhà thờ, xây lùi vào phía trong để hiến đất mở rộng đường, ủng hộ dự án. Linh mục cũng trực tiếp cùng lãnh đạo xã và thôn xóm đến các hộ gia đình giáo dân vận động bà con. Kết quả, 70 hộ dân thôn Phú Thứ đã tình nguyện tháo dỡ công trình, tường bao, hiến đất mở đường, đồng thời tích cực tham gia đóng góp, hoàn thành xây dựng mới nhà văn hóa của thôn. Từ sự đồng lòng, chung sức, cấp ủy, chính quyền, linh mục và người dân đã góp phần để dự án đường hoàn thành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt, giúp mọi mặt đời sống ở địa phương thay đổi, phát triển. Ở các giáo xứ Đại Lại, Tiên Hào, các linh mục cũng đã ủng hộ vật liệu làm đường bê tông nội đồng, đường giao thông thôn xóm, hỗ trợ ngày công lao động trị giá gần 1 tỷ đồng. Giáo xứ Đào Duyên đồng hành với địa phương đóng góp gần 500 triệu đồng để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông nội thôn, nội đồng. Giáo họ Phú Lão vận động 9 hộ dân hiến trên 130m2 đất thổ cư, tháo dỡ tường bao, các công trình khác để làm tuyến đường Cầu Họ - Hạnh Lâm; góp diện tích đất 2 lúa để mở rộng đường giao thông. Giáo họ Cầu Dần, xã Trung Thành đóng góp làm đường giao thông, thiết chế văn hóa thôn xóm 30 triệu đồng, hiến 45m2 đất làm đường. Giáo họ Bối Xuyên vận động bà con đóng góp làm đường bê tông thôn xóm trị giá 800 triệu đồng; vận động con em xa quê hỗ trợ làm sân bóng đá trên 300 triệu đồng, xây dựng nhà văn hóa trên 600 triệu đồng. Giáo xứ Đồng Đội vận động làm nhà văn hóa, đường điện thắp sáng, rãnh thoát nước thải tổng trị giá 750 triệu đồng…
Bên cạnh việc chung sức xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đồng bào Công giáo huyện Vụ Bản còn đồng hành thực hiện tốt các hoạt động bác ái xã hội, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hưởng ứng thư kêu gọi của MTTQ các cấp, các giáo xứ, giáo họ đã phát động bà con giáo dân tham gia ủng hộ xây dựng các quỹ từ thiện, nhân đạo đạt kết quả cao. Chương trình “Hũ gạo tình thương” tiếp tục được duy trì, nhân rộng ở các xứ, họ. 5 năm qua, các giáo xứ, giáo họ đã quyên góp ủng hộ 2,5 tấn gạo, 310 bộ quần áo ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt; trao 550 phần quà thăm hỏi người già cô đơn, người khuyết tật, các cháu học sinh mồ côi, học sinh nghèo trị giá gần 350 triệu đồng. Tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 được 685 triệu đồng. Vận động xây dựng Quỹ bác ái 850 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 5 nhà Đại đoàn kết tổng trị giá 150 triệu đồng tặng hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không phân biệt hộ nghèo lương hay giáo. Qua đó đã giúp các gia đình nghèo vơi đi nỗi vất vả lo toan, vươn lên trong cuộc sống. Trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, người Công giáo trong huyện tích cực xây dựng gia đình hòa thuận, vun đắp tình làng, nghĩa xóm; tu sửa, nâng cấp các cơ sở thờ tự ngày một khang trang; giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Với những đóng góp thiết thực của đồng bào Công giáo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đến nay, huyện Vụ Bản đã có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 27 thôn, xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 20 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận. 92% số hộ dân đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”. 95% số hộ thực hiện tốt mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”. 100% số hộ sử dụng nước sạch và công trình hợp vệ sinh. Đời sống nhân dân các giáo xứ, giáo họ không ngừng được nâng lên. Số hộ giáo dân giàu và khá đạt 70,9%; hộ nghèo giảm còn 0,65%./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin